Các nghệ sĩ 4 đoàn giao lưu với khán giả TP.HCM sau khi kết thúc chương trình Nàng Kiều tại Nhà hát Trần Hữu Trang đêm 19-10 - Ảnh: K.LINH
1. Bốn "phiên bản" sân khấu thể nghiệm khác nhau khai thác tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du do Viện Goethe hỗ trợ thực hiện (Tuổi Trẻ 13-10) đã được giới thiệu đến khán giả Hà Nội vào cuối tuần trước, 12 và 13-10.
Và khi ra mắt khán giả phương Nam, các nghệ sĩ đến từ đất Bắc khá ngạc nhiên lẫn xúc động khi hiện diện ở khán phòng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tối 19-10 là đông đảo các gương mặt còn rất trẻ.
Với 4 phong cách khác nhau, 4 vở diễn (hay có thể nói là trích đoạn sân khấu thể nghiệm) đã mang đến cho người xem cơ hội trải nghiệm 4 lối tiếp cận riêng và mới với cùng một đề tài rất "cũ".
Nếu ở vở số 1 của đạo diễn Amélie Niermeyer (kịch bản Hoàng Trang) được làm theo phong cách "rất Đức", rất "phương Tây" khi truyền đi một thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng về quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm của người phụ nữ, thì vở kịch số 2 của đạo diễn Trần Lực lại là một phiên bản vừa "rất Việt Nam", cũng vừa "rất hiện đại".
Cách sử dụng trống chầu cầm canh trong vở diễn, khai thác hiệu quả ngôn ngữ sân khấu của nghệ thuật tuồng và hát bội, ngôn ngữ hình thể của múa hiện đại trong vở kịch số 2 khiến vở diễn tạo được nhiều bất ngờ thú vị. Dấu ấn của diễn viên Hoàng Tùng (vai Sở Khanh) trong vở này rất đáng kể.
Vở kịch số 3 của đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi Trẻ) được nhiều khán giả xếp vào mức "khó hiểu" hơn cả bởi tính biểu tượng rất lớn của các tình tiết, diễn xuất kịch.
Và với một số khán giả trẻ tại TP.HCM, họ thích vở kịch số 4 của đạo diễn, NSND Hồng Vân.
Bởi như nghệ sĩ Hồng Vân chia sẻ trước vở diễn, sự rành mạch, chân phương của vở diễn, kết hợp với những yếu tố giải trí như kinh dị, hòa âm theo phong cách nhạc trẻ đã khiến vở diễn có tính giải trí, dễ tiếp cận.
2. Tùy theo cảm nhận và thị hiếu thẩm mỹ, mỗi khán giả tâm đắc với một cách tìm tòi trong từng vở kịch. Nhưng cái được chung của đêm diễn chính là những tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài, những khoảnh khắc nán lại (dù đã khuya) của khán giả để được cùng chia sẻ với các nghệ sĩ, đạo diễn (và cả chia sẻ với nhau) về suy nghĩ của họ, đặc biệt là những "giá như"!
Giá như vở diễn số 2 sử dụng trang phục cổ xưa hơn một chút, giá như cô Kiều trong vở diễn của sân khấu kịch Hồng Vân trang phục bớt "xanh, đỏ", giá như vở kịch số 3 của đạo diễn Bùi Như Lai "cô đọng" hơn, giá như âm nhạc trong các vở được trau chuốt đầu tư hơn nữa...
Rất nhiều những "giá như" theo mong muốn của người xem được cởi mở bày tỏ, trong khoảnh khắc sân khấu đã thực sự bước vào đời sống tinh thần của người xem, thôi thúc họ bộc lộ điều họ cảm, điều họ chưa hài lòng và cả điều họ mong muốn.
Hẳn là từ ý kiến phản hồi của người xem trong các phiếu thăm dò gửi lại sau đêm diễn, Viện Goethe sẽ có thêm thông tin để quyết định lựa chọn đầu tư cho vở nào trong số 4 vở kịch ngắn để dựng thành một tác phẩm sân khấu dài trong năm 2020.
3. Có thể cảm nhận rất rõ sự hồi hộp của các đạo diễn, đặc biệt các đạo diễn phía Bắc, khi mang những "đứa con" của họ vào trình diễn trước khán giả phương Nam, nhất là khán giả trẻ. Như NSƯT Trần Lực bày tỏ, anh thấy mừng khi nhìn xuống hàng ghế khán giả có rất đông khán giả trẻ.
Nhưng mừng hơn khi một trong những khán giả trẻ đã bày tỏ quan điểm rất đáng suy nghĩ của bạn về việc làm mới nghệ thuật sân khấu cũng như làm mới cách tiếp cận một tác phẩm văn học kinh điển, rằng rất nhiều người trẻ đang quan tâm tới văn hóa dân tộc và mong các nghệ sĩ hãy cứ nỗ lực làm mới, hãy cứ lao động sáng tạo để mang văn hóa và nghệ thuật truyền thống tới người trẻ.
Đừng vì mục tiêu tiếp cận giới trẻ mà phải cố gắng hạ thấp hay biến đổi những tiêu chuẩn giá trị tinh túy của nghệ thuật!
Nghĩ cho cùng, mọi sáng tạo và tìm tòi nghệ thuật đúng nghĩa luôn cần có sự "hô ứng" này: nỗ lực lao động nghệ thuật hết mình của các nghệ sĩ và tâm thế quan tâm, mở lòng đón nhận từ khán giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận