Đó là clip “Gạch tham ô - xây ngục tù/Mực liêm chính - vẽ tương lai” của nhóm bạn trẻ đến từ Trường ĐH Ngoại thương, gửi đi thông điệp về sự minh bạch, liêm chính tại hội trại “Thanh niên liêm chính vì sự phát triển bền vững” vừa diễn ra tại Hà Nội, do Tổ chức Hướng tới minh bạch và Trung tâm Hỗ trợ giáo dục thanh thiếu niên VN tổ chức. Có thể cách truyền tải thông điệp còn đơn giản và thiếu chuyên nghiệp, nhưng đã nói lên được: cuộc sống là sự lựa chọn. Trung thực hay lừa dối? Can đảm hay hèn nhát? Tôi chọn sự trung thực, còn bạn thì sao?
Có hàng trăm thông điệp được các bạn thanh niên, sinh viên các trường đại học mang đến hội trại: “Hãy tiến tới thành công trên đôi chân liêm chính”, “Một tờ báo phẳng không chấp nhận một ngòi bút cong”, “Trung thực, liêm chính, không tham nhũng. Bạn là thay đổi nhỏ nhưng chúng ta là tác động lớn”...
Trung thực, liêm chính vốn là những giá trị đạo đức cao đẹp của con người. Trong xã hội hiện nay, khi mà những hiện tượng gian lận, hối lộ, tham nhũng đã không còn là chuyện hiếm thì việc giáo dục nhận thức và cổ vũ lối sống trung thực, liêm chính cho thế hệ trẻ là điều cần thiết. Những hiện tượng học hộ, thi hộ, mua bằng cấp... sẽ còn tồn tại dai dẳng nếu như những người trong cuộc không có được nhận thức đúng đắn.
Kết quả thăm dò trên 1.022 thanh niên độ tuổi 15-30 ở 11 tỉnh thành Việt Nam được công bố vào tháng 8-2011 vừa qua của Tổ chức Hướng tới minh bạch đã gây “sốc” dư luận: có 83-86% thanh niên cho rằng thiếu liêm chính gây tổn hại nghiêm trọng cho thế hệ của họ, cho nền kinh tế và tương lai đất nước, song vẫn có tới 38% trong số họ cho biết sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc liêm chính để đạt được những lợi ích cá nhân. Phải chăng họ đã thỏa hiệp và bị cuốn theo lối suy nghĩ tiêu cực?
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn - giám đốc Tổ chức Hướng tới minh bạch - nói cho dù luật pháp và các quy định có rõ ràng đến đâu, thiết chế có tốt đến mức nào, nhưng nếu người dân trong xã hội đó không có lối sống đạo đức và liêm chính thì việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực khó lòng ngăn được.
Có đáng lo song số đông thanh niên vẫn hướng tới lối sống liêm chính. Bạn Tuấn Anh (20 tuổi - ĐH Ngoại thương) cho rằng: “Chỉ cần mỗi bạn tập cho mình lối sống trung thực, không gian dối trong học tập, công việc và cuộc sống thì hiện tượng tiêu cực sẽ giảm đi nhiều. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là được tạo điều kiện và cơ hội để khẳng định mình, trong một môi trường công bằng và trong sạch”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận