Mông Cổ với thảo nguyên, người và ngựa - BÌNH AN (Nguồn: AFP, National Geographic, YouTube)
"Chinh phục được thế giới trên lưng ngựa là chuyện dễ, nhưng giữ vững được lãnh thổ mới là điều khó" - Đó là một trong những câu nói nổi tiếng của nhà quân sự lỗi lạc Mông Cổ: Thành Cát Tư Hãn - Thiết Mộc Chân (1162-1227).
Vế đầu của câu nói đã gợi lại một bức tranh hào hùng của lịch sử Mông Cổ. Với tài năng và những con chiến mã - vua trên các thảo nguyên lúc bấy giờ, năm 1206, vị khả hãn Mông Cổ đã kết thúc hàng thế kỷ giao tranh và thống nhất các bộ lạc ở vùng Đông Bắc Á.
Không một cá nhân nào có thể sánh bằng, Thành Cát Tư Hãn đã chinh phục gần 31 triệu km2 lãnh thổ, xẻ một đường táo bạo xuyên qua châu Á, Trung Đông và châu Âu khiến ai cũng phải khiếp sợ.
Một đoàn kỵ binh Mông Cổ hành quân - Ảnh: SINA
Chính cuộc đời lang bạt của một cư dân du mục đã tôi rèn cho Thiết Mộc Chân ý chí cứng rắn đúng với ý nghĩa "sắt thép" của cái tên lúc nhỏ.
Ông đã đưa những người du mục trên thảo nguyên Mông Cổ lên vị trí thống lĩnh thế giới. Qua hàng thế kỷ, văn hóa du mục đó vẫn sống sót như một viên ngọc vô giá trên thảo nguyên.
Nếu tưởng tượng văn hóa du mục Mông Cổ như một bức tranh hoàn chỉnh gồm ba phần thì thiên - nhân - mã sẽ tương ứng với đầu - thân - cuối.
Bảo tàng Thành Cát Tư Hãn ở Ulaanbaatar - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Vùng đất của bầu trời xanh vô tận
Sống cuộc sống rong ruổi như những cư dân du mục xuất hiện trong các thước phim về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn có vẻ quá khắc nghiệt và khô khan. Nhưng nhiều người Mông Cổ tự hào về điều đó và họ muốn con cháu duy trì nét đẹp truyền thống trong thế kỷ 21.
Một đàn gia súc được chăn thả giữa thảo nguyên mênh mông - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Xứ sở của vó ngựa và thảo nguyên là một trong rất ít những quốc gia duy trì văn hóa du mục cho đến tận ngày nay. Theo Reuters, ước tính khoảng 30% dân số Mông Cổ là dân du mục. Họ sống sót trên những thảo nguyên bao la bằng cách chăn thả gia súc và di chuyển tới những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Con số này chiếm khá lớn bởi một nửa dân số Mông Cổ đã tập trung ở thủ đô Ulaanbaatar, nơi thường hứng chịu các đợt ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Khói bốc lên từ các nhà máy vào một ngày ô nhiễm ở thủ đô Ulaanbaatar (ảnh chụp ngày 6-2-2018) - Ảnh: REUTERS
Sống cùng hơn 250 ngày nắng trong một năm, dân du mục Mông Cổ tự hào gọi đất nước mình là vùng đất của bầu trời xanh vô tận.
Mà cũng phải thôi! Mông Cổ sở hữu phần diện tích lên tới 1,6 triệu km2, xếp thứ 19 trong danh sách những nước có diện tích lớn nhất thế giới. Để hình dung rõ hơn, Mông Cổ lớn gấp 6 lần Vương quốc Anh, theo Guardian. Đã bao la như vậy, mảnh đất nhấp nhô này lại chứa chỉ 3 triệu dân.
Nếu bạn muốn di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia cũng ngốn mất vài ngày vượt qua những thảo nguyên rộng lớn. Đôi lúc, người bạn đồng hành duy nhất của bạn sẽ chỉ là những đàn ngựa, bò hay cừu đang được chăn thả giữa bốn bề toàn cỏ và bầu trời xanh. Và đôi lúc là những con kền kền lượn lờ tìm xác thối.
Những chiếc lều Ger được dựng lên cho du khách - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Địa hình Mông Cổ được thống trị bởi những thảo nguyên bất tận (66%), nhưng người ta cũng có thể bắt gặp hồ nước, hẻm núi, cồn cát và vách đá dọc đường đi.
Thời tiết của quốc gia nội lục khá đa dạng nhưng nhìn chung đều khắc nghiệt. Ngoài cái nóng và lạnh đan xen giữa ngày và đêm trên các thảo nguyên, đó là sự giá rét của vùng tây bắc nơi những con tuần lộc chưa thuần hóa tự do chạy nhảy, là những khu rừng thông xanh của vùng đông bắc, cho tới sự khô cằn của sa mạc Gobi ở phía nam. Thậm chí có vùng mà cả bốn mùa xuất hiện trong cùng một ngày.
Những con người đi tìm chữ ‘tồn’
Theo tờ Time, một nguyên cứu mới thú vị trong kỷ yếu của Viện hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ (PNAS) cho thấy trong những năm 1100, tức trước sự trỗi dậy của Thành Cát Tư Hãn, các thảo nguyên ở Mông Cổ trải qua nhiều đợt khô hạn liên tiếp. Đây là một trong những động lực khiến các bộ lạc Mông Cổ tìm cách mở rộng lãnh thổ khi họ tranh giành nguồn tài nguyên khan hiếm.
Trong giai đoạn 1211-1225, trùng với giai đoạn Thành Cát Tư Hãn trỗi dậy, Mông Cổ bỗng trải qua các trận mưa lớn bất thường cùng thời tiết ôn hòa. Thời tiết thuận lợi đã giúp các đồng cỏ trở nên xanh mướt, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho đàn ngựa mà vốn là xương sống của lực lượng quân đội Mông Cổ.
Tuy nhiên, những đồng cỏ xanh cũng không thể đảm bảo sự sinh tồn của dân tộc, đế quốc Mông Cổ vẫn ôm mộng bành trướng và họ đã gieo rắc sự kinh hoàng cho các nước láng giềng.
Một thị trấn ở vùng tây bắc Mông Cổ - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Ngày nay, biên cương đất nước đã định và không được tung hoành như ngày nào, người dân Mông Cổ vẫn siêng năng di chuyển để tìm chữ "tồn" dù bị gói gọn trong khu vực rộng 1,6 triệu km2.
Tứ phía là đồng cỏ, chẳng có biển để trao đổi buôn bán, do đó không một thương nhân nào đủ gan dạ để bám trụ. Giữa thiên nhiên vô tận và đầy thách thức như vậy, 3.000 năm qua, người dân của xứ vó ngựa và thảo nguyên chẳng còn cách nào ngoài tự cung tự cấp bằng cuộc sống du mục.
Sự siêng năng và tính nhẫn nại là chìa khóa để con người Mông Cổ tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Một tu viện nằm giữa thảo nguyên - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Theo truyền thống, dân du mục Mông Cổ nuôi 5 loại gia súc là ngựa, bò hoặc bò Tây Tạng, cừu, dê và lạc đà. Trong khi đó, tuần lộc thường được chăn nuôi bởi người Tsaatan sống ở khu vực tây bắc Mông Cổ, chủ yếu quanh hồ Khovsgol nằm sát biên giới với vùng Siberia, Nga.
Dựa theo nhu cầu của gia súc, các gia đình du mục chuyển nhà vài lần trong năm. Vào mùa hè, dân du mục Mông Cổ thường yêu thích các điểm dựng lều gần sông hay hồ để đảm bảo nguồn cung cấp nước. Đông tới, ưu tiên của các gia đình du mục là bảo vệ đàn gia súc trước cái lạnh thấu xương. Họ thường dựng lều ở những nơi chắn gió như thung lũng hay bìa rừng.
Lều Ger - những ngôi nhà biết đi của dân du mục Mông Cổ - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Gia súc và lều là hai thứ tài sản quý giá nhất đối với mỗi gia đình du mục ở Mông Cổ. Những ngôi nhà truyền thống của người Mông Cổ được gọi là "Ger", mặc dù ngày nay thuật ngữ "Yurt" (theo tiếng Nga) cũng được biết tới rộng rãi.
Ger là một dạng kiến trúc đặc trưng của văn hóa Mông Cổ có hình dạng tương tự lều. Lều Ger về cơ bản được dựng lên từ khung gỗ đan hình lưới và những tấm vải bạt phủ quanh. Các chất liệu dựng lều khá nhẹ để có thể vận chuyển nay đây mai đó.
Về phân chia vai trò trong gia đình, người phụ nữ bận rộn với công việc nhà bếp (nấu ăn, làm sữa chua, pho mát…), chăm sóc con trẻ, lấy sữa bò, ngựa… Người chồng sẽ đảm nhận công việc chính là chăn thả và bảo vệ đàn gia súc.
Không ngựa như chim không cánh
Mông Cổ là vùng đất của những con ngựa. Bất kỳ dân du mục Mông Cổ nào cũng biết cưỡi ngựa và thậm chí phi ngựa như bay. Cưỡi ngựa là một phần cơ bản của nền văn hóa du mục, như chính người Mông Cổ hay nói: "Một người Mông Cổ không ngựa như chim không cánh".
Nhìn từng đàn ngựa phi nước đại thẳng cẳng chẳng chút kiêng nể giữa những thảo nguyên, một Mông Cổ rộng lớn bỗng toát lên vẻ mênh mông và tự do như chưa từng bị ai đụng chạm từ thời Đế quốc Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn.
Một người địa phương Mông Cổ cưỡi ngựa - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Giữa thiên nhiên đầy thách thức và những con người ham di chuyển, ngựa chính là phương tiện để đưa dân du mục Mông Cổ tới những vùng đất mới, là đôi chân dìu dắt người Mông Cổ băng qua lịch sử.
Ngựa Mông Cổ khỏe, có sức bền tốt lại dễ nuôi. Vào mùa đông, chúng được dân du mục chú ý tới nhiều bởi đằng xa là ánh mắt thèm khát của những con sói.
Ngoài việc được dùng để vận chuyển và làm gia tài của mỗi gia đình, ngựa mang đến cho người Mông Cổ một loại thức uống yêu thích có tên "airag" - sữa ngựa được lên men với độ cồn nhẹ, giàu vitamin và khoáng.
Lễ hội Naadam được tổ chức một phần nhằm tôn vinh vai trò trung tâm của ngựa và những người cưỡi ngựa giỏi trong văn hóa và lịch sử Mông Cổ - Ảnh: FLICKR
Như một báu vật không lỗi thời, ngựa được người dân Mông Cổ cưng hết mực khi chúng cũng là "gương mặt đại diện" trên trường đua mỗi mùa Naadam - lễ hội lớn nhất ở Mông Cổ được tổ chức từ thời Thành Cát Tư Hãn. Ngựa thi đấu giỏi thì người chủ tất nở mày nở mặt.
Những năm qua, số dân sống theo hình thức du mục ở Mông Cổ có phần giảm đi, do sức hấp dẫn của cuộc sống tiện nghi ở thủ đô Ulaanbaatar hay những đợt thời tiết khắc nghiệt như Zud. Tuy nhiên, với ý thức duy trì nét đẹp truyền thống của người dân, Mông Cổ vẫn mang trong mình sức hấp dẫn không tuổi nhờ những thảo nguyên mênh mông, những cư dân du mục ngao du bốn bể và những đàn ngựa luôn sẵn sàng tung vó.
Đế quốc Mông Cổ không còn nhưng vẫn còn đó những thảo nguyên và con cháu yêu nghề của những người từng tạo ra Đế quốc Mông Cổ!
Phương Anh ngồi cạnh hồ Khovsgol - Ảnh: PHƯƠNG ANH
Học làm người Mông Cổ
Bạn Nguyễn Phương Anh, sinh viên năm cuối khoa quan hệ quốc tế của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG TP.HCM, hè vừa qua đã có chuyến du lịch khám phá Mông Cổ cùng người thân.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online về cảm nhận của mình, Phương Anh cho biết: "Thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ khá hiện đại, mang nhiều ảnh hưởng của Hàn Quốc, còn có cả một con đường mang tên Seoul Street. Tuy nhiên, ra khỏi thành phố thường xuyên bị ô nhiễm này là những thảo nguyên bất tận, rất ít dây điện và đường bêtông".
Di chuyển từ thủ đô lên vùng tây bắc Mông Cổ trong gần 10 ngày với điểm dừng chân cuối cùng là hồ Khovsgol, Phương Anh đã được trải nghiệm cuộc sống du mục của người địa phương.
"Chưa bao giờ trong cuộc đời Phương Anh lại ăn nhiều thịt như vậy", cô gái 22 tuổi nói về những bữa ăn chỉ toàn thịt dê, cừu, ngựa… dưới túp lều Ger. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, Phương Anh chia sẻ một cách hài hước rằng đó là hai lần bạn bị té ngựa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận