05/12/2012 01:28 GMT+7

Khai thác cát sông đang nhấn chìm ĐBSCL

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

TTO - Chỉ trong vòng 10 năm (1998 - 2008) tại một đoạn sông Hậu dài khoảng 140km đã mất một lượng phù sa là 110 triệu m3. Tương tự phía sông Tiền cũng mất 90 triệu m3.

Thống kê này của ông Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, cảnh báo tại buổi hội nghị tham vấn lần thứ hai kế hoạch châu thổ sông Cửu Long (MDP) để chuẩn bị hoàn chỉnh trình Quốc hội vào năm 2013, do Bộ Tài nguyên - môi trường và Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã tổ chức vào ngày 5-12.

Ông Trân bày tỏ lo lắng về tình trạng sụt lún tự nhiên cộng với việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong và tình trạng khai thác cát sông bừa bãi sẽ “nhấn” ĐBSCL chìm dần.

Theo nhận định của ông Trân: “Phù sa về ít hơn do xây dựng các đập thủy điện trên thượng nguồn. Bản thân chúng ta lại khai thác cát như thế này nữa thì sẽ xảy ra tình trạng xói lở, sụt lún. Không khéo ĐBSCL sẽ chìm dần. Quy hoạch 100 năm cho ĐBSCL đã có nhiều yếu tố bất định mà còn có những yếu tố khai thác không kiểm soát như thế này là hết sức nguy hiểm”.

Nhận định của ông Trân cũng được tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Viện Nghiên cứu biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Cần Thơ) đồng tình. Ông Tuấn nói: “Thực tế việc xác định độ lún sụt mặt đất tự nhiên vùng ĐBSCL chưa có một đánh giá toàn diện, hệ thống. Vì vậy vấn đề này cần được thảo luận kỹ hơn trong bản kế hoạch MDP trình Quốc hội”.

Hội nghị này là kế hoạch nhằm định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến năm 2100, được sự hỗ trợ của Chính phủ và chuyên gia tư vấn Hà Lan.

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên