Dưới đây là chia sẻ của bạn đọc Tố Uyên gởi đến chuyên mục Bạn đọc làm báo.
"Tôi được phần lớn bạn bè, người thân và người quen đánh giá là ‘hiền’. Và có lẽ khuôn mặt tôi cũng đủ ‘ngu ngu’, dễ dụ nên từ khi lên Sài Gòn học đại học cho đến nay, tôi vẫn thường ‘được’ các đối tượng truyền giáo chọn là mục tiêu.
Tính sơ sơ đã được khoảng sáu lần và lần nào địa điểm cũng liên quan đến xe buýt: ở trạm chờ, trên xe hay ngay tại bến xe đông đúc.
Tôi không theo tôn giáo nào và đôi lúc hơi ‘dị ứng’ với những người sùng đạo quá mức, nhưng chưa đến nỗi bài xích nếu họ không làm điều gì sai trái.
Tuy nhiên, mỗi lần bị tiếp cận để truyền giáo, tôi đều không tỏ ra khó chịu hay thẳng thừng từ chối gì cả. Cũng giống như với những người tuyên truyền về kinh doanh đa cấp, nếu có thời gian tôi luôn muốn nghe những người truyền giáo sẽ nói gì khiến nhiều người sập bẫy như vậy.
Nhưng như đã nói ở trên, tôi luôn gặp họ ở nơi công cộng, lúc chờ xe hoặc lúc đi xe nên gần như tôi thường nghe trọn ‘bài giảng’ của họ.
Có lẽ tôi từng gặp người truyền giáo của ‘Hội thánh Đức Chúa Trời’, tôi vẫn nhớ những bức ảnh mà họ đã cho xem về một phụ nữ mặc trang phục truyền thống của Hàn Quốc cùng nhiều tín đồ khác.
Lần đó tôi đang đợi xe buýt trước Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, một bạn nữ trạc tuổi tôi đến ngồi cạnh và vài phút sau bắt chuyện.
Cũng với những câu hỏi mào đầu như các bài viết gần đây đã nêu về ‘Hội thánh Đức Chúa Trời’, bạn thuyết giảng say sưa và khuyên tôi nên đến điểm sinh hoạt của hội để được ‘khai sáng’ và chạm đến hạnh phúc sớm hơn.
Tôi một dạ hai vâng, giọng nhỏ nhẹ ra chiều ‘thấm’ rồi nhưng vẫn bày tỏ quan ngại: ‘Nghe bạn nói hay quá, mình cũng muốn tham gia nhưng gia đình mình không theo đạo, ba của mình khó lắm nên sợ không đi được. Hay bạn thuyết phục ba mình giùm nha?’.
Không biết có phải vì nghĩ sắp tóm được một ‘con mồi’ một cách dễ dàng hay không mà bạn nữ kia sốt sắng hỏi ngay: ‘Nhiều tín đồ trong hội ban đầu cũng gặp khó khăn do gia đình ngăn cản. Nhưng nếu bạn thành tâm thì mình sẽ thuyết phục ba của bạn cho. Ba bạn đang làm gì?’.
Đến đây thì tôi lấy ‘bài’ hay dùng khi gặp bất cứ ai mà tôi ‘đánh hơi’ thấy ‘mùi lừa gạt’: ‘Ba mình làm công an, mẹ mình làm thẩm phán nên ai cũng khó tính hết. Nhà mình ở gần đây nè, hổng ấy bạn về chung với mình rồi gặp ba mình luôn!’
Không rõ mặt bạn nữ kia biến sắc hay do tôi tưởng tượng nhưng rõ ràng bạn ấy không mạnh dạn như lúc nãy nữa. Bạn giả lả nói thêm vài câu rồi bảo có việc bận phải đi trước.
Tôi còn ‘nhiệt tình’ xin số điện thoại của bạn để lúc nào đó nói chuyện thêm về hội nhưng bạn bỏ đi một nước, dù trước đó đã chủ động xin số điện thoại của tôi.
Một lần khác trên xe buýt hướng ra Bến Thành, tôi mới bước lên, vừa ngồi xuống ghế được một chút thì người phụ nữ bên cạnh bắt chuyện. Ban đầu hỏi thăm tôi nhiêu tuổi, làm gì, sau đó hỏi ‘Con có biết cuốn sách nào bán chạy nhất trên thế giới không?’ (có lẽ do thấy tôi đang ôm một bao sách)
Tôi nhớ câu hỏi này trong một chương trình thi đố kiến thức nên trả lời ngay: ‘Dạ, Kinh Thánh’. Rồi, đúng đài! Cô ấy nói quá trời quá đất về giáo lý này nọ, khuyên tôi từ bỏ những đức tin hiện có để theo hội thánh vì giáo lý của hội mới là ưu việt nhất, cứu rỗi con người nhiều nhất.
Tôi cũng dạ vâng như trên và được hỏi địa chỉ, số điện thoại. Tôi ‘hồn nhiên’ đáp ngay: ‘Dạ, con ở số 3 Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Số điện thoại 0693 187...’
Nếu ai từng đi qua địa chỉ này sẽ biết đó là trụ sở của trung đoàn Cảnh sát cơ động TP.HCM và số điện thoại này là đường dây nóng của Công an thành phố!
Không rõ sau đó cô ấy có gọi cho ‘tôi’ hay không nhưng tôi vẫn tò mò muốn biết cảm giác của cô ấy khi các chú công an lên tiếng ở đường dây bên kia.
Qua những bài viết về ‘Hội thánh Đức Chúa Trời’ gần đây, tôi thấy một số bạn đọc bày tỏ sự lo lắng và sợ hãi khi / nếu bị các đối tượng truyền giáo của hội tiếp cận. Dù rất nhát gan nhưng tôi nghĩ chúng ta không có gì phải lo sợ trước sự việc này.
Vì tôi quan niệm, người làm sai mới lo sợ, các đối tượng ấy tiếp cận chúng ta vì mục đích không hay mới là những người phải lo sợ chứ không phải chúng ta.
Cho nên, tốt hơn là cứ từ chối hoặc phớt lờ nếu gặp những người này, còn nếu muốn ‘dọa’ họ một phen thì có thể áp dụng theo cách của tôi.
Hi vọng không có thêm nhiều người bị những kẻ lợi dụng vỏ bọc tôn giáo lôi kéo để làm điều xằng bậy nữa."
Bạn có gặp những trường hợp bị nhóm người này lôi kéo? Làm gì để không bị những lời rao giảng kia chi phối đánh gục? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận