01/07/2013 12:26 GMT+7

Khi anh Mười Cúc làm báo cáo tổng kết

NGUYỄN TRỌNG XUẤT
NGUYỄN TRỌNG XUẤT

TT - Bài học lớn nhất mà cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã rút ra sau mười năm thống nhất là bài học về “Đổi mới tư duy”, bài học khởi đầu của các bài học.

zDnggQiZ.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh nói chuyện thân mật với thanh niên TP - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

...Đầu năm 1985, anh Nguyễn Văn Linh, khi ấy là bí thư Thành ủy TP.HCM, cho mời anh Trần Bạch Đằng và một số cán bộ chúng tôi đến họp bàn việc kỷ niệm 10 năm giải phóng thành phố, thống nhất đất nước. Nghe đến tổng kết kỷ niệm, hẳn ai trong chúng ta cũng đều nghĩ đến những bản báo cáo thành tích lê thê, nhưng hôm ấy anh Mười Cúc (tên thường dùng của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh - NV) đã khẳng định: “Chúng ta cần có một bản tổng kết sâu sắc những việc làm được và không làm được để rút bài học cho ngày sau, không kể lể thành tích. Chẳng có gì gọi là thành tích khi mà người dân thành phố phải chạy từng bữa ăn độn bo bo, kinh tế khủng hoảng. Cái đáng nói là chúng ta đã vượt qua tình trạng ấy như thế nào”.

Tổng kết là tự phê

“Có công, không tội”

Ông Lâm Tư Quang (Ba Toàn), nguyên giám đốc Công ty xuất nhập khẩu trực dụng Direximco, kể lại chuyện thành lập công ty năm 1981, mở đầu cách làm ăn mới để thành phố có nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là ngành dệt, giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, ngoại tệ mạnh cho thành phố:

Lúc có đoàn thanh tra trung ương đến công ty, anh Linh hỏi thẳng chúng tôi: “Này anh Toàn (bí danh ông Lâm Tư Quang trong kháng chiến - NV), tôi hỏi thật trong ban giám đốc và số cán bộ chủ chốt của công ty có ai tư túi tiền bạc gì không?”. Tôi nghiêm túc trả lời: “Thưa anh! Tôi xin cam đoan trong công ty, từ lãnh đạo đến các trưởng phó phòng ban, không ai dám lợi dụng chức quyền bỏ tiền vào túi riêng cả”. Anh Linh rất vui, hết lòng ủng hộ hoạt động xuất nhập khẩu trực dụng do thành phố chủ trương, cho nên khi đoàn thanh tra kết luận: “Một công, bảy tội” của Direximco thì các anh đấu tranh, chuyển thành “Có công, không tội” đối với sáng kiến đột phá khẩu này. Sự trong sáng và quyết đoán dũng cảm của lãnh đạo thành phố đã làm ánh sáng soi đường cho anh em làm kinh tế vào những năm khó khăn đó. Và chính sự trong sáng và tính hiệu quả của cách làm mới đã thuyết phục được trung ương về phương hướng “Đổi mới” mà thành phố là một trong số ít địa phương dám mạnh dạn đi đầu dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Quả là nhìn sâu vào mười năm sau khi đất nước thống nhất ở TP.HCM không phải việc đơn giản. Trong ba năm 1975-1978, thành phố phải trải qua hai đợt cải tạo công thương nghiệp. Từ năm 1979 trở đi, những mặt không lành mạnh trong sản xuất bộc lộ: giá trị sản xuất công nghiệp liên tục giảm, các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh bị cơ chế trói buộc không phát triển được... Bệnh quan liêu, hành chính bao cấp phổ biến trong phân phối lưu thông khiến Nhà nước không nắm và không làm chủ được nguồn hàng, không quản lý được thị trường xã hội, đời sống nhân dân sa sút... TP.HCM chỉ có may mắn luôn là người đi đầu, từ năm 1981 đã có những nỗ lực đột phá để thoát ra khỏi tình thế khủng hoảng và đã đạt một số kết quả tích cực.

Anh Trần Bạch Đằng, người được giao chủ biên bản tổng kết, băn khoăn: “Thực tế đã chỉ rõ những khuyết - nhược điểm, nhưng chúng ta phải nói thế nào cho trung ương chấp nhận được?”. Anh Linh chẳng hề nao núng: “Chúng ta phải thừa nhận rằng công cuộc cải tạo công thương nghiệp có thu được một số kết quả nhất định, giúp giữ được ổn định tình hình, nhưng mặt trái thì khôn lường. Còn yếu tố quyết định cho việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tức mối quan hệ quản lý, thì chúng ta chưa làm được, thậm chí đã phá vỡ tính cách hợp lý của quy trình sản xuất, xé lẻ các xí nghiệp vốn được xây dựng một cách đồng bộ ở nhiều khâu, theo quy trình công nghiệp sản xuất lớn... dẫn đến sản xuất ngưng trệ. Không sản xuất được hàng hóa dồi dào cho đời sống thì làm sao có được chủ nghĩa xã hội?... Phải thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, không né tránh, xem đó là bản tự phê bình của Thành ủy, vì chúng ta cũng có phần trách nhiệm”.

Để “lên dây cót” tinh thần hơn nữa, anh Nguyễn Văn Linh nhắc chúng tôi nhớ về kết quả của cuộc “hội nghị Đà Lạt” năm 1983, về kinh nghiệm làm kế hoạch ba phần bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của tập thể và của người lao động mà TP.HCM đi tiên phong đã bước đầu thuyết phục được nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Khởi đầu của các bài học

Thế là hết những băn khoăn, e ngại, chúng tôi hăm hở chia nhau biên soạn từng phần. Với vai trò là thư ký của ban biên tập, mỗi sáng tôi đều đến báo cáo với anh Linh tiến độ công việc. Lúc nào anh cũng chăm chú lắng nghe, chỉ dẫn bổ sung những điểm còn chưa rõ. Sau bốn tháng, bộ sách Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm hoàn thành và được xuất bản đúng dịp tháng 4-1985, do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đứng tên chủ biên, thật sự đã là một bản tự phê bình sâu sắc của tập thể Thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ. 28 năm đọc lại, tôi vẫn không khỏi bùi ngùi xúc động nghĩ đến công lao của đồng chí Nguyễn Văn Linh, anh Mười Cúc thân yêu, đối với sự nghiệp “Đổi mới”, càng kinh ngạc hơn khi nhận ra chất lượng tư tưởng hàm chứa trong đó đến nay vẫn rất “thời sự”.

Bài học lớn nhất mà Bí thư Nguyễn Văn Linh đã rút ra sau 10 năm thống nhất là bài học về “Đổi mới tư duy”, bài học khởi đầu của các bài học. Sau này đã có rất nhiều người nói về vấn đề này, nhưng tổng kết ngay từ thời điểm đó, khi “đổi mới” vẫn còn trong trứng nước thì chỉ có Nguyễn Văn Linh. Ông đã đặt tên giai đoạn 1976-1979 là “Thời gian khủng hoảng trưởng thành”, khi cả TP.HCM và cả nước phải đối mặt với những thách thức lớn, loay hoay tìm kiếm quy luật và mô hình quản lý thích hợp. Giai đoạn 1980-1985 ông gọi là “Tự tháo gỡ”, trong đó việc tháo gỡ tư duy, tức cách nhìn nhận con người và sử dụng cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật để làm nên sức mạnh của thành phố, là yếu tố quyết định nhất. Ông khẳng định: “Chúng ta có những ưu điểm, đồng thời có nhiều sai sót, nhưng điều quan trọng là chúng ta đã biết bắt chính cái sai sót đó cung cấp cho chúng ta thêm tri thức quản lý”.

Cách tự phê bình một cách nghiêm túc của Thành ủy TP.HCM đã chỉ ra những điểm lỗi thời của cơ chế quản lý cũ, đề nghị lên trung ương những sửa đổi căn bản làm cơ sở cho sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược về quản lý kinh tế - xã hội, mà sau đó Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã đúc kết và nâng cao thành chủ trương “Đổi mới”.

__________________________

5 điều vi phạm (*)

* Cái vi phạm đầu tiên của chúng ta là đã không đủ bình tĩnh để nhìn thành phố một khi được giải phóng hiển nhiên trở thành tài sản của chính chế độ ta, dù cho các loại kẻ thù xây dựng thành phố nhằm mục đích gì và đã làm gì ở đây.

* Cái vi phạm thứ hai là chúng ta chưa nhận thức được thực trạng kinh tế - xã hội của thành phố, qua 21 năm sống dưới chế độ thực dân mới, đã là một khu vực có trình độ phát triển tư bản chủ nghĩa nhất định.

* Cái vi phạm thứ ba là chúng ta không đủ hiểu biết về lịch sử của quá trình hình thành và vai trò của nền công nghiệp thành phố trong cơ cấu công - nông nghiệp của khu vực.

* Cái vi phạm thứ tư là chúng ta chưa đánh giá chặt chẽ những tồn đọng mà chế độ mới phải giải quyết.

* Cái vi phạm thứ năm - vi phạm nghiêm trọng nhất - là chúng ta chưa xác định thật rõ hai mục tiêu của hoạt động kinh tế thành phố: mở rộng và nâng cao sản xuất và cải thiện đời sống cho nhân dân.

hsP0qArj.jpgPhóng to
Ảnh: T.TR.
- - - - - - - - - -

(*) Trích trong sách Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của tác giả Nguyễn Văn Linh.

NGUYỄN TRỌNG XUẤT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên