![]() |
Phá huỷ những khẩu súng tự chế phải cần đến lực lượng cảnh sát cơ động |
Bài viết này được bắt đầu khi mà lực lượng đặc nhiệm của tiểu đoàn cảnh sát cơ động nỗ lực phá hủy 26.000 khẩu súng tự chế rồi áp tải về tận Công ty gang thép Thái Nguyên nấu chảy...
"Tước" gần 2,6 vạn khẩu súng mà không cần... nổ súng
Trung tá Đào Thị Hải - Phó phòng PC13 (Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội), Công an tỉnh Điện Biên bấm di động gọi cho thiếu tá Lê Tiến Đạt để hỏi về kết quả chuyến "áp tải" 26.000 khẩu súng đi nấu thành thép nung chảy quý giá. "Hết 5 triệu tiền thuê nhóm lò nung thép, hết 11 triệu tiền cước để hai cỗ đại xa vận chuyển hơn 2 vạn cái nòng súng từ Mường Trời về Công ty gang thép Thái Nguyên" - chị Hải gập máy di động, quay ra nói với tôi.
"Tước" hàng vạn khẩu súng của những người yêu quý và gắn bó với những khẩu súng "gia bảo" từ trong dòng máu vạn thuở, từ trong mây khói của núi non như thế mà không phải nổ một tiếng súng. Đó là một câu chuyện cảm động về ý Đảng lòng dân trong thời mới ở Điện Biên!
Sử dụng súng tự chế đã trở thành một tập quán ăn sâu bám rễ nhiều đời trong bà con vùng cao Điện Biên. Nhiều gia đình, có bao nhiêu con trai thì nhất thiết phải có... bấy nhiêu khẩu súng. Súng đôi khi trở thành vật trang trí, thành vũ khí tự vệ thiết yếu, thành công cụ đi săn thú kiếm ăn, thành thứ tạo nên bản lĩnh đàn ông của mỗi người cũng như sự bề thế của mỗi gia tộc. Ra khỏi nhà là xách súng theo, nhiều anh bảo, vợ thì xa được chứ, súng thì tối ngủ cũng phải gối đầu giường.
Lúc một đứa trẻ sinh ra, theo phong tục của nhiều cộng đồng, cần phải nổ súng kíp đón mừng; lúc một người hết cõi sống, cũng phải nổ 21 phát súng báo cho bà con xa gần biết, rồi súng ấy lại tiễn hồn người ta về trời.
Nhưng, theo UBND tỉnh Điện Biên, 45.000 khẩu súng săn tự chế đã gây ra ít nhất 29 vụ săn bắn thú bắn nhầm vào người; 26 vụ tai nạn do dùng súng bất cẩn; 11 vụ sử dụng súng tự chế để gây án mạng. Các cuộc "rà soát" đã thu ít nhất 2.500kg thuốc nổ, 5.600 chiếc kíp nổ. Đây chỉ là những con số vô hồn, nếu như chúng ta chưa từng thấy cả đoàn mấy chục thanh niên lốc nhốc lội rừng săn bắn thú.
Có anh đi tàn cả một đêm để săn con hoẵng, mờ sáng, thoáng trông thấy hoẵng nhô sừng lên khỏi đám cỏ tranh đã nổ súng, không ngờ bắn chết chính bố đẻ của mình cũng đang dốc sức cùng con trai bủa vây con mồi béo. Có khi hai anh em ruột bắn chết nhau, chỉ vì, trong đêm, ông em cứ nghĩ rằng cái đèn pin trên trán anh mình là mắt con hổ. Tại Điện Biên, Thào A Dua ở bản Củng Xa, Mường Mùn, Tuần Giáo đã dùng súng tự chế đi săn, bắn nhầm anh Thào A Chứ làm cho anh Chứ chết ngay tại chỗ.
Cũng ở Tuần Giáo, tại xã Quài Cang, anh Cà Văn Pâng bắn chết anh Bạc Cầm Thăm trong trường hợp tương tự. Ngay trung uý Hà Ngọc Thao (Công an huyện Điện Biên, sau này được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân) cũng đã bị đối tượng Lò Văn Xanh ở Nà Tấu bất ngờ dùng súng kíp sát hại khi đang cùng đồng đội tổ chức vây ráp trong một chuyên án lớn...
Từ đó, công tác vận động thu hồi súng tự chế tại tỉnh Điện Biên đã được thực hiện theo... đường vòng. Lực lượng quản lý vũ khí vật liệu nổ, công an khu vực, công an cắm xã được lệnh đi yêu cầu các tổ chức cá nhân có đăng ký sử dụng súng chấp hành lệnh kiểm kê định kỳ. Khai báo để... quản lý và tiếp tục cấp phép thôi mà. Tất nhiên, bà con khai báo rất đầy đủ.
Khi có số liệu, có các bản đăng ký, cam kết của người đang "sở hữu" các khẩu súng rồi, một chiến dịch vận động rầm rộ bắt đầu với việc thành lập một ban chỉ đạo cuộc vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tỉnh Điện Biên do một đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, hai phó ban là lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; các uỷ viên là biên phòng, phụ nữ, đoàn thanh niên tỉnh. Cuộc ra quân rộng khắp với 1.530 buổi sinh hoạt, với 75.300 lượt người tham gia trên tất cả các huyện, thị, thành phố. Kết quả là, trong một năm đã có tới 2,6 vạn khẩu súng bị đem vào lò nấu thép.
Vụ tiêu hủy súng đạn độc nhất vô nhị
![]() |
Súng được ngâm trong những chiếc thùng tôn dài 2m rồi mới tháo phá từng bộ phận rất kỳ công |
Việc tiêu hủy 26.000 khẩu súng mới là một bài toán mà anh chị em chưa bao giờ gặp phải. Một kỳ công! Việc thất thoát súng hay các bộ phận của hàng vạn khẩu súng, đặc biệt là hàng tấn thuốc nổ, bom mìn tự chế ra ngoài là rất nguy hiểm.
Chính vì thế, cả một hội đồng tiêu huỷ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thu hồi gồm nhiều thành viên quan trọng, do Thiếu tướng - Giám đốc Công an tỉnh, đồng chí Đậu Quang Chín - làm chủ tịch đã được thành lập. Phải hết sức thận trọng, mọi sơ suất đều có thể gây tai hoạ lớn. Rút từng cây súng ra khỏi kho cũng phải nhẹ nhàng thận trọng. Rút từ trên xuống dưới, rút nhẹ, cầm báng súng, đi giật lùi ra khỏi kho súng (đề phòng nó... khạc đạn).
Đồng ý giữ lại súng để phục vụ lễ tang! Một chủ tịch xã lên gặp Ban chỉ đạo thu hồi súng tự chế đề nghị: phải giữ lại tại nhà uỷ ban chúng tôi ít nhất mỗi bản một khẩu súng tốt nhất. Để bắn báo cho cộng đồng biết khi có người chết, bắn tống tiễn vong linh người bà con khi họ lên đường về trời. Trung tá Đào Thị Hải nhỏ nhẹ: "Phải tôn trọng bà con mình chứ. Thôi thì mỗi ủy ban xã được phép giữ lại 3 khẩu để làm "lý" vậy. Chứ xã có hơn 20 bản, mỗi bản một khẩu thì mỗi ủy ban lại có một cái kho súng nữa à?". Anh cán bộ cười hề hề nhận ra điều phi lý, "cán bộ nói thế cũng đúng", thế là họ cũng ưng cái bụng. Tình hình có "vướng về mặt phong tục" bắn súng tiễn hồn người quá cố lên trời đã được phòng PC13 tiếp nhận, tham mưu cho Ban chỉ đạo "thu súng" xin duyệt kế hoạch giữ lại súng tại các UBND xã. |
Hội đồng tiêu hủy đã mời gần 30 chiến sĩ chuyên sâu về vũ khí và vật liệu nổ của Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh về bàn kế "phá súng".
Rất khó. Đốt không cháy, vứt đi đâu cũng có thể bị người ta nhặt về tiếp tục bóp cò gây thảm hoạ. Phải tháo chốt an toàn, vặn cò, vặn lẫy tan tành đi, cắt bằng cưa sắt, vặn bằng kìm cộng lực chuyên dụng. Nhưng, càng phá mạnh, thuốc súng càng nóng lên, chắc chắn sẽ nổ. Mỗi lúc moi trong súng ra cả vốc đạn ghém, gồm những viên sắt to bằng đầu đũa, cắt ngắn lổn nhổn trộn với thuốc súng, ai nấy rùng mình.
Hội đồng họp đi họp lại, các chuyên gia quyết định phương án chót: Phải đem súng đi ngâm nước. Ngâm nước đến đâu, bẻ nòng, đập gỗ, "róc" hết lẫy, cò, chốt, kim hoả các thứ đến đấy - phải làm những thao tác này trước khi thuốc súng kịp khô.
Cái việc cõng 26.000 khẩu súng từ các địa phương về tổng kho đã quá tốn tiền xe cộ rồi. PC13, đơn vị chủ trì việc này, đã phải tức tốc báo cáo với phòng hậu cần cho "ứng trước" 70 triệu đồng để vận chuyển. Giờ lại đòi ứng tiền làm những cái bồn chứa nước mà thợ gò hàn ở Điện Biên nghe xong yêu cầu của khách vẫn cứ ngơ ngơ ngác ngác.
Chưa có vật dụng nhôm sắt nào kỳ dị và... giản dị thế. Đó là những cái máng nước lớn, rộng, có chiều dài 2m (vì khẩu súng dài nhất, nòng chỉ dài độ 1,2m); cốt có khả năng đựng được... nước. Các chiến sĩ cảnh sát cơ động lực lưỡng nhất được lệnh rút từng cây súng, đi lùi khỏi kho rồi nhúng vào bể nước mới mua. Ngâm vài tiếng đồng hồ trước khi phá huỷ.
Một hợp đồng độc nhất vô nhị được hai bên ký kết, không phải là bán "sắt vụn" dạng thép xịn giá bao nhiêu tiền, cũng không phải là nung 26.000 cái nòng súng ra thép chảy thì công an phải trả bao nhiêu tiền cho nhà máy mua... than đốt lò - mà quan trọng nhất là phải giám sát nung chảy nòng súng đến phút chót. Công an Điện Biên đã chi ít nhất 16 triệu đồng cho mẻ nung thép chưa từng có ở Công ty gang thép Thái Nguyên này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận