ông Nguyễn Đình Trung - viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM - phát biểu khai mạc hội nghị - ẢNH: TUYẾT MAI
Ngày 20-12, Viện KSND Tối cao đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thành lập VKSND Cấp cao nhằm đúc kết những thành quả đạt được và một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của các VKSND Cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.
Theo báo cáo, từ ngày 1-6-2015 đến ngày 31-5-2018, các Viện cấp cao đã thụ lý, lập hồ sơ kiểm sát theo thủ tục phúc thẩm hơn 12.000 vụ việc, trong đó lượng vụ việc tại TP.HCM là hơn 5.000 vụ, chiếm 43,6%.
Đánh giá kết quả hoạt động trong 3 năm qua, ông Nguyễn Đình Trung - viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM - cho biết: "Mặc dù với số lượng án phúc thẩm phải giải quyết là rất lớn nhưng các Viện cấp cao cơ bản đã hoàn thành tốt công tác này, không để xảy ra oan sai hay vi phạm nghiêm trọng".
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều thành quả đạt được, hội nghị cũng nghiêm túc nhìn nhận một số khó khăn, hạn chế vướng mắc như còn xảy ra nhiều vi phạm trong hoạt động xét xử, chất lượng nghiên cứu hồ sơ cũng như chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của kiểm sát viên tại phiên tòa không đồng đều, chất lượng kháng nghị phúc thẩm một số vụ án chưa đạt yêu cầu, công tác bảo vệ kháng nghị tại phiên tòa trong một số trường hợp chưa thật sự tốt…
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thiếu biên chế so với khối lượng công việc phải giải quyết, số cán bộ mới được điều động tăng cường chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng trong giải quyết án phúc thẩm.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật về thời hạn nghiên cứu hồ sơ của viện kiểm sát là quá ngắn, chưa phù hợp. Hiện nay nhiều vụ án lớn, án điểm, án phức tạp thì với quy định như vậy tạo áp lực rất lớn cho kiểm sát viên trong việc đảm bảo chất lượng nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Đối với các vụ án lớn do Bộ Công an điều tra, VKSND Tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố và phân công cho VKS cấp tỉnh thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm, dù VKSND Tối cao đã ban hành các quyết định, quy chế phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới trong việc giải quyết vụ án hình sự.
Tuy nhiên, nội dung quy chế này không đề cập gì đến công tác phối hợp giữa VKSND Tối cao, VKSND cấp tỉnh với VKSND Cấp cao. Trong khi đó khi vụ án có kháng cáo, kháng nghị thì VKSND Cấp cao phải thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm.
Một trong những vướng mắc mà nhiều kiểm sát viên nêu ra tại hội nghị là việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm bản án khó khăn do tòa án chậm trễ hoặc không thực hiện yêu cầu chuyển hồ sơ vụ án cho Viện cấp cao để nghiên cứu xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong quy định có sự bất bình đẳng trong việc rút hồ sơ giữa tòa án và viện kiểm sát…
Từ đó, các đại biểu đề nghị VKSND Tối cao sớm phối hợp với các ngành tư pháp trung ương, thống nhất với TAND Tối cao ban hành thông tư liên tịch, quy định các phương thức xử lý đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, quy định cơ chế xử lý đảm bảo Tòa án phải chuyển hồ sơ hoặc có văn bản trả lời cho VKS khi hồ sơ đã được chuyển cho cơ quan khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận