Một khẩu hiệu kinh tế phải thể hiện được cái thần của yêu cầu phát triển của một nền kinh tế quốc gia trong khoảng một thập niên.
Khẩu hiệu kinh tế phải nhắm vào những người làm ra sản phẩm kinh tế là những người công nhân - lao động và ông chủ doanh nghiệp, giúp họ cảm thụ được như là một phương châm trong lao động, một mục tiêu trong sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp mình.
Nước ta cũng từng có những khẩu hiệu kinh tế được treo đầy trong các nhà máy - công ty, được treo rập khuôn từ những thành phố lớn đến làng, xã. Những khẩu hiệu về chiến lược kinh tế cũng cần, nhưng dùng cho tùy nơi, chứ với những người lao động - sản xuất thì e rằng khó hiểu, khó nhớ và khó... làm theo, vì quá rộng lớn và trừu tượng.
Cách đây hơn 20 năm, khi lần đầu đến Nhật Bản, tôi chú ý đến một khẩu hiệu rất hay ở các nhà máy, công ty Nhật: “Chất lượng sản phẩm là danh dự quốc gia”. Đó là thời kỳ mà hàng hóa “made in Japan” đã tràn ngập thị trường quốc tế và hai từ “hàng Nhật” thốt ra trên môi người tiêu dùng nước ngoài - nhất là với các nước chậm phát triển - đồng nghĩa với “hàng xịn”, hàng tiêu dùng cao cấp.
Còn trên các bức tường cao ốc trên đường phố - quảng trường, họ treo rất nhiều đồng hồ công cộng, như tín hiệu nhắc nhở người dân Nhật hãy chạy đua với thời gian để làm việc nhiều hơn cho đất nước.
Còn một chuyện nữa là chuyện dùng ngôn ngữ Việt trong thương hiệu, bảng hiệu của doanh nghiệp và hàng hóa VN. Đối với bảng hiệu, nhãn hiệu, tên gọi của sản phẩm VN, doanh nghiệp VN, cần bắt buộc dùng tiếng Việt ở vị trí chính yếu, còn tên giao dịch bằng tiếng nước ngoài ở vị trí thứ yếu và nhỏ hơn; đối với doanh nghiệp nước ngoài và nhãn hiệu sản phẩm xuất khẩu thì có thể qui định tiếng Anh là chính, tiếng Việt là phụ.
Về sử dụng tiếng Việt, vừa qua, ở TP.HCM cũng có một doanh nghiệp điện tử đã làm một việc rất hay là chọn nhạc điệu theo câu hát “Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời...” trong một nhạc phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, làm slogan cho sản phẩm của mình.
Những lần đến Hàn Quốc, đi trên những phố buôn bán của thủ đô Seoul, tôi thấy bảng hiệu ở mặt tiền cửa hàng đều tăm tắp, từ kích thước đến cao độ; và đẹp nhất là chữ Hàn luôn chiếm vị trí chính, còn hàng chữ nước ngoài chỉ nhỏ bằng nửa.
Thiết nghĩ, đó cũng là một cách mà người Hàn dùng để bảo vệ và tôn vinh thương hiệu, bên cạnh những chiến lược phát triển kinh tế và quảng bá văn hóa Hàn qua công nghiệp điện ảnh, mà ta cần tham khảo.
Hội nhập thương mại toàn cầu, gia nhập WTO, nhiều cơ hội lẫn thách thức. Nhưng trong cuộc cạnh tranh để phát triển đó, phải chăng chất lượng sản phẩm là yếu tố nội lực quan trọng nhất - cần được đưa thành ý tưởng chủ đạo khi thiết kế một slogan cho kinh tế VN.
Đó cũng là một cách giữ gìn, khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc và thương hiệu quốc gia trong thời đại hội nhập toàn cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận