16/08/2023 09:53 GMT+7

Khi bác sĩ 'lên sàn' việc làm

Lần đầu tiên cả nước, một "sàn việc làm" được Sở Y tế TP.HCM tổ chức. Đặc biệt nơi đây tề tựu các bác sĩ trẻ vừa lấy chứng chỉ hành nghề trong chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế.

Rất đông các bác sĩ trẻ có mặt tại ngày hội việc làm được Sở Y tế TP.HCM tổ chức ở khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Rất đông các bác sĩ trẻ có mặt tại ngày hội việc làm được Sở Y tế TP.HCM tổ chức ở khuôn viên Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

8h sáng, trong khi nhiều bệnh viện đang mỏi mắt tìm kiếm người ứng tuyển, bất ngờ các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương giương cao tấm biển đỏ "đã tuyển đủ". Vậy là chỉ tiêu hai bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức của bệnh viện vốn khó kiếm lâu nay đã "có chủ" chỉ trong chớp mắt…

"Em về đội chị nhé"

Khuôn viên của Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (quận 8, TP.HCM) sáng 15-8 khác biệt so với thường ngày.

Từ cổng cho đến dọc các lối vào có 64 "sàn giao dịch" việc làm được kê, trên đó liệt kê nhiều thông tin về số lượng và chuyên khoa có nhu cầu tuyển dụng. Người ứng tuyển là các bác sĩ trẻ và nhà tuyển dụng chính là các giám đốc của các bệnh viện, trung tâm y tế.

Các bác sĩ tham gia ngày hội này có tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 26-28 tuổi. Họ có hai lần được lựa chọn "ghi nhớ" và cuối cùng "chốt" nơi mình muốn gắn bó.

"Tôi hết sức ngỡ ngàng trước các gian hàng xúc tiến, mời gọi các bác sĩ trẻ đăng ký việc làm từ các cơ sở y tế. Đây là sự kiện chưa từng gặp của ngành y tế" - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói khi đến tham dự chương trình.

"Nếu bạn nào muốn về đội của tụi chị, hãy mạnh dạn đăng ký nhé. Bệnh viện hân hoan chào đón các em" - bà Phan Thị Thu Thảo, phụ trách phòng tổ chức nhân sự Bệnh viện Lê Văn Việt, gọi mời.

Nhanh chóng có ngay hai bác sĩ "mở hàng", đó là bác sĩ Đặng Xuân Nghiêm và Mai Thị Thủy. Nghiêm đặt bút ký vào "bản ghi nhớ" và vui vẻ nói tuy nhà ở quận 8 nhưng quyết định chọn Bệnh viện Lê Văn Việt là "ưu tiên số 1" để được chọn làm nơi gắn bó lâu dài. "Ở đó có chuyên khoa em muốn làm việc, khoa tai mũi họng" - Nghiêm quả quyết.

Đến với "sàn" việc làm lần này, bà Thảo cho biết bệnh viện mong muốn tuyển năm bác sĩ đào tạo năm chuyên ngành khác nhau. Bà cam kết: "Các bác sĩ này sẽ được hỗ trợ học phí học lên chuyên khoa 1, cùng với các chế độ lương thưởng đầy đủ".

Từng thực hành tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định nhưng bác sĩ Phạm Văn Phúc lại chọn Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức làm nơi gắn bó lâu dài.

Mong muốn của Phúc ngay lập tức được ban giám đốc bệnh viện "chốt đơn", bởi đang cần tuyển bác sĩ nội tim mạch. "Bệnh viện gần nhà em nhất, điều kiện em đi cũng dễ dàng. Đặc biệt tương lai bệnh viện có cơ ngơi hiện đại - đó sẽ là cơ hội lớn cho bác sĩ trẻ như em học hỏi" - bác sĩ Phúc nói.

Nhiều nơi vắng bóng

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ từ các bệnh viện, trung tâm y tế vượt xa so với số lượng 270 bác sĩ vừa hoàn thành chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế.

Cụ thể có 64 đơn vị đăng ký, trong đó có 29 bệnh viện tuyến TP, 13 bệnh viện tuyến huyện và 22 trung tâm y tế với tổng cộng 484 chỉ tiêu. Nhiều bệnh viện có chỉ tiêu cao từ 20 - 30 nhân sự.

Trái ngược chuyện nhanh chóng đạt chỉ tiêu tuyển dụng của một số đơn vị, một số chuyên khoa như tâm thần hiếm bác sĩ đến ứng tuyển.

Năm nay, theo bác sĩ Vũ Trí Thanh - phó giám đốc điều hành Bệnh viện TP Thủ Đức, chỉ tiêu của đơn vị cần tuyển hai bác sĩ chuyên về tâm thần.

Mặc dù đây là vấn đề đang nảy sinh và rất được quan tâm trong xã hội nhưng việc tuyển chọn bác sĩ theo chuyên ngành này không hề dễ dàng.

Ví dụ điển hình là cán bộ tuyển dụng của bệnh viện phải chờ đợi cả buổi sáng và gần trưa mới thở phào khi có bác sĩ trẻ Trương Ngọc Như Anh đến ứng tuyển.

Như Anh từng thực hành 18 tháng ở Bệnh viện TP Thủ Đức. "Quá trình thực hành, em thấy bệnh lý này ngoài việc điều trị lâm sàng vẫn chưa đủ và người bệnh cần phải được chú ý về tâm lý, tâm thần nhiều hơn.

Có thể hiện tại chưa phải là ngành nhiều người lựa chọn, nhưng đó là ngành chắc chắn có nhu cầu lớn trong tương lai" - Như Anh chia sẻ.

Ngoài các chuyên khoa, ghi nhận còn có một số đơn vị vắng bóng bác sĩ đến ứng tuyển. Như Bệnh viện huyện Cần Giờ, mục tiêu tuyển 18 bác sĩ cho 8 chuyên khoa (chỉ tiêu thực tế còn cao hơn), nhưng "sàn" việc làm vắng bóng, chỉ có một số bác sĩ lại hỏi thăm rồi rời đi.

Tương tự "sàn" của Trung tâm cấp cứu 115 dù trưng dụng cả xe cấp cứu chuyên dụng và 8 nhân sự tư vấn nhưng vẫn… "ế". "Cấp cứu ngoại viện rất đặc thù, chưa kể khá vất vả, có thể vì vậy mà kén bác sĩ đăng ký" - một bác sĩ nói.

Không quá bất ngờ thực tế này, bác sĩ Trần Ninh Bảo Thy - phó giám đốc Bệnh viện huyện Cần Giờ - nói rằng hiện nay cơ sở vật chất của bệnh viện cơ bản đáp ứng đầy đủ nhu cầu, chỉ còn thiếu người về.

Thiếu người cũng là nguyên nhân khó đầu tư trang thiết bị cũng như phát triển các kỹ thuật chuyên sâu.

"Lương, các chế độ chính sách và thậm chí cơ chế hỗ trợ tăng thêm… chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đón các bác sĩ. Tôi hy vọng Cần Giờ sẽ được chào đón các bác sĩ về cùng chung tay nâng cao năng lực y tế, giúp bà con đảo xa bớt khó khăn cực khổ hơn khi khám bệnh" - bác sĩ Thy gửi gắm.

Bác sĩ trẻ Trương Ngọc Như Anh là một trong số ít những bác sĩ lựa chọn chuyên khoa tâm thần để gắn bó - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ trẻ Trương Ngọc Như Anh là một trong số ít những bác sĩ lựa chọn chuyên khoa tâm thần để gắn bó - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng kiến rất giá trị

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đánh giá sáng kiến của ngành y tế TP.HCM rất có giá trị và độc đáo, đi cùng đó là sự quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra. Bởi, ngay thời điểm triển khai có rất nhiều ý kiến phản biện không nên, không thể.

Tuy nhiên, bối cảnh dịch COVID-19 lúc bấy giờ đòi hỏi phải lựa chọn một giải pháp tốt nhất, khi mà các lực lượng không thể chi viện mãi thì đây là giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả rất tích cực.

Từ thực tế trải nghiệm, ông mong các bác sĩ trẻ có thêm hành trang, nền tảng vững chắc trên hành trình chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuyển về là có thể làm việc ngay

Cách đây 18 tháng, ngày 27-2-2022, hơn 290 bác sĩ trẻ của Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xuất quân về y tế cơ sở thông qua chương trình thí điểm thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế. Đây là một trong các chính sách đặc thù chưa từng có, được HĐND TP.HCM thông qua.

Chương trình kết thúc bằng một ngày hội việc làm quy mô.

Theo ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM ý nghĩa của thực hành 18 tháng, có chứng chỉ hành nghề hoàn toàn khác xa với việc bác sĩ chọn nơi công tác sau khi vừa tốt nghiệp.

"Đây là căn cứ thực chất để các cơ sở chọn lựa, không căn cứ đơn thuần vào điểm tốt nghiệp. Việc này cũng đảm bảo sự công bằng, minh bạch cho các bác sĩ và khi tuyển về có thể làm việc ngay" - ông Thượng nhấn mạnh.

Theo ông Thượng, cuối tuần này, Sở Y tế sẽ có một hội nghị tổng kết và định hướng duy trì ngày hội hàng năm, tạo sân chơi công bằng cho các bác sĩ trẻ.

Đại diện cho 270 bác sĩ trẻ, BS Phạm Hồng Thành - thực hành tại Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ, 18 tháng tuy không dài nhưng điều đặc biệt là tất cả các bác sĩ trẻ bước vào nhiệm vụ khi dịch bênh đang hoành hành.

"Biết rằng đây là cơ hội để chung tay cho TP chống dịch nhưng chúng em không tránh khỏi nỗi lo vì kinh nghiệm còn non trẻ. Nhưng nỗi lo ấy đã nhanh chóng tan biến khi được hỗ trợ rất nhiều và rất vui khi biết rằng tất cả sẽ có cơ hội lựa chọn việc làm ổn định, đúng sở trường và năng lực khi hoàn thành chương trình" - bác sĩ Thành nói.

Cần Giờ ‘trắng tay’ tại ngày hội việc làm, tha thiết mời gọi bác sĩ trẻCần Giờ ‘trắng tay’ tại ngày hội việc làm, tha thiết mời gọi bác sĩ trẻ

Cần Giờ và nhiều quận huyện vùng ven TP.HCM ra về 'trắng tay' tại ngày hội việc làm lần đầu tiên tổ chức khi không có bác sĩ đăng ký ứng tuyển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên