03/10/2011 07:23 GMT+7

Khi chúng ta không biết về nhau

CÁT KHUÊ
CÁT KHUÊ

TT - Diễn đàn văn hóa điện ảnh châu Á (ngày 29-9 đến 1-10) được Singapore tổ chức trong diện hẹp, nhưng những gì thu được cho "chủ nhà" lẫn các khách mời thì không hẹp chút nào.

lctNuuZq.jpgPhóng to

Các đạo diễn tham gia Diễn đàn văn hóa điện ảnh châu Á tại Singapore - Ảnh: C.Khuê

Ban tổ chức là những người rất trẻ làm việc trong Trường Nghệ thuật Singapore, nhưng họ đã mời được hầu hết đạo diễn đương đại đại diện cho 13 nước ở châu Á đến. Một bảng thông báo lịch trình, các phim chiếu liên tục, hai hội thảo chuyên đề vào cuối ngày, lịch phỏng vấn cho tất cả các đạo diễn và tất cả sinh viên nghệ thuật đều có thể tham dự.

13 đạo diễn có 13 tình nguyện viên (các sinh viên Trường Nghệ thuật Singapore) hướng dẫn, đưa đón. Các đạo diễn châu Á đã có dịp ngồi lại với nhau, cùng nhìn nhận về điện ảnh vùng, chia sẻ với nhau về các dự án hiện tại và tương lai. Họ đã cho thấy một hình ảnh đẹp đẽ về một cộng đồng làm phim trẻ có thể khác màu da, khác ngôn ngữ nhưng chung một đam mê.

"Điện ảnh châu Á chỉ có vậy"?

Nhiều ý kiến trong hội thảo rất đáng chú ý như đạo diễn Ato Bautista đến từ Philippines thẳng thắn nói: "Xu hướng xem phim quá nhiều, quá dễ dàng không chỉ với phim thương mại mà ngay cả những phim độc lập, phim tác giả cũng không khó để kiếm được một DVD ở các tiệm đĩa. Ðiều này không hẳn đã tốt bởi nếu cá tính sáng tạo của nghệ sĩ không mạnh mẽ bằng sự tiếp nhận thì chính sự giao lưu (mà có thể gọi là bắt chước đó) lại không hay. Trong khoảng vài năm gần đây, các phim độc lập ở châu Á đã có nhiều điểm giống nhau và giống thế hệ trước với những cái tên Hầu Hiếu Hiền, Vương Gia Vệ... Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ điện ảnh vùng châu Á của chúng ta chỉ có vậy".

Hầu hết đạo diễn có mặt trong hội thảo như Panu Aree đến từ Thái Lan, Bounchao Phichit đến từ Lào, Phan Ðăng Di đến từ Việt Nam, hay các đạo diễn Singapore đều thể hiện thái độ giật mình cũng như đồng tình với nhận định xác đáng trên của Ato Bautista.

Tuy nhiên, bà Aruna (chủ tịch NETPAC - Mạng lưới quảng bá phim châu Á) cho rằng: Trong diện rộng, không thể phủ nhận điện ảnh Ðông Nam Á thời gian gần đây được biết đến khá nhiều trên thế giới. Nhưng ở diện hẹp, bản thân các nước Ðông Nam Á lại không biết về nhau, cũng như không biết điều phương Tây biết về chúng ta, biết về những sáng tạo độc đáo, riêng biệt, cá tính dân tộc lạ lẫm không chỉ với phương Tây mà ngay cả với châu Á. Bởi thế rất cần những diễn đàn hẹp theo cách này để sự hiểu biết nhau được tăng lên và nhờ thế điện ảnh châu Á sẽ mạnh hơn.

Tìm hiểu từ "hàng xóm"

Ở sảnh của Trường Nghệ thuật Singapore có treo các poster phim của các đạo diễn nước sở tại, trong đó chiếm vị trí trang trọng là phim Sandcastle (Lâu đài cát - đạo diễn Boo Junfeng - Singapore). Trên poster này ghi các giải thưởng phim đã có mà một trong số đó là giải phim hay nhất từ Liên hoan phim quốc tế VN.

Nhà sản xuất phim này là Fran Borgia nói với PV Tuổi Trẻ: "Liên hoan phim là cách duy nhất để các nhà làm phim gặp nhau, và việc gặp nhau đó sẽ mở ra cơ hội lớn cho họ - như được làm việc cùng nhau, có thể tìm được nhà đầu tư hoặc gặp được những cộng sự như nhà sản xuất hay quay phim ưng ý".

Tại VN, tổ chức một liên hoan phim quốc tế dường như nằm ở tầm vĩ mô mà Nhà nước không thể đứng ngoài cuộc. Nhưng để tổ chức các diễn đàn trong diện hẹp thì không khó đối với các trường nghệ thuật cũng như các hiệp hội ở VN. Lasalle College of the Arts (Trường Nghệ thuật Singapore) có các sinh viên đến từ khắp nơi theo học.

Trong khi sinh viên Singapore chỉ mất 2.000 đôla Singapore học phí thì sinh viên nước ngoài phải trả 10.000-15.000 đôla Singapore cho mỗi năm học. Vậy mà trường đầy ắp sinh viên nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là tại sao một nước điện ảnh chưa được biết đến nhiều như Singapore lại có sức hút mạnh đến vậy?

Sau mấy ngày tham gia diễn đàn, PV Tuổi Trẻ đã tìm được câu trả lời trong chính thái độ cầu thị, tôn trọng đối thoại và mong muốn thực tâm hiểu biết của họ - không phải đối với những gì quá xa xôi mà ngay với những "hàng xóm" của mình.

Giải thưởng của Liên hoan phim quốc tế Việt Nam được đặt trang trọng trên poster phim Lâu đài cát một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những cơ hội không nên bỏ lỡ để giới thiệu về mình, về đất nước mình bằng chính những hoạt động giao lưu thực chất, bắt đầu từ diện hẹp như những diễn đàn, hội thảo mang tầm khu vực, vùng, quốc tế cho đến việc lớn hơn như một liên hoan phim quốc tế.

CÁT KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên