15/03/2023 08:22 GMT+7

Khi hướng dẫn viên nói 'tiếu lâm mặn'

Những lần đi du lịch theo tour, tôi thường gặp những hướng dẫn viên lại thích đưa đẩy những câu chuyện mà ta gọi là "tiếu lâm mặn".

Khách du lịch nước ngoài đang nghe giới thiệu tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Khách du lịch nước ngoài đang nghe giới thiệu tham quan trung tâm TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG


Có lẽ các bạn hướng dẫn viên ấy muốn không khí của chuyến đi thêm phần hào hứng. Các câu chuyện ấy vẫn được kể ra với một giọng điệu hết sức phấn khích, thu hút một số khách. Nhưng trong đoàn có nhiều khách (nhất là khách nữ) rất khó chịu nhưng đành nhắm mắt vờ ngủ hay bận xem sách không nghe. Họ sợ những câu chuyện vô lý kia lọt vào tai con em của mình.

Có lẽ, vì không gặp phản ứng gắt từ khách trước những câu chuyện vô bổ (thậm chí vô lý) nên hướng dẫn viên hiểu nhầm là khách tán thành, tán thưởng. Có cả những hướng dẫn viên nữ cũng góp vui bằng những câu chuyện, lời bình có phần dung tục. Còn những câu chuyện với chi tiết vô lý thậm chí là sai lệch lịch sử, văn hóa thì cũng không ít.

Tôi cũng có quen biết một vài anh em là hướng dẫn viên lâu năm. Các bạn này cho biết để phục vụ khách chu đáo, các bạn luôn nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng diễn đạt. Trước khi đến một di tích văn hóa lịch sử hay danh lam thắng cảnh, làng nghề... việc đầu tiên là các bạn phải cập nhật kiến thức mới nhất, chuẩn bị giải đáp bất kỳ câu hỏi nào của du khách. Những thông tin chưa có căn cứ khoa học, chưa có nguồn chính thống, tuyệt đối không mang đến cho khách.

Khi gặp những câu hỏi khó trên tầm hiểu biết các bạn chọn cách khiêm tốn nhận thiếu sót với khách và hẹn sẽ trả lời trong thời gian ngắn nhất. Nếu phục vụ khách nước ngoài, các bạn này còn cẩn thận từng câu nói, từng chi tiết khi giới thiệu cảnh quan, nét đặc biệt của từng lĩnh vực cho khách. Nhiều du khách luôn có trong tay các tài liệu do ngành du lịch phát hành nên không dễ gì các hướng dẫn viên muốn nói gì thì nói.

Khách trong nước nhiều người thích nghe những câu chuyện bên lề tức là chưa xác định đúng sai, những câu chuyện gây cười, những tình tiết không có trong sử sách, thi thoảng được nhắc lúc trà dư tửu hậu. Hướng dẫn viên muốn được khách hài lòng đôi lúc phải thiếu nghiêm túc. Lâu dần thành thói quen xấu.

Như chuyện một hướng dẫn viên nói về đời sống riêng tư của các phi tần triều Nguyễn khi đưa khách tham quan thành nội Huế đã làm cộng đồng dậy sóng. Những câu chuyện như thế rất không nên mang đến cho du khách vì sẽ gây tác hại trong nhận thức của khách về một lĩnh vực nhạy cảm, không sử sách nào đề cập đến.

Có rất nhiều điều hay, mới lạ mà du khách cần biết chứ không phải những tình tiết giả tạo, phóng đại, thêu dệt để gây chú ý, hấp dẫn. Rất nên tương tác với du khách bằng những câu chuyện lịch sử có thật, chính xác, những bài hát, những câu ca dao, những hiện vật cụ thể.

Có như thế khi về, du khách mới mang theo tình cảm mến yêu về nơi vừa đến. Nên chăng cung cấp số điện thoại của bộ phận nghiệp vụ để du khách có thể góp ý về hướng dẫn viên, về tác phong, chất lượng phục vụ du khách.

Quan trọng hơn cả là người hướng dẫn viên luôn tự học hỏi nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp, không để mắc phải những sai lầm không đáng có.

Sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh vụ hướng dẫn viên nói phi tần nhà Nguyễn dùng chuối ‘tự xử’Sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh vụ hướng dẫn viên nói phi tần nhà Nguyễn dùng chuối ‘tự xử’

Liên quan đến vụ việc hướng dẫn viên nói phi tần nhà Nguyễn xưa dùng chuối để “tự xử” chuyện tình dục, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết đã xác định được danh tính hướng dẫn viên và sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên