26/09/2014 07:59 GMT+7

Khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần VIII

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Sáng nay (26-9), Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) VN lần thứ VIII khai mạc tại Hà Nội với hơn 1.000 đại biểu tham dự.

Đại hội sẽ thảo luận sửa đổi điều lệ MTTQ VN, hiệp thương cử ra 383 ủy viên Ủy ban MTTQ VN nhiệm kỳ 2014-2019 và ủy ban sẽ hiệp thương cử ra đoàn chủ tịch gồm 62 người.

Bên lề phiên họp trù bị đại hội vào chiều 25-9, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi ý kiến của một số đại biểu xung quanh vấn đề Mặt trận làm thế nào để thực hiện vai trò, nhiệm vụ bảo vệ, đại diện quyền lợi của nhân dân, giám sát và phản biện xã hội theo quy định mới của Hiến pháp.

* Ông PHẠM THẾ DUYỆT (nguyên chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN):

Nói đúng nguyện vọng của dân, đừng e dè, sợ sệt

Ông Phạm Thế Duyệt - Ảnh: H.Long
Ông Phạm Thế Duyệt - Ảnh: H.Long

Tôi phải nói rằng hoạt động Mặt trận bây giờ đang rất thuận lợi bởi Hiến pháp 2013 và các văn bản của Đảng đã thể hiện rất rõ vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận.

Vấn đề lớn nhất đặt ra là các bộ các cấp Mặt trận tổ chức thực hiện như thế nào cho hiệu quả mà thôi. Nhân dân đang rất mong, rất kỳ vọng vào Mặt trận đại diện, bảo vệ quyền lợi của dân; Mặt trận tổ chức giám sát đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Điều này đòi hỏi những người lãnh đạo Mặt trận ở các cấp phải có đủ bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, biết tổ chức và phân vai cho rõ nhiệm vụ, trách nhiệm các tổ chức thành viên của Mặt trận.

Tôi lấy ví dụ để giám sát đội ngũ cán bộ, công chức thì có cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước nào mà không có tổ chức công đoàn. Rồi về nơi cư trú thì nơi nào mà không có đoàn thanh niên, hội phụ nữ...

Cho nên, vấn đề là có làm hay không mà thôi. Mặt trận làm được và làm thực chất thì dân tin. Muốn dân tin thì cán bộ Mặt trận phải tập hợp đầy đủ, phản ánh đúng tiếng nói, nguyện vọng của dân, đừng có e dè, sợ sệt.

* Ông NGUYỄN TÚC (chủ nhiệm Hội đồng tư vấn văn hóa - xã hội):

Giám sát của Mặt trận là giám sát của người dân

Ông Nguyễn Túc - Ảnh: H.Long
Ông Nguyễn Túc - Ảnh: H.Long

Mặt trận không phải chỉ là những người hoạt động chuyên trách, mà bao gồm các tổ chức, đoàn thể, cá nhân tiêu biểu, các giai cấp, tôn giáo...

Phải huy động được sức mạnh của tất cả các tổ chức đó để giám sát những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã ban hành.

Giám sát của Mặt trận là toàn dân giám sát dưới sự tổ chức của các đoàn thể, tổ chức đại diện cho từng giới, từng ngành, từng thành phần xã hội.

Một người dân thì đơn lẻ, một tổ chức thì có thể chưa mạnh, nhưng hàng triệu người dân với hàng triệu đôi mắt và hàng triệu đôi tay được tập hợp lại, nhiều tổ chức dưới sự phân công của Mặt trận cùng giám sát, cùng phản biện sẽ có tiếng nói và sức mạnh to lớn.

Bao nhiêu là công việc, bao nhiêu là chủ trương, chính sách cần phải giám sát, phản biện làm sao mà cán bộ chuyên trách của Mặt trận đủ sức làm được.

Muốn làm được phải sử dụng rất nhiều các vị chuyên gia trong các lĩnh vực và để sử dụng đội ngũ này thì có các hội đồng tư vấn của Mặt trận. Trong từng hội đồng tư vấn có sự tham gia của những nhà khoa học, những chuyên gia, những người nguyên là bộ trưởng, thứ trưởng rất am hiểu lĩnh vực ấy, đã từng trải nghiệm qua công việc.

Ngoài các hội đồng tư vấn, Mặt trận phải huy động đội ngũ cộng tác viên, rộng rãi ngoài xã hội để mỗi lĩnh vực phản biện phải là trí tuệ của dân mình.

Ví dụ, nếu phản biện chính sách xây nhà ở xã hội, thì ngoài các cựu lãnh đạo, các nhà chuyên môn, Mặt trận phải mời những người nghèo, những người đang ở nhà ở xã hội tham gia góp ý, phản biện.

* Ông TRẦN KHẮC TÂM (đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Sóc Trăng):

Cần cơ chế pháp luật về giám sát, phản biện

Ông Trần Khắc Tâm - Ảnh tư liệu
Ông Trần Khắc Tâm - Ảnh tư liệu

Thời gian vừa qua, MTTQ VN đã và đang tổ chức nhiều cuộc giám sát có quy mô lớn và rất ý nghĩa như Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 25-9.

Làm được như vậy là do ban thường trực đã vận dụng tốt điều 9 và điều 96 Hiến pháp, đồng thời nhận được sự phối hợp và ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng về lâu dài, để các cấp Mặt trận, đặc biệt là các cấp Mặt trận ở cơ sở, thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội thì cần được thể chế hóa bằng một đạo luật về giám sát, phản biện xã hội.

Dự án Luật MTTQ VN (sửa đổi) tới đây sẽ trình Quốc hội, trong đó đã thể hiện hai chương riêng quy định về giám sát, phản biện xã hội.

Tôi hi vọng rằng khi được Quốc hội thông qua, đây sẽ là công cụ pháp luật đầu tiên quy định về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận một cách bài bản.

Nếu không có quy định cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ, tổ chức, quy trình, giá trị pháp lý của các cuộc giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận thì hoạt động này rất khó đem lại hiệu quả như mong muốn.

Ví dụ, trước một cuộc giám sát thì cơ quan nhà nước thuộc phạm vi giám sát phải có trách nhiệm chuẩn bị báo cáo, giải trình với Mặt trận như thế nào, sau khi giám sát cơ quan đó có trách nhiệm tiếp thu, xử lý các kiến nghị ra sao; nếu cơ quan đó không tiếp thu, xử lý các kiến nghị của Mặt trận thì ai sẽ phân xử, chế tài thế nào nếu kiến nghị đúng không được tiếp thu.

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên