09/06/2018 14:39 GMT+7

Khi kẻ trộm sâm Ngọc Linh là... chuột

THÁI BÁ DŨNG - LÊ TRUNG
THÁI BÁ DŨNG - LÊ TRUNG

TTO - Một trong những nỗi ám ảnh khiến người trồng sâm mất ngủ trên các vườn sâm Ngọc Linh là... những chú chuột núi chỉ lớn bằng cổ tay.

Khi kẻ trộm sâm Ngọc Linh là... chuột - Ảnh 1.

Hạt sâm Ngọc Linh chín có màu đỏ hồng là món ăn ưa thích của chuột núi - Ảnh: T.B.D.

Anh Hồ Văn Đoàn, một cán bộ ở Trung tâm sâm Ngọc Linh, cũng là chủ một vườn sâm 11 năm tuổi tại nóc Măng Pre, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) nói về chuột: "Mình không dám nhắc đến nó, nó hiểu... mình nói gì đấy". 

Chủ sâm người Xê Đăng nói rồi đảo mắt nhìn quanh cánh rừng già. Chỉ cách túp lều chúng tôi ngồi cùng đoàn vài bước chân là vườn sâm đang giai đoạn trút lá để ngủ đông, mùa chuột núi ăn sâm đã bước qua tháng thứ hai, thứ ba.

Đêm nào cũng phải lọ mọ cầm đèn pin rọi khắp vườn sâm tới ửng sáng mới được về

Hồ Văn Rủi

Trắng đêm canh chuột

Đêm trên đỉnh Ngọc Linh lạnh buốt và mưa rả rích. Những nhân viên của trại sâm Tăk Ngo ăn vội bát cơm nóng hổi rồi cầm rựa, sau lưng bọc chiếc túi được tết lại từ bao hàng. 

Những người này chỉ trao đổi với nhau mấy câu bằng tiếng bản địa rồi đội đèn pin trên đầu lặng lẽ tỏa ra những khu rừng nằm ẩm ướt trong mưa.

Những người trồng sâm nói rằng lũ chuột không bao giờ ngủ, chỉ cần một chút sơ sểnh không có người canh gác là lập tức từng đàn sẽ nhảy từ trên cây xuống, từ dưới lớp lá mục chui lên tràn vào vườn sâm. 

Hồ Văn Rủi, công nhân trồng sâm người Xê Đăng, được tuyển chọn vào làm nhân viên trại cầm cây rựa lầm lũi phát từng đám cây dại để mở đường vào vườn. 

Chúng tôi cố gắng trò chuyện và hỏi về chuột sâm nhưng Rủi nhất quyết không nói và nhắc đi nhắc lại rằng "không được làm chuột biết có người tới".

Chúng tôi theo Rủi đi qua từng luống sâm để tìm chuột. "Hình như có chuột ở quanh đây, cả hai tháng nay từ khi sâm chuẩn bị rụng lá và đám quả bắt đầu chín mọng, tụi mình không lúc nào được ngủ. Đêm nào cũng phải lọ mọ cầm đèn pin rọi khắp vườn sâm tới ửng sáng mới được về" - Rủi kể.

Nhìn bên ngoài, các con chuột chỉ to bằng nửa cổ tay, đuôi dài và mũi nhọn hướng thẳng hẳn về phía trước. Cũng vì cấu tạo đặc biệt này mà gần như trên rừng già, không một hạt sâm nào khi chín có thể thoát khỏi lỗ mũi của chúng. 

"Con chuột rất thính và nhanh. Chúng thường tràn vào vườn sâm ban đêm mà không hề để lại tiếng động. Muốn bắt được chuột mình cũng phải đi nhẹ giống nó rồi từ từ tiến tới, hoặc dùng bẫy đá đặt dưới gốc cây nơi có mầm cây mới nhú để dụ chuột tới" - Rủi nói.

Khi kẻ trộm sâm Ngọc Linh là... chuột - Ảnh 3.

Loài chuột vàng ăn sâm ở các vườn sâm Ngọc Linh - Ảnh: L.TRUNG

Bẫy chuột

Nếu không phải là dân trồng sâm thì không thể hình dung dưới những tảng đá to bằng cái nồi là những cái bẫy đầy khiếp sợ đối với chuột. 

"Mình không biết loại bẫy đá này có từ bao giờ nhưng cho đến giờ người làng vẫn sử dụng hằng ngày để bắt chuột. Bẫy làm hoàn toàn bằng đá và cành cây nhưng rất hiệu quả để giúp mình bảo vệ vườn sâm". 

Rủi vừa nói vừa dùng cành cây mỏng khẽ chạm lên "cò" bẫy. Rầm! Tảng đá dùng làm bẫy bị động nên đổ sập xuống đè nát một vạt đất.

Những người trồng sâm cho biết bình quân cứ mỗi hecta sâm như vậy người chủ phải đặt trên 100 cái bẫy đủ các loại. 

Từ bẫy đá, bẫy kẹp cho tới bẫy dây treo lơ lửng trên gốc cây. Tất cả đều được chế tác, không dùng mồi và điều bất khả tác động là tuyệt đối không dùng thuốc hóa học để bẫy chuột. 

Chỉ cần một mẩu thuốc chuột đặt giữa rừng cũng vô tình giết chết cả một vườn sâm do đặc tính nguyên thủy của loài đặc biệt này. 

Chuột sâm tấn công vườn từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm, đây là khoảng thời gian sâm thụ phấn, kết trái. Những đùn trái mọc lên, khi chín đỏ ửng là món ăn khoái khẩu của loài chuột núi. Người trồng sâm gian nan nhất từ thời gian này: gần như 24/24 giờ họ không được ngủ.

Rủi khẳng định chắc nịch rằng không ai có thể bắt được lũ chuột rừng ở vườn sâm nếu như không phải là người... bản địa. 

"Mình không biết lý do tại sao nữa, có lẽ vì cái mùi người, chỉ cần người mình không sống ở trong rừng thì cách vài chục bước chân là chúng biết và tháo chạy ngay" - Toán nói. 

Mùa sâm này Rủi và mấy công nhân ở trại sâm hì hục cùng nhau làm được tổng cộng 167 cái bẫy, hầu hết là bẫy đá và bẫy kẹp. Làm xong cái nào thì hơ qua trên khói để mất mùi hơi người rồi chọn vị trí chuột hay lui tới để đặt.

Khi kẻ trộm sâm Ngọc Linh là... chuột - Ảnh 4.

Người của trại sâm đi tuần để canh chuột và đặt bẫy đá - Ảnh: T.B.D.

Chuột nào cũng ăn sâm

Ngoài chuột vàng, ở Ngọc Linh còn có chuột trũi. Chuột trũi là loài ăn sâm tàn bạo nhất và rất khó bắt. Người trồng sâm sợ chuột trũi nhất vì gần như không loại bẫy nào dụ được nó. 

"Chuột trũi sống trên cây và lao từ gốc cây này qua gốc khác như con sóc vậy, có màng ở chân để bám vào thân cây" - Rủi nói. Muốn đuổi loài chuột này không còn cách nào khác là phải... đi tuần hằng đêm.

Chủ sâm Hồ Văn Đoàn kể rằng mùa mưa hằng năm là nỗi ám ảnh đối với chủ vườn bởi thời tiết lạnh buốt, mưa gió nên rất khó canh giữ vườn sâm khỏi lũ chuột. 

Tháng 8-2016, vườn sâm hơn 1.000 gốc của anh bị chuột xới tung và mất hơn phân nửa chỉ sau một đêm bão về.

"Hôm đó mưa lớn và gió thổi về nên vợ chồng mình không ra canh vườn được. Sáng mai ra thăm thì thấy luống sâm bị đào xới tan nát, chuột tràn vào moi củ lên cắn tan nát. Đợt đó vườn mình bị mất 500 gốc, vườn mấy người khác nằm gần đó cũng bị mất nặng. Thiệt hại tính ra cả tỉ bạc" - anh Đoàn nói.

“Đặc sản” chuột sâm

Ông Đinh Hồng Thắng, chủ tịch UBND xã Trà Linh, cho biết loài chuột ăn sâm này có bộ lông màu vàng rất đẹp nên người dân địa phương thường gọi là chuột vàng.

Hiện trên địa bàn xã có hơn 500 hộ trồng sâm với 500-600 vườn sâm lớn nhỏ. Mỗi mùa như vậy có hơn 50% vườn sâm bị loài chuột này cắn phá, ăn sâm.

Vì vậy chính quyền địa phương luôn khuyến cáo người dân đến mùa phải cắt cử người trực, canh không cho chuột cắn phá sâm.

Tới mùa xã cũng phát động phong trào toàn dân ra quân diệt chuột sâm "- ông Thắng nói.

Ông Thắng tiết lộ loài chuột này còn là thức ăn "đặc sản" của người dân Xê Đăng ở vùng núi Ngọc Linh. Vì chúng chuyên ăn sâm và sống trên cây nên thịt rất sạch.

***************

>> Kỳ tới: Bảo vệ vườn sâm

Tìm trộm sâm Ngọc Linh bằng... luật làng Tìm trộm sâm Ngọc Linh bằng... luật làng

TTO - Từ khi củ sâm Ngọc Linh có giá, có những dân làng bước qua tập tục tối kỵ là "trộm cắp". Người Xê Đăng trên núi cái bụng thật thà và thẳng tưng như hồn cây, ngọn cỏ.

THÁI BÁ DŨNG - LÊ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên