Diễn viên Sarah Bloch (giữa, vai Thúy Kiều) trong vở nhạc kịch Kim Vân Kiều - Ảnh: VIỆN PHÁP
Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ được tái hiện với một ngôn ngữ nghệ thuật mới qua bàn tay của đạo diễn tài năng Christophe Thiry và phần trình diễn của đoàn nghệ sĩ opéra đến từ Nhà hát L’Attrape Théâtre (Paris, Pháp).
Trước khi diễn 3 suất (diễn bằng tiếng Pháp với phụ đề tiếng Việt) vào 20h ngày 20-9 tại 81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM; ngày 21-9 tại IDECAF, TP.HCM và 20h ngày 25-9 tại L’Espace, Hà Nội; đoàn vừa có những buổi ráp tập vào hai ngày 18 và 19-9 tại TP.HCM.
Dịp này, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện cùng Christophe Thiry - vị đạo diễn có nhiều sáng tạo táo bạo trên sân khấu kịch nghệ.
Thẩm thấu kiệt tác Truyện Kiều từ nhiều chiều
* Chào ông, cơ duyên nào đưa ông đến với Truyện Kiều của Nguyễn Du và quyết định đưa câu chuyện này lên sân khấu nhạc kịch hiện đại?
- Tôi nghe nói về Truyện Kiều khá lâu nhưng phải cách đây ba năm mới được một người bạn Pháp gốc Việt chia sẻ và diễn giải kỹ hơn.
Câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc, đan xen giữa những điều tốt và xấu, những khoảnh khắc ghê gớm và thời khắc bao dung, những nhân vật sử thi với tính cách được lột tả cảm động, đầy chất thơ và hài hước.
Tính nhân văn của tác phẩm đã thôi thúc tôi phải chuyển tải tác phẩm này lên sân khấu kịch để giới thiệu rộng rãi hơn đến khán giả Pháp cũng như những người Việt sống ở Pháp và nước ngoài.
* Quá trình tiếp cận với tác phẩm và biến ý tưởng dựng Kim Vân Kiều thành hiện thực mất bao lâu?
- Kim Vân Kiều được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện.
Quá trình hoàn thành kịch bản kéo dài gần một năm vì tác phẩm gốc rất dài, là cả một cuộc đời truân chuyên của Thúy Kiều nên đòi hỏi chúng tôi phải đọc, hiểu kỹ càng trước khi chuyển thể và biên soạn, phân cảnh, chia vai sao cho gọn gàng trong thời lượng của một vở kịch khoảng 1 tiếng 40 phút. Khó khăn lớn nhất mà tôi phải đối mặt là làm sao quy tụ được các diễn viên.
* Nghe thật lạ khi cả tác phẩm Truyện Kiều với hơn 20 nhân vật chính mà vở Kim Vân Kiều của ông chỉ có tám diễn viên. Vì sao lại khó tập hợp, với chỉ tám diễn viên như thế?
- Chúng tôi kết hợp nhiều loại hình như kịch nói, múa, khiêu vũ, âm nhạc, nhạc kịch, thanh nhạc vào Kim Vân Kiều để có thể thẩm thấu kiệt tác này từ nhiều chiều: sự sống, cảm nhận tình yêu, bạo lực, bất hạnh, hi vọng... làm cho những khái niệm này trở nên sống động và có giá trị biểu tượng.
Ngoài ra, tôi cũng muốn dàn dựng tác phẩm theo phong cách tối giản. Một diễn viên sẽ đảm nhận đến hai, ba nhân vật cùng những vai trò khác nhau như: ca, diễn, nhảy múa, đàn...
Vậy nên, khi lựa chọn diễn viên, chúng tôi phải tìm kiếm những nghệ sĩ đa năng, thỏa được các điều kiện trên. Tìm được các diễn viên thích hợp rồi thì việc sắp xếp được thời gian để cùng tập trong bốn tháng liền là cả một vấn đề.
Không thu xếp được thời gian cũng là lý do chính khiến Kim Vân Kiều sau năm suất tại Paris vẫn chưa thể diễn thêm suất nào dù khán giả rất thích thú và yêu mến; có những người vừa xem xong đã sẵn sàng mua tiếp vé cho suất tiếp theo.
Và đó cũng là lý do mãi đến hôm nay Kim Vân Kiều mới có thể ra mắt tại mẫu quốc.
Đạo diễn Christophe Thiry - Ảnh: L’ÉQUIPE
Diễn viên đóng Nguyễn Du vào luôn vai Tú Bà
* Và các diễn viên, họ có cảm xúc ra sao khi nhận một kịch bản xa xưa đến từ Việt Nam?
- Các diễn viên khi đến thử vai đều yêu thích tác phẩm. Và khi biết ý đồ dàn dựng của tôi thì họ lại càng phấn khích. Rõ ràng là một thử thách rất khó, rất nguy hiểm nhưng tất cả đều coi đây như một cơ hội để thể hiện tài năng của mình.
Trên sân khấu Kim Vân Kiều, bạn sẽ thấy các diễn viên của tôi nhảy múa, đàn hát đủ thể loại từ pop, jazz, cổ điển cho đến nhạc dân tộc Việt Nam.
Bạn sẽ được nghe Guillaume Francois với các vai Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, dù không biết tiếng Việt nhưng sẽ hát Dạ cổ hoài lang. Hay Pascal Durozier trong vai Nguyễn Du, Vương Quan và cả Tú Bà. Rất khác biệt và đầy thách thức.
* Ồ, vì sao ông lại chọn một diễn viên nam đóng Nguyễn Du, Vương Quan và vào cả vai Tú Bà, trong khi đoàn vẫn có những diễn viên nữ?
- Đó cũng là một những vai "đinh" của vở. Chọn giọng nói đàn ông vào vai Tú Bà vừa tạo nên sự mạnh mẽ, dữ dội và cả hài hước. Tôi tin vai diễn này sẽ mang đến nhiều cảm xúc và ấn tượng cho người xem.
Thực tế, dù là dân tộc nào, thời đại nào, chúng ta cũng đối diện với những nỗi đau, định kiến cùng những hành xử khá giống nhau. Là một nghệ sĩ, một đạo diễn, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều kiệt tác của nhân loại và nhận ra những nét tương đồng này.
Bạn thấy Sở Khanh có tương đồng với Don Juan không? Hay như Hoạn Thư, bạn tưởng tượng khi người Pháp ghen kiểu Hoạn Thư sẽ ra sao? Có phải là chúng ta đừng nên áp đặt và có những cái nhìn khác nhau về mỗi nhân vật, tác phẩm?
Màu Việt từ nhạc khí dân tộc
Nhac kịch Kim Vân Kiều được Trung tâm Văn học nghệ thuật TP.HCM phối hợp với Viện Pháp, Sân khấu kịch Quốc Thảo và Công ty TNHH giải trí Tiếng Dương Cầm mang về Việt Nam.
Ngoài dàn diễn viên Pháp, vở còn có hai thành viên Việt Nam là hai anh em nghệ sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam của Nhạc viện TP.HCM và Đoàn nhạc gõ Phù Đổng. Cả hai đã sáng tác những tác phẩm riêng dành cho Kim Vân Kiều, mang đến những màu sắc rất Việt Nam từ những nhạc khí dân tộc như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận