Phóng to |
Ngoại trưởng John Kerry tới London hôm 9-4 để dự cuộc gặp của các ngoại trưởng G-8 - Ảnh: AFP |
Giờ gần ba tháng sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Kerry sẽ lần đầu tiên tới Đông Á vào cuối tuần này (từ ngày 12 đến 15-4), nhưng chỉ sau khi ông đi thăm Trung Đông (chuyến thăm thứ ba) và châu Âu thêm một lần nữa (ngày 10 và 11-4). Dù luôn nói cam kết thực hiện chính sách “tái cân bằng” sang châu Á của Tổng thống Obama, ông Kerry rõ ràng chưa thể hiện chuyện mình thật sự quan tâm tới các vấn đề châu Á.
Ngay lúc này, khi mà bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực của chiến tranh, ảnh hưởng trực tiếp tới hai đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực (Nhật, Hàn Quốc), đồng minh Nhật Bản thì căng thẳng quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, biển Đông liên tục có những biến động mới thì bộ sậu tới châu Á của ông Kerry lần này bị coi là “chưa hoàn chỉnh”. Cho đến giờ, người trực tiếp phụ trách vấn đề châu Á ở Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa được bổ nhiệm.
Giới ngoại giao châu Á thì tự hỏi ai sẽ là người thay thế trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell, một người vô cùng am hiểu khu vực và là kiến trúc sư trưởng của chiến lược “chuyển trục” sang châu Á của Mỹ. Thực tế việc điều phối chính sách ở khu vực thường đều do chính trợ lý ngoại trưởng về khu vực thực hiện.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Obama, ông Campbell là người di chuyển nhiều chỉ thua ngoại trưởng Clinton. Vị tiến sĩ về quan hệ quốc tế và từng học nhạc và triết học chính trị ở Liên Xô cũ là người đặc biệt có kinh nghiệm trong tương tác với ASEAN và các vấn đề liên quan tới biển Đông. Khi tình hình biển Đông căng thẳng hay có khủng hoảng, khi mà kênh phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao hay Nhà Trắng luôn đưa ra những tuyên bố chung chung với lập trường “trung lập” thì ông Campbell trong các cuộc họp kín thường là người chuyển thông điệp rõ ràng hơn của Washington tới các sứ quán Đông Nam Á.
Theo VOA, hiện có vài ứng viên thay thế, trong đó có cha đẻ của thuyết “quyền lực mềm” Joseph Nye - nguyên hiệu trưởng Trường Kennedy tại Đại học Harvard, đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Kathy Stephens và giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Daniel Russel. Việc lựa chọn nhân sự chậm, theo VOA, một phần vì sự khác biệt giữa phe Kerry (muốn Joseph Nye) và phe Obama (phần lớn ủng hộ Russel).
“Nhật Bản rất cần sự ủng hộ của Mỹ và muốn mình là trung tâm của chiến lược Mỹ ở châu Á. Thực tế việc chúng ta chưa có trợ lý chuyên trách khu vực Đông Á làm một số người ở Nhật Bản lo ngại” - Jim Schoff, cựu cố vấn Bộ Quốc phòng Mỹ về Đông Á, nói. Ông Schoff thừa nhận “có những lo ngại ở Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Ngoại trưởng Kerry không tiếp tục theo đuổi chính sách tái cân bằng như ngoại trưởng Clinton, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về ngân sách hiện nay”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói trong mấy ngày vừa rồi Ngoại trưởng Kerry liên tục có các cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, ủy viên quốc vụ viện về đối ngoại của Trung Quốc, về tình hình bán đảo Triều Tiên. Những việc tác động Bắc Kinh này có thể được thực hiện sớm hơn nếu ông Kurt Campbell còn tại nhiệm. Với một khu vực có nhiều điểm nóng và biến động như châu Á lúc này, đã đến lúc Bộ Ngoại giao Mỹ cần có thêm nhân vật tầm cỡ và thật sự hiểu khu vực như Kurt Campbell.
Ngân sách quốc phòng mới của Mỹ: tập trung cho châu Á Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đệ trình ngân sách quốc phòng 526,6 tỉ USD trong năm tài chính 2014 mà về cơ bản là giữ mức chi tiêu tương đương năm 2013, nhưng lại cắt khoảng 4,4 tỉ USD cho lực lượng tình báo (tương đương 8,4%). “Ngân sách này có những đầu tư quan trọng cho định hướng chiến lược của tổng thống, trong đó có phần tái cân bằng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng như mạng, các chiến dịch đặc biệt và khả năng linh động toàn cầu” - Bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel giải thích. Bản đề xuất của Lầu Năm Góc cũng nêu rõ ngân sách mới sẽ “hỗ trợ sáng kiến nhằm tái cân bằng vị thế và sự hiện diện của Mỹ, đặc biệt ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Đông”. Ở châu Á - Thái Bình Dương, nguồn ngân sách sẽ bao gồm củng cố lực lượng không quân và duy trì lực lượng tấn công chiến lược và phát triển đảo Guam thành căn cứ chiến lược. Ngân sách mới cũng đề xuất hỗ trợ việc “thúc đẩy, tăng cường quan hệ đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương”. Theo Reuters, khoảng 8,4 tỉ USD ngân sách mới sẽ được dành để tiếp tục phát triển ba mô hình máy bay chiến đấu F-35, 10,9 tỉ USD cho việc đóng mới tàu, 9,2 tỉ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa, 379 triệu USD cho phát triển máy bay ném bom tầm xa, 4,7 tỉ USD cho các hoạt động an ninh mạng và 10,1 tỉ USD cho công nghệ không gian. Đề nghị ngân sách này sẽ cần được hai đảng thống nhất trước khi ngân sách cuối cùng được thông qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận