11/06/2014 08:21 GMT+7

Chất vấn tại quốc hội, đại biểu sốt ruột với nợ công

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Là bộ trưởng đầu tiên mở màn cho phiên chất vấn thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, chiều 10-6 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phải giải trình một loạt vấn đề liên quan đến nợ công, nhu cầu chi tiêu công, đầu tư công, chống thất thoát ngân sách...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn

OHB1vd7E.jpgPhóng to
Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, người dân mong mỏi Nhà nước phải thắt lưng buộc bụng, đặc biệt đối với những công trình chưa thật sự cần thiết như đề án xây dựng những nhà hát ngàn chỗ của Bộ VH-TT&DL. Trong ảnh: Nhà hát Nón lá của Bạc Liêu là một trong những công trình được xem là không thật sự cần thiết - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Nằm trong loạt câu hỏi đầu tiên, đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói: “Theo kế hoạch năm 2014 được Thủ tướng ký, số chi trả nợ công lên đến hơn 208.000 tỉ đồng (gần 21% tổng chi, tương ứng 26,7% tổng thu cân đối ngân sách theo dự toán năm 2014), trong khi số chi thường xuyên của năm này lên đến hơn 704.000 tỉ đồng (xấp xỉ 90% tổng thu cân đối dự toán); phần còn lại 10% tương đương 7.000-8.000 tỉ đồng. Như vậy làm sao đủ trả nợ, chưa kể còn phải dành 163.000 tỉ đồng chi cho đầu tư phát triển?”.

S6YQ31a2.jpg

"Nợ công có thật sự an toàn?" - Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đại biểu Công cũng lo lắng nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, xuất khẩu không thuận lợi, nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ và mối lo lớn nhất là khả năng trả nợ. Đại biểu Công hỏi Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nợ công có thật sự an toàn không? Giải pháp nào để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia?

Nợ công có an toàn?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng) dẫn báo cáo của Chính phủ nêu rõ nợ công đến 31-12-2013 bằng 53,4% GDP, nhưng qua phương tiện thông tin đại chúng lại còn nhiều ý kiến khác nhau tỉ lệ này, trong đó có ý kiến cho rằng chưa tính hết phần vốn vay của doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ bảo lãnh.

Đại biểu Nghĩa đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đến nay tổng số nợ mà Chính phủ vay để cho vay lại và bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước là bao nhiêu? Có những khoản vay nào được Chính phủ bảo lãnh nhưng khi đáo hạn doanh nghiệp nhà nước không trả được, Chính phủ phải trả nợ thay hay vay đảo nợ không? Dự kiến tình hình sắp đến như thế nào? Đại biểu Huỳnh Nghĩa cũng đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết cụ thể về các khoản nợ của Vinashin, Vinalines mà Chính phủ cho vay hoặc bảo lãnh vay.

Giải tỏa những nỗi lo nói trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn các chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn.

Cụ thể, Bộ trưởng Dũng khẳng định tỉ lệ nợ công trên GDP thay đổi không nhiều qua các năm: 51,7% (2010), 50,1% (2011), 50,8% (2012) và 54,1% (ước tính 2013), hiện ở dưới mức theo quy định của nghị quyết của Quốc hội là 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 41,5% - thấp hơn chỉ tiêu 55% của Quốc hội cho phép.

Bộ trưởng Dũng cho rằng cùng với tăng trưởng GDP ở mức trung bình trong những năm tới, khả năng trả nợ sẽ tiếp tục được duy trì.

Theo ông Dũng, thời điểm trả nợ mới quan trọng. Ông Dũng giải trình: về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm, 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng 2-5 năm.

“Đây là vấn đề cần phải bàn, phải tính” - ông Dũng nói, đồng thời nhắc đi nhắc lại đây là vấn đề rất quan trọng, rất hệ trọng và cần có giải pháp để cơ cấu lại nợ công từng bước.

Ông Dũng nêu nhiều giải pháp tái cơ cấu nợ công, trong đó đặc biệt lưu ý nếu vay nhưng quản lý không được, sử dụng kém hiệu quả cũng là vấn đề đại sự.

Ông Dũng cho biết từ nay đến năm 2018, nghĩa vụ trả nợ nằm dưới ngưỡng 25%, tức là trong giới hạn cho phép, nhưng vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn. “Các đại biểu Quốc hội sốt ruột là đúng rồi, nhưng nếu loại trừ số vay đảo nợ thì vẫn nằm trong ngưỡng cho phép” - ông Dũng nhấn mạnh.

rfUxi6H1.jpg
"Nợ công có xu hướng tăng nhưng vẫn nằm trong ngưỡng an toàn Bộ trưởng" - Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Trả lời đại biểu Huỳnh Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết về số nợ của Vinashin, Vinalines, Chính phủ đã cấp bảo lãnh chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu nợ của Vinashin. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi của công ty mẹ Tập đoàn Vinashin và tám công ty con giữ lại. Số liệu nợ cũng giảm tới 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin.

Báo động chi cho đầu tư phát triển thấp

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh bày tỏ lo lắng đầu tư (chi cho đầu tư phát triển) trong những năm gần đây giảm mạnh, bình quân năm năm trước (2005-2010) là 32% chi ngân sách, nhưng từ đó đến nay còn 21,6% (2010), 20,9% (2011), 19,9% (2012), rồi tụt hẳn xuống 17,9% (2013) và chỉ còn 16,2% (năm 2014). “Chưa có quốc gia nào đang phát triển bố trí đầu tư phát triển thấp như chúng ta” - ông Vinh nói.

Ông Vinh đặc biệt lưu ý tồn đọng các dự án dở dang từ nhiệm kỳ trước để lại rất lớn. Ông Vinh khẳng định năm 2014 có 99,2% số vốn ngân sách trung ương được kiểm soát đúng quy định, không có chuyện bố trí dàn trải.

Tổng vốn nợ xây dựng cơ bản đến 30-6-2013 còn hơn 32.000 tỉ đồng của hơn 14.000 dự án đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, nhưng năm 2014 đã bố trí hơn 5.000 tỉ đồng để trả nợ, cho nên số nợ còn lại hơn 27.000 tỉ đồng. Theo Bộ trưởng Vinh, số nợ này là rất thấp, nằm trong tầm kiểm soát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng chi ngân sách (cho đầu tư phát triển) không giảm đến mức như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói, chỉ còn khoảng 17%. “Nếu cộng cả trái phiếu vào thì chi cho đầu tư phát triển là 23,8%, cũng vẫn là thấp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội” - ông Vinh nói ngay.

Chậm trễ sửa đổi quy định kinh doanh xăng dầu

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội phản ánh về thực tế thiếu minh bạch, thiếu cạnh tranh, nhập nhằng lỗ lãi, dấu hiệu lợi ích nhóm trong quản lý thị trường giá kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Công thương, bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nhiều lần trả lời và quy nhiều lỗi cho nghị định 84 (về kinh doanh xăng dầu). Từ năm 2011, các cơ quan chức năng nhiều lần hứa sửa đổi nghị định này để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. “Tôi kiên nhẫn đòi nợ lời hứa này nhưng cho đến nay không có kết quả, điều này đồng nghĩa với việc những hạn chế vẫn tồn tại và thiệt thòi nhất vẫn là người tiêu dùng”.

Theo đại biểu Nga, cách sửa nghị định này cũng rất khó hiểu, cứ mấy tháng đưa bàn thảo một lần và sắp họp Quốc hội lại đưa ra bàn, nhất là còn có đề xuất chuyển quyền điều hành giá xăng dầu hoàn toàn về Bộ Công thương, làm nặng nề hơn tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của bộ này. Đại biểu Nga hỏi trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc không thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri cả nước về việc tiến độ sửa đổi nghị định 84. Câu hỏi này cũng được đại biểu Nga trân trọng gửi đến Thủ tướng.

Cả Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đều giải trình chi tiết câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga.

Bà Nga cho rằng trả lời của bộ trưởng Bộ Tài chính đối với câu hỏi của bà khá tốt, đi thẳng vào vấn đề. Riêng vấn đề chuyển quyền điều hành giá xăng dầu về Bộ Công thương là không khách quan. Theo bà Nga, bộ này là chủ quản của Petrolimex - doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chiếm thị phần lớn; quản lý cơ quan xử lý cạnh tranh, trong đó có xử lý việc cạnh tranh của các doanh nghiệp xăng dầu; cơ quan quản lý thị trường...

“Ai được giao nhiệm vụ mà thẩm quyền này có sự xung đột về trách nhiệm và về quyền hạn thì sẽ khó đảm bảo khách quan. Chúng tôi đề nghị Chính phủ thận trọng xem xét vấn đề này” - đại biểu Nga đề nghị.

Sáng nay 11-6, bộ trưởng Bộ Tài chính có thêm một giờ để tiếp tục trả lời chất vấn, trong đó có nhiều câu hỏi của đại biểu về hiệu quả quản lý ngân sách mà chiều qua không còn thời gian để trả lời.

* Ông Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính):

Cần cắt giảm chi tiêu thường xuyên để hỗ trợ ngư dân

Nợ công phải được minh bạch không chỉ là các con số và cho rằng nợ công của VN vẫn an toàn. Bộ Tài chính cần phải công bố một cách rõ ràng đối với các khoản nợ, chủ nợ, lãi suất cho vay...

Tôi lo ngại nợ công của VN sẽ gặp khó khăn sau việc căng thẳng trên biển Đông hiện nay. Cách tốt nhất để giảm nợ công là Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên một cách mạnh mẽ, nhất là hội họp, đi công tác nước ngoài hay hạn chế xây dựng sân bay, cảng biển, nhà hát chưa thật sự cần thiết... Như thế, chúng ta mới có thêm nguồn lực để hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ Tổ quốc.

L.THANH ghi

* Đại biểu Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng):

Chưa trả lời trực diện câu hỏi của tôi

Câu hỏi của tôi là trước thực trạng dự báo thu ngân sách không sát, trong năm báo cáo với Quốc hội là hụt thu 25.000 tỉ nhưng cuối cùng kết quả lại tăng thu 6.000 tỉ, tức là sai số lên tới 31.000 tỉ. Vậy đây là thành tích hay là thiếu sót?

Rất nhiều năm nay, Bộ Tài chính đều dự báo mức thu ngân sách nhà nước thấp hơn con số thu thực tế. Vậy thì đây là lỗi dự báo hay là cố tình dự báo như vậy? Có hay không chuyện cứ dự báo thấp rồi thu cao, thậm chí là vượt rất cao để có tiền thưởng? Bộ trưởng chưa trả lời trực diện vào câu hỏi của tôi.

* Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật):

“Tôi không hiểu nhạy cảm là gì?”

Nội dung chính trong câu hỏi của tôi là có quản lý được giá thuốc hay không và ai là người chịu trách nhiệm chính? Chủ tịch Quốc hội cũng nói thực tế hiện nay giá thuốc bất kham. Nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời rằng giá thuốc rất nhạy cảm. Thú thật, tôi không hiểu nhạy cảm là gì?

Vậy ai có lỗi và ai chịu trách nhiệm trước thực tế 90 triệu dân phải sử dụng thuốc giá cao và không loại trừ có những loại thuốc chất lượng không đảm bảo? Vừa rồi dự án Luật dược lựa chọn giải pháp là thành lập hội đồng giá thuốc mà thành phần chính là Bộ Tài chính và Bộ Y tế. Tôi cho rằng như vậy cũng không giải quyết được vấn đề, bởi vì cái hội đồng ấy vẫn là những con người đang làm việc hiện nay.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói chất lượng thuốc thế nào, thành phần bao gồm những gì thì Bộ Y tế mới biết. Đúng vậy. Nếu Bộ Y tế không làm đúng trách nhiệm của mình thì rất khó quản lý được giá thuốc. Tôi đợi chờ câu trả lời thấu đáo của bộ trưởng Bộ Y tế vào ngày mai.

LÊ KIÊN ghi

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên