05/04/2022 09:22 GMT+7

Khát vọng đưa cà phê Việt thành đại sứ du lịch

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Với Phạm Hoài Nguyên Anh, nhà sáng lập Công ty TNHH một thành viên Anh Coffee, cà phê khiến bạn quên ăn quên ngủ để lăn lộn cùng núi rừng. Tất cả cho một giấc mơ nâng tầm cà phê Việt trở thành đại sứ du lịch.

Phạm Hoài Nguyên Anh và khao khát đưa cà phê Việt thành đại sứ du lịch - Video: C.TRIỆU - T.KIÊN - M.HUỲNH - M.HUYỀN - C.TUẤN

Khát vọng đưa cà phê Việt thành đại sứ du lịch - Ảnh 2.

Phạm Hoài Nguyên Anh có một tình yêu mãnh liệt với cà phê - Ảnh: C.TRIỆU

Sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk nhưng mãi đến năm 2 đại học (ngành luật kinh tế, Trường ĐH Tây Nguyên) Nguyên Anh mới có dịp hiểu hơn về vùng đất đỏ bazan, đặc biệt là cây cà phê.

Dù có nhiều đối tác lớn từ Hoa Kỳ, Úc, Hong Kong với giá cao nhiều hơn trước nhưng tôi vẫn chưa hài lòng, giá tôi muốn phải cao hơn thế nữa, ít cũng phải bằng với các nước khác vì giá trị hạt cà phê Việt không hề thua kém, thậm chí cao hơn.

PHẠM HOÀI NGUYÊN ANH

Ăn ngủ cùng nhà nông

Nguyên Anh tìm về các vườn cà phê xanh ngắt ở huyện Ea H’leo (Ðắk Lắk) xin được vào ở, làm vườn không công trước sự ngỡ ngàng của người chủ. Bạn còn tìm đến bất kỳ nơi đâu có trồng cây cà phê, từ Ấn Độ, Indonesia, Colombia và kể cả Mexico xa xôi. 

Trước mong mỏi được hiểu hơn về cây cà phê, đặc biệt là cách làm kinh tế cà phê hiệu quả từ các nước, không một giới hạn nào được đặt ra cho Nguyên Anh lúc đó. Qua đối chiếu với sách vở cùng những gì đã chứng thực sau chuỗi ngày ăn ở cùng người nông dân, bạn nhận ra một điểm mấu chốt trong quy trình thu hoạch khiến giá trị cà phê Việt Nam luôn thấp hơn so với thế giới.

Để hiểu hơn thị trường, sở thích của khách hàng, Nguyên Anh xin đi bán cà phê tại nhiều nơi, đỉnh điểm có ngày đứng bán hàng suốt 15 giờ liền. Mọi thứ đều được bạn ghi chép lại rõ ràng, từ sở thích ưa dùng của đại đa số khách hàng dành cho loại cà phê nào, tỉ mỉ hơn đó là với loại cà phê này thì mực nước ra sao, độ sôi của nước thế nào, pha cùng các dòng nào thì sẽ thơm, ngọt hơn...

"Nông dân thừa biết hạt cà phê chín cho ra chất lượng tốt hơn, thơm và ngon hơn, nhưng vì người mua không ý kiến, thị trường chưa hiểu hết giá trị nên việc hái tuốt cả xanh lẫn chín để tiết kiệm công sức, chi phí vẫn được người dân lựa chọn", Nguyên Anh nói.

Nâng tầm giá trị

Những lần đi đi về về với các vườn cà phê mỗi lúc một nhiều bởi Nguyên Anh quan điểm "sai ở đâu sửa ở đó". Bạn kể hết những gì mình được nhìn thấy ở các nước làm cà phê lớn cho người nông dân nghe. Song song, Nguyên Anh tìm đến gia đình, người thân xin được "thế chấp" chính mình, mong có thể tìm được người đồng hành, có vốn liếng để thực hiện ước nguyện. 

"Không dễ để thuyết phục nông dân thay đổi một thói quen nào đó, trong khi mình chẳng có gì ngoài lòng tâm huyết và mong mỏi được làm cà phê giá trị", Nguyên Anh cười.

Sau tháng ngày đằng đẵng thuyết phục thì cuối cùng mẻ nguyên liệu cà phê đầu tiên được hái chọn toàn hạt chín đỏ cũng đến tay ông chủ trẻ. Nhưng một thách thức cam go nữa được đặt ra: công thức lên men hạt cà phê. Sai thì sửa, thiếu thì thêm, cứ thế Nguyên Anh mất gần nửa năm trời để tìm ra công thức chuẩn cho sản phẩm theo mình mong muốn. 

Tiếp nữa, so với giá cà phê được thu hoạch theo phương pháp thông thường thì cà phê hái chín có chi phí rất tốn kém, dẫn tới giá mua vào rất cao. "Rất khó khăn để đưa ra quyết định khi thời điểm đó có quá nhiều ông lớn đang chào hàng với mức giá rất rẻ", Nguyên Anh nhớ lại.

Từ đó mà thương hiệu Anh Coffee ra đời. Hiện nay Nguyên Anh đang bao tiêu đầu ra cho một vùng nguyên liệu rộng hơn 50ha tại huyện Ea H’leo. Người nông dân bán sản phẩm đi với những tiêu chí như sạch, hái chín 100%, lên men theo tiêu chuẩn của Anh Coffee.

Ngược lại, giá mua vào của Nguyên Anh đưa ra sẽ luôn cao hơn giá thị trường từ 30 - 40%. Với quy mô nhà xưởng rộng hơn 3.000m2 cùng nhà kho có sức chứa đến 1.500 tấn, hiện Anh Coffee đang bao tiêu và cho ra thị trường hàng tấn sản phẩm (khoảng 300.000 đồng/kg cho loại đặc biệt và từ 120.000 đến 160.000 đồng/kg cho sản phẩm thường). Mọi quy chuẩn sản xuất của Anh Coffee đều đi theo những tiêu chuẩn của quốc tế, từ nguyên liệu, chế biến và kể cả đóng gói.

Du lịch cà phê

Để khách hàng hiểu hơn về sản phẩm của mình lẫn các dòng sản phẩm vốn có trên thị trường, Nguyên Anh mở các "tour" du lịch cà phê ngay tại nhà xưởng Anh Coffee.

Ở đó, du khách có thể tự tay chọn lựa các dòng cà phê nguyên chất (hái chín) mình ưa thích, tự chọn nước, tự pha chế và sau đó uống so sánh cùng các dòng cà phê được thu hoạch bằng phương pháp hái đồng loạt.

"Thông điệp tôi muốn chuyển tải qua chuyến du lịch cà phê này không gì khác ngoài việc giúp người dùng hiểu đúng giá trị của sản phẩm, từ đó định vị thương hiệu và cà phê Việt phải là đại sứ du lịch", Nguyên Anh nói.

"Cảm hứng khởi nghiệp" truyền lửa đến giới trẻ

Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament For Start-up 2022 đã khép lại bằng chương trình talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp", tổng kết, vinh danh và trao giải cho các start-up tiêu biểu mùa 3 tại Đại học Quốc gia TP.HCM vừa qua.

Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội LHTN VN TP.HCM triển khai các hoạt động liên quan, thu hút sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực.

Trước đó, các nhà khởi nghiệp trẻ đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ các gôn thủ vào đêm gala tại Long Thành (Đồng Nai).

Đây là hoạt động thường niên nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích tinh thần thể thao, vận động, tạo sự lan tỏa, kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.

Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức đã chọn 30 start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai...; trong đó có giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng do Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.

MINH HUỲNH

Khát vọng đưa cà phê Việt thành đại sứ du lịch - Ảnh 6.
Khởi nghiệp vì Khởi nghiệp vì 'phải lòng' thớt kính

TTO - Từ trăn trở về mối nguy hiểm của các loại thớt gỗ, thớt nhựa ẩm mốc ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, chị Đặng Thị Hằng (32 tuổi, ở Q.Hải Châu, Đà Nẵng) đã rẽ hướng sang khởi nghiệp với ý tưởng xẻ kính làm... thớt.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên