29/09/2017 17:01 GMT+7

Khát vọng hòa bình của người Kurd

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Kết quả trưng cầu ý dân về việc ly khai khỏi chính quyền Iraq có thể là cột mốc mới cho số phận của người Kurd.

Khát vọng hòa bình  của người Kurd - Ảnh 1.

Thủ lĩnh người Kurd ở Iraq Masoud Barzani trong ngày trưng cầu ý dân 25-9 - Ảnh: AFP

Chúng tôi sẵn sàng trả bất cứ giá nào để được tự do

Người đứng đầu chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq Masoud Barzani

Hơn 92% người Kurd ở Iraq đã bỏ phiếu quyết trở thành một nhà nước độc lập trong cuộc trưng cầu ngày 25-9.

Độc lập chưa đến

Ngay từ trước khi cuộc trưng cầu ý dân diễn ra, người đứng đầu chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq (KRG) Masoud Barzani đã chịu những áp lực rất lớn từ các nước xung quanh. Đơn giản vì một nhà nước độc lập của người Kurd lúc này bị đánh đồng với mầm mống các cuộc khủng hoảng mới ở Trung Đông.

Người Kurd là tên gọi của một dân tộc có ngôn ngữ, tập quán, "quốc kỳ" riêng, nhưng chưa được công nhận là nhà nước. Khoảng 25 - 30 triệu người Kurd hiện sống rải rác chủ yếu ở 4 nước bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran và Syria. Bất chấp tại mỗi nước người Kurd có những khuynh hướng hoạt động khác nhau, dân tộc này vẫn tồn tại một khao khát chung là giành độc lập.

Ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd có một đảng riêng gọi là Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các đồng minh Mỹ, NATO xem PKK là "khủng bố". Ở Syria, đảng chính trị của người Kurd là Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) cũng bị chính quyền Syria và các phe đối lập ngăn ly khai. Trong khi đó, ngay sau cuộc trưng cầu trên, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã yêu cầu KRG hủy bỏ kết quả. Ba ngày trước đó, Iran đóng cửa biên giới với chính quyền người Kurd tự trị tại Iraq.

Không ngừng hi vọng

Năm 2007, theo hiến pháp Iraq, đáng ra người Kurd đã tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân tương tự về việc thành lập nhà nước, nhưng chính quyền Iraq khi ấy không cho phép tiến hành. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với người Kurd ở Syria.

Theo thời gian, người Kurd không buông hi vọng dù cũng là một trong những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cuộc giao tranh ở Trung Đông, nhất là cuộc nội chiến Syria và sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở miền bắc Syria và Iraq - gần khu vực nơi các nhóm người Kurd sinh sống.

Khát vọng hòa bình  của người Kurd - Ảnh 3.

Người Kurd vẫy cờ chào mừng ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý đòi độc lập ở Duhok (Iraq) ngày 26-9 - Ảnh: REUTERS

Tình hình rối ren ở Syria cho người Kurd ở Syria cơ hội để làm một công đôi việc: họ sẽ góp sức tiêu diệt IS, đồng thời tìm kiếm thời cơ giành độc lập sau cuộc đàm phán hòa bình Syria. Tại Syria, người Kurd nổi bật với Lực lượng dân quân người Kurd (YPG), một nhánh quân sự của PYD. Đây được xem là lực lượng cộng tác đánh IS hiệu quả nhất của Mỹ ở Syria (ở Iraq, lực lượng người Kurd đánh IS là Peshmerga). Bản thân Washington cũng hứa hẹn đẩy mạnh quan hệ với người Kurd sau khi quét sạch IS. Điều đó đồng nghĩa một phần của "miếng bánh" Syria sẽ được chia cho người Kurd.

Tuy nhiên, điểm lấn cấn ở chỗ Mỹ cũng phải "vuốt mặt nể mũi" với Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO - những người nhận định YPG là tổ chức quan hệ mật thiết với "khủng bố PKK". Vì thế, dù có hỗ trợ vũ khí cho lực lượng đặc trị IS của người Kurd, Washington lại không muốn người Kurd ly khai lúc này vì cho rằng điều đó chỉ khiến Syria thêm phức tạp.

Đơn cử vào ngày 17-3-2016, khu vực miền bắc Syria do người Kurd kiểm soát đã tuyên bố muốn thành lập một liên minh do họ cầm quyền. Đây chưa được coi là một nhà nước mới, song là một hệ thống chính quyền liên bang riêng biệt với Syria, có tên gọi là "Hệ thống liên bang dân chủ Rojava - bắc Syria".

Ý tưởng đó lập tức vấp phải sự phản đối từ các bên liên quan như chính quyền Syria của Tổng thống al-Assad, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC - đại diện các phe đối lập ở Syria).

Chưa thống nhất

Hiện tại, người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có quan hệ liên minh, nhưng người Kurd ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ không quan hệ quá mật thiết với người Kurd tại Iraq. Rõ ràng bản thân người Kurd ở từng nước cũng còn chưa thống nhất, thì ngày nhà nước người Kurd thống nhất sẽ còn xa.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên