26/06/2014 11:39 GMT+7

Khi Bắc Kinh ve vãn...

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Manila đang đốc thúc tòa trọng tài sớm phân xử vụ tranh chấp. Đây là phản ứng tất yếu khi đàm phán trong hòa bình và cân bằng chỉ tốt đẹp trong mơ! Khủng hoảng dẫn đến việc Philippines phải kiện tụng để tự vệ, là hậu quả của giai đoạn “giao thiệp hữu hảo” với Bắc Kinh trước đây.

Philippines kiện Trung Quốc như thế nào?Nộp đơn kiện Trung QuốcTại sao Bắc Kinh “đánh bài chuồn”?Ai cãi cho Philippines?

1S1qhx80.jpgPhóng to
Bãi cạn Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines Ảnh: Phils Star
Hữu hảo, hữu hảo hơn

Nếu biết rằng “khu phố Tàu” cổ nhất thế giới chính là khu Binondo ở thủ đô Manila, thành lập từ năm 1594, thì sẽ thấy những quan hệ với Bắc Kinh dưới trào tổng thống Ferdinand Marcos có ý nghĩa như thế nào. Sau khi tổng thống Mỹ Richard Nixon “mở cửa” Liên Hiệp Quốc cho Trung Quốc vào tháng 10-1971, đến lượt Marcos “buông” Đài Loan vào năm 1975 để công nhận Bắc Kinh. Carl Baker, trong “Quan hệ song phương Trung Hoa - Philippines: đánh giá đặc biệt”, giải thích quyết định thiết lập quan hệ với CHND Trung Hoa trong chính sách “một Trung Quốc” được cho là để giảm hậu thuẫn của Bắc Kinh cho các phần tử nổi dậy. Để đổi lại tấm thịnh tình của Marcos, Bắc Kinh cũng đã hứa sẽ không can dự vào chuyện Hoa kiều tại nước này.

Những tưởng ông Marcos là thân Bắc Kinh đệ nhất hạng, nào ngờ sang đến trào nữ tổng thống Gloria Arroyo từ năm 2001, hai nước hợp tác nồng nàn chưa từng thấy, xếp lại bất đồng từ vụ Trung Quốc chiếm mỏm đá Mischief năm 1995 để tăng tình hữu nghị. Thậm chí hợp tác quốc phòng đến mức Philippines mua vũ khí của Trung Quốc để tránh lệ thuộc vào Mỹ. Noel M. Moradan, nguyên giáo sư Viện Đại học Philippines Diliman, hiện là giám đốc khảo cứu của Viện Đại học Queensland (Úc), cho biết như vậy trong biên khảo “Sự trỗi dậy của Trung Quốc cùng các phản ứng của khu vực: từ nhãn quan của người Philippines”.

Để giúp Manila “thoát Mỹ”, Bắc Kinh bán đại hạ giá tám chiếc trực thăng chuyên dụng Harbin Z-9, một bản “sao y” của trực thăng AS365N Dauphin của Hãng Eurocopter. Dưới trào bà Arroyo, Philippines và Trung Quốc hợp tác đủ thứ, kể cả hợp tác khảo sát năng lượng và đại dương. Các hợp tác này thật ra có thể là bình thường, song hậu quả sau đó lại cho thấy là bất thường, khi mà ba năm khảo sát năng lượng và đại dương đó cho kết quả là có vô số dầu khí trong vùng biển của Philippines.

Lòng tham sau “thăm dò địa chấn”

Bất ổn nảy sinh từ đó, bắt đầu là vụ lấn chiếm bãi cạn Scarborough. Tháng 3 năm nay, nguy cơ “mất biển Tây Philippines” càng đe dọa hơn khi Trung Quốc vây hãm một tiền đồn dã chiến của thủy quân lục chiến Philippines đóng trên xác một tàu quân vận ủi bãi trên dải Ayungin, là chiếc BRP Sierra Madre.

Dân chúng Philippines điên tiết lên khi hay tin tham tán Trung Quốc, khi bị triệu vào Bộ Ngoại giao nước này để nghe phản đối, đã thản nhiên trả lời rằng: “Đó là một phần thuộc chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh”. Đến hôm 17-3, người phát ngôn Hồng Lỗi từ Bắc Kinh giải thích là do hai cựu tổng thống Joseph Estrada và Arroyo đã lần lượt hứa chắc sẽ rút chiếc BRP Sierra Madre đó đi: ông Estrada hứa lần đầu vào năm 1999, còn bà Arroyo lặp lại cam kết vào năm 2003, thế cho nên nay Trung Quốc yêu cầu Tổng thống Aquino thực hiện cam kết của hai người tiền nhiệm.

Tờ Inquirer 21-3-2014 thuật lại vụ việc trên và nêu câu hỏi: “Estrada và Arroyo đã hứa gì với Trung Quốc?”. Báo này yêu cầu hai cựu tổng thống trả lời rằng họ đã có hứa hẹn gì hay không, và nếu có là để nhằm đổi lấy gì. Cũng theo báo này, thật ra những cáo giác của Hồng Lỗi rất đáng ngờ do lẽ vào thời điểm đó Bắc Kinh chưa ngó ngàng đến dải Ayungin mà tàu bè của họ đang vây hãm tiền đồn của Philippines. Việc trên chỉ đến sau khi Bắc Kinh “thăm dò địa chấn” với Philippines từ năm 2005-2008 trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và đã phát hiện một trữ lượng lớn dầu và khí tự nhiên ở khu vực xung quanh dải Recto, chỉ cách đảo lớn Palawan có 85 hải lý.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng của Mỹ (EIA), ước lượng dầu ở đây khoảng 126 tỉ thùng và khoảng 25,5 ngàn tỉ ft3 khí tự nhiên. Thắc mắc hiện nay là dải Ayungin mà Trung Quốc đang vây hãm chính là “cửa ngõ” dẫn đến dải Recto đầy dầu khí này mà trước kia Trung Quốc đã không thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào.

Theo một báo cáo của Newsbreak năm 2008, bà Arroyo đã ký đến 65 hiệp định song phương với Trung Quốc, vượt xa tám thỏa thuận có chữ ký của suốt trào cựu tổng thống Marcos, chiếm gần hết tổng số hiệp định song phương ký với Trung Quốc trong suốt 30 năm quan hệ giữa hai nước! Tất nhiên, trong chính trường Philippines cũng có luồng dư luận cho rằng các hiệp định đó của bà Arroyo là để “bảo vệ hòa bình”. Đáng lưu ý là trong số ý kiến phản pháo, có tuyên cáo của Tổ chức “Thẩm quyền trị nước của nhân dân” (CenPeg). Theo đó, “việc Trung Quốc khăng khăng khẳng định yêu sách trên các hòn đảo tranh chấp đó là do Trung Quốc bức xúc trước chính sách ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ”.

Lại ve vãn!

Nay là lúc Tổng thống Aquino phải giải quyết những hậu quả, mà trước mắt là dải Scarborough đã bị chiếm và dải Ayungin đang bị vây hãm, bằng cách nhờ đến tòa trọng tài thường trực phân giải.

Báo Rappler của Philipines 26-2-2014 cho biết cựu cố vấn an ninh quốc gia nước này, Roilo Golez, đã tiết lộ rằng trong tháng 1 trước đó, phủ tổng thống Philippines đã họp thảo luận một đề nghị của phía Trung Quốc. Theo đó, hai bên sẽ cùng rút ra khỏi dải Scarborough (mà Trung Quốc đang lấn chiếm từ năm 2012), tức Trung Quốc sẽ rút đi, nếu Philippines thôi không nộp bị vong lục đúng hạn vào ngày 30-3. Ngoài ra, Trung Quốc hứa hẹn sẽ tăng đầu tư trở lại vào Philippines.

Việc Trung Quốc ve vãn Philippines đừng đưa nội vụ ra trước tòa trọng tài có thể lý giải bằng lý thuyết giải quyết xung đột (TKI) của Ralph H. Thomas và Kenneth W. Kilmann. Theo đó, phương cách thứ năm là tìm cách thỏa hiệp, dàn xếp, bớt áp đặt, tăng hợp tác, cùng nhượng bộ. Thế nhưng cũng theo Thomas và Kilmann, chọn lựa này chỉ là một lối thoát dễ dàng, nhanh chóng và thường chỉ là một giải pháp tạm thời.

Phủ tổng thống Philippines hiểu rõ lý thuyết này, đã chỉ ra ngay rằng nếu nay họ rút đi thì đó chỉ là tạm thời, chừng mai mốt họ trở lại tái lấn chiếm, đâu cũng vào đó, vừa mất đất vừa mất cơ hội tự vệ bằng biện pháp hòa bình!

Thế là Philippines dứt khoát “tới luôn bác tài”.

zFc9PInT.jpgPhóng to
Tổng thống B. S. Aquino - Ảnh: deviantart

Chúng ta đã thể hiện sự kiên nhẫn cao nhất khi giải quyết vấn đề này. Chúng ta đã bày tỏ thiện chí bằng cách thay tàu tuần dương của hải quân chúng ta bằng một tàu dân sự trong thời gian nhanh nhất. Chúng ta đã chọn con đường không lời qua tiếng lại với những tuyên truyền khiêu khích của báo chí Trung Quốc. Tôi không cho là một điều quá đáng khi chúng ta yêu cầu nước khác tôn trọng chủ quyền của chúng ta, như chúng ta tôn trọng chủ quyền của một nước khác trong một thế giới mà chúng ta cần phải sống chung.

Có vài người cho rằng chúng ta nên bỏ qua vụ việc Bajo de Masinloc (tức bãi cạn Scarborough) để tránh rắc rối. Nhưng nếu có một người nào đó vào khu vườn của bạn và nói với bạn rằng hắn làm chủ khu vườn ấy, bạn có chịu không? Liệu có đúng không khi chúng ta giao cho kẻ khác những gì thuộc về chúng ta?

Và vì thế tôi kêu gọi đồng bào phải đoàn kết về vấn đề này. Chúng ta hãy cùng cất lên tiếng nói chung.

Tổng thống Philippines Benigno S. Aquino

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên