Cà phê Việt Nam là một trong những thức uống yêu thích của Yushi - Ảnh: NHẬT LINH
Tôi thấy khí chất của con người Việt Nam ở mỗi miền rất riêng biệt. Về món ăn, thức ăn tại miền Bắc khá mặn, ở miền Trung lại rất cay, còn miền Nam thì ngọt.
YUSHI
Lúc đó dù là một trong những sinh viên Nhật Bản hiếm hoi được nhận học bổng du học Anh ngành vật lý vũ trụ, Kawarai Yushi đã quyết định bỏ hết tất cả để sang Việt Nam học tiếng Việt, bắt đầu lại từ đầu.
Đam mê văn chương Việt
"Tháng 8 năm đó, tôi được bạn dẫn đi du lịch ở miền Trung. Tôi đã trở lại Anh với nỗi nhớ da diết về Việt Nam, về tình cảm ấm áp và thân thiện của gia đình người Việt đã mời tôi ở lại nhà chơi dù mới gặp lần đầu", Yushi bắt đầu câu chuyện về cái "duyên" với nơi mà anh gọi là "quê hương thứ hai".
Tốt nghiệp ngành ngữ văn và hiện đang học thạc sĩ ngành văn học Việt Nam tại Trường đại học Sư phạm Huế, Yushi nói chính tiểu thuyết Tố Tâm của nhà văn Hoàng Ngọc Phách là ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa đam mê văn chương Việt Nam trong anh.
Yushi, trong một lần rảo quanh nhà sách ở Nhật Bản, đã tìm thấy quyển Tố Tâm bằng tiếng Nhật. Thời điểm đó dù chưa biết đọc tiếng Việt, chàng trai trẻ vẫn xúc động với những lời văn của tác giả khi đọc bản dịch.
Tháng 11 năm nay, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Yushi tiếp tục chuẩn bị để học lên chương trình tiến sĩ về Hán - Nôm ở Viện Khoa học xã hội ở Hà Nội. Chàng trai 31 tuổi nói anh say mê văn học cổ điển Hán - Nôm với các tác phẩm như Chinh phụ ngâm khúc, Lục Vân Tiên, Kim Vân Kiều hay Cung oán ngâm khúc...
"Tôi đã đọc cả Thanh Hóa Quan Phong, Cư Trần Lạc Đạo Phú, về văn học cũng không thể không nói về Truyện Kiều. Ngoài ra, tôi còn thích nhóm Tự Lực Văn Đoàn" - anh nói.
Hiện Yushi đang dịch tác phẩm Tố Tâm ra tiếng Nhật và dự kiến dịch thêm nhiều tác phẩm văn học Việt Nam khác để giới thiệu với độc giả tại Nhật.
"Tôi đã từng đọc rất nhiều sách nhưng văn học Việt Nam có những tác phẩm rất hay, chỉ tiếc là chưa được giới thiệu nhiều. Tôi mong người nước ngoài sẽ tìm hiểu nhiều hơn về văn học Việt Nam, biết đến nét đẹp của đất nước và con người nơi đây" - Yushi bộc bạch.
Yushi cũng là một trong 21 cây bút có mặt trong quyển Chuyện người Tây ở xứ ta. Quyển sách là câu chuyện và góc nhìn của những người nước ngoài tình cờ ghé ngang để rồi trót "phải lòng" đất nước Việt Nam xinh đẹp.
Sống ở Việt Nam không phải chỉ có màu hồng. Yushi thừa nhận anh đã nhiều lần rơi nước mắt khi phải tự bươn chải lo cho việc học và cuộc sống. Thế nhưng, đó có lẽ cũng là cơ hội để chàng trai đến từ Nhật Bản này cảm nhận được những tình cảm quý giá và sự chân thành mà những người bạn Việt Nam dành cho mình.
"Tôi được rất nhiều người giúp đỡ, động viên và ủng hộ, cho nên mới có thể sống tốt và học được nhiều thứ. Ngày tôi một mình loay hoay đi tìm trường đại học phù hợp để đăng ký, cũng chính những người bạn Việt Nam đã giới thiệu trường cho tôi. Sau này, tôi rất mong có thể trả ơn cho họ. Tôi rất hạnh phúc vì có nhiều người thương mình" - Yushi nói.
Anh cũng chia sẻ về những kỷ niệm mà anh trân quý ngay từ những điều nhỏ nhặt nhất như giờ học ở trường, lúc học thêm với thầy cô hay khi đi chơi cùng bạn bè.
Tại Việt Nam, Yushi đã đi qua nhiều vùng đất từ Bắc chí Nam... Tuy đã thử qua nhiều món nhưng Yushi cho biết anh vẫn thích nhất là món mì Quảng.
Bỏ túi nhiều ngoại ngữ
Năm lên 14, Yushi xin bố cho học tiếng Đức vì yêu thích âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc Schubert. Thế nhưng, người bố đã gợi ý cho anh học tiếng Việt vì dự đoán sau này Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nhiều cơ hội phát triển.
Lúc đó nhìn thấy hệ thống dấu câu phức tạp trong tiếng Việt, Yushi nói anh đã tự hứa không học ngôn ngữ này, không ngờ có ngày lại đến sống ở Việt Nam.
Năm 18 tuổi, Yushi lần đầu tiên phát hiện khả năng ngoại ngữ của mình khi tình cờ đọc một quyển sách tiếng Nga.
"Mỗi ngày tôi đều đến nhà sách để đọc quyển sách ấy, dần dần học được ngữ pháp tiếng Nga. Tôi biết mình có năng khiếu ngoại ngữ hơn các môn khoa học tự nhiên. Tôi cũng bị quên và nhầm lẫn giữa các thứ tiếng, nhưng chỉ cần ôn lại tôi sẽ nhớ rất nhanh" - anh nói.
Là người đam mê học ngoại ngữ, đến nay Yushi có khả năng nói thành thạo tiếng Anh, Pháp, Đức và Việt. Đồng thời, anh có thể nói chậm rãi và giao tiếp cơ bản với các ngôn ngữ khác gồm tiếng Hàn, Hoa, Thái, Lào, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Nga.
Về kỹ năng đọc hiểu, Yushi cho biết anh hiểu được tiếng Ả Rập, Ba Tư, Do Thái, Latin, Hy Lạp cổ, tiếng Phạn, Pali và Ai Cập cổ. Hiện nay, anh chàng đang "bỏ túi" thêm cho mình tiếng Czech.
Để học được nhiều ngoại ngữ, Yushi nói anh tự đặt ra quy tắc sẽ học ngôn ngữ của bất cứ quốc gia nào anh có dịp đặt chân đến. Vì vậy, nhờ đi qua 16 đất nước, vùng lãnh thổ gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Thái Lan, Lào, Singapore, Sri Lanka, Anh, Pháp, Ý, Đức, Bỉ, Czech, Mỹ, Canada và Úc, Yushi đã mang về cho mình "kha khá" những ngôn ngữ mới.
Tiếng Việt rất khó
Dù có khiếu ngoại ngữ nhưng Yushi vẫn đánh giá tiếng Việt là "cực kỳ khó". Trước khi sang Việt Nam, Yushi đã có một tháng học tiếng Việt ở một trung tâm tại Tokyo. Tuy nhiên, năm 2011, chàng trai trẻ quyết định đến Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đăng ký chương trình học riêng một thầy một trò.
"Các giáo viên ở trường dạy rất nhiệt tình. Khi tôi không hiểu, họ giải thích thêm bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Anh. Tôi luyện nói tiếng Việt bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là mỗi khi đi ăn ở hàng quán, xem tivi để quen ngữ điệu" - anh nói. Nhờ nỗ lực này, sau ba tháng Yushi đã giao tiếp được với người bản xứ, đọc báo và trò chuyện về văn hóa.
Anh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngữ pháp và chia sẻ "mẹo" học phát âm bằng cách quan sát khẩu hình của người bản xứ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận