Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn Quốc hội chiều 10-6 - Ảnh: Việt Dũng |
Chiều 10-6, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên bộ trưởng đăng đàn.
Việc quản lý giá xăng dầu còn thiếu minh bạch, nợ công có an toàn, việc Chính phủ phải gánh nợ của các tập đoàn kinh tế lớn thua lỗ... là những vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ.
Nơ công có thực sự an toàn?
Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt vấn đề: Hiện nay nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao nhưng Bộ tài chính vẫn báo cáo là nợ công an toàn - đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? Làm sao chúng ta có đủ khả năng trả nợ, giải pháp nào?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ tài chính nói: Nếu nhìn về con số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Nhưng đánh giá tính bền vững của nợ công và an toàn của danh mục nợ công thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn.
Về chỉ tiêu nợ công trên GDP thì tỉ lệ này thay đổi không nhiều qua các năm. Năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, 2012 là 50.8% và 2013 là 53,4% là kể cả số mà Quốc hội biểu quyết chuyển số của thuế VAT năm 2013 vào. Việc đưa số thuế VAT này vào là minh bạch (trước để ngoài). Tỉ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép là 65%.
Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép. Cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ tiếp tục được duy trì.
Thời hạn trả nợ rất quan trọng. Do kinh tế khó khăn nên vừa qua thời hạn vay ngắn, đặc biệt là huy động trong nước (có khi từ 1-3 năm). Việc này đã báo cáo Chính phủ, cần có giải pháp để cơ cấu nợ công.
Chỉ tiêu quan trọng khác: cuối năm 2013, tỉ lệ trả nợ tổng số thì vượt 25% nhưng phân tích sâu thì trong này có 10% vay đảo nợ (không làm phát sinh thêm nghĩa vụ trả nợ), nên nếu trừ nghĩa vụ vay đảo nợ thì chúng ta vẫn nằm mức 20-21%, dưới mức 25%.
Đây là vấn đề hệ trọng, đặt ra vấn đề bố trí ngân sách trả nợ. Kinh tế chúng ta tuy có khởi sắc nhưng còn khó khăn. Quy mô còn rất nhỏ. Chúng tôi đánh giá nếu loại trừ nghĩa vụ vay đảo nợ, thì nghĩa vụ trả nợ đều nằm dưới mức 25% như tỉ lệ của Quốc hội cho phép. Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn.
Đại biểu QH sốt ruột là đúng nhưng nếu loại trừ vay đáo nợ thì chúng ta vẫn nằm trong ngưỡng 20-21%, vẫn dưới ngưỡng cho phép 25%.
Nợ công tăng nhanh trong thời gian vừa qua, ngoài huy động cho đầu tư phát triển, tăng bội chi, có tăng về số tuyệt đối nhưng số tương đối thì như thế. Quán triệt tinh thần điều hành thận trọng thì Bộ thường xuyên đánh giá danh mục nợ công, trên các chỉ tiêu đánh giá an toàn khác, đúng tinh thần luật quản lý nợ công.
Đại biểu Lê Thị Công: "Hiện nay nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp, nợ công tăng cao nhưng Bộ tài chính vẫn báo cáo là nợ công an toàn - đề nghị Bộ trưởng trả lời rõ liệu nợ công có thực sự an toàn hay không? - Ảnh: Việt Dũng |
Về câu hỏi: "Vay để đảo nợ tác động đến nợ công thế nào?", Bộ trưởng Bộ Tài chính nói: Vay đảo nợ nếu không phát sinh nghĩa vụ mới, nếu lãi thấp hơn thì ta còn được lợi. Nhìn chung vay để đảo nợ không ảnh hưởng nợ công. Vấn đề là làm sao huy động được vốn trong thời gian tới, để được vay vốn với thời hạn dài hơn, giải pháp tái cơ cấu nợ công là giải pháp quan trọng
Theo Bộ trưởng, thời gian tới Bộ cũng sẽ tiếp tục đánh giá, giám sát việc quản lý tiền vay trong, ngoài nước - đó là vấn đề đại sự để phòng ngừa tối đa chống lãng phí, chống đầu tư dàn trải không hiệu quả.
* Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) chất vấn: đề nghị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng làm rõ nợ công trên có tính cả khoản vay do bảo lãnh nợ của Chính phủ cho DN nhà nước không? Bộ trưởng trả lời cụ thể về khoản nợ hiện nay của hai tập đoàn Vinashin và Vinalines? Chính phủ có phải đứng ra để trả nợ thay cho hai tập đoàn này hay không?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói: "Bài học từ nhiều quốc gia, kể cả quốc gia phát triển thì khi cần thiết Chính phủ cũng can thiệp vào tài chính của các doanh nghiệp lớn, như tại Anh, Mỹ thì Chính phủ cũng can thiệp vào khi cần thiết".
Bộ trưởng cho biết đã cấp bảo lãnh Chính phủ để phát hành trái phiếu tái cơ cấu lại nợ của Vinashin, việc này thực hiện trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp lý về cấp và bảo lãnh nợ của Chính phủ. Việc xử lý nợ cũng chỉ trong giới hạn phạm vi số nợ của công ty mẹ tập đoàn Vinashin và 8 công ty con.
Số liệu nợ cũng đã được đối chiếu, rà soát kỹ lưỡng, kết quả là giảm 70% nghĩa vụ nợ của Vinashin. Về số liệu cụ thể thì nếu đại biểu cần thì sẽ trao đổi chi tiết lại.
Bộ trưởng cũng cho biết nợ công báo cáo trên đã bao gồm phần bảo lãnh của Chính phủ cho doanh nghiệp vay.
"Tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia"
* Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) chất vấn: Chiến lược tài chính đến năm 2020 có đặt ra bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2015 ở khoảng 0,5% GDP, thực tế các năm vừa qua đã cao hơn mức 0,5% GDP. Đã tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia và an toàn nợ công vì bội chi không chỉ dành cho đầu tư mà còn để trả nợ. Xin Bộ trưởng cho biết khả năng hiện thực hóa chiến lược tài chính đến năm 2020, nếu khó khăn thì định hướng ngân sách nhà nước trong thời gian tới như thế nào?
Vấn đề thứ hai ông Minh nêu: công tác quản lý thu thuế hiện nay còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho ngân sách. Tình trạnh nợ đọng thuế còn lớn. Thực tế thời gian gần đây doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến việc thu thuế. Tuy nhiên tình hình này đã kéo dài nhiều năm và năm nào cũng đề ra giải pháp khắc phục. Xin cho biết nguyên nhân chính ở đâu? và Bộ trưởng có giải pháp đặc biệt nào để sớm khắc phục tình trạng này?
-Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đúng là mục tiêu giảm bội chi của chúng ta đặt ra là giảm còn 4,5% bội chi, đến giai đoạn 2015-2020 là 4%. Tuy nhiên những năm qua tài chính của chúng ta khó khăn, yêu cầu chi tiêu lớn, đặc biệt là chi tiêu cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trong khi thu ngân sách khó khăn thì việc tăng bội chi là không tránh khỏi. Việc tăng bội chi này là cần thiết, Chính phủ cũng đã có báo cáo Quốc hội thông qua. Tăng bội chi là để đáp ứng cấp bách. Vừa phải tính vấn đề cấp bách, vừa phải lo cho dài hạn, lâu dài. Năm 2013 bội chi 5,3% và 2014 Quốc hội cũng đã cho phép là 5,3%.
Hiện chúng ta đang điều hành kinh tế theo chỉ tiêu là tăng bội chi 5,3%.
Những năm tới yêu cầu thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là chi tiêu thường xuyên, nâng cao hiệu quả kinh doanh là yêu cầu cấp bách, làm sao dành tiền đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo.
Đặc biệt là dành tiền để đáp ứng yêu cầu quốc phòng an ninh trong tình hình mới
* Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu vấn đề: Báo cáo thu chi ngân sách vừa qua nêu rõ khả năng hụt thu khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng, nhưng kết quả thu năm 2013 lại vượt 6.000 tỉ đồng so với dự toán và tăng 31,2 nghìn tỉ đồng so với báo cáo trước quốc hội. Xin Bộ trưởng cho biết đây là thành tích hay thiếu sót? Nguyên nhân và giải pháp để xây dựng dự toán thu sát với thực tế.
Qua một năm được Quốc hội phê chuẩn là Bộ trưởng Bộ tài chính, chèo lái con thuyền ngân sách quốc gia trong thời kỳ đầy khó khăn, Bộ trưởng đã tiếp thu và rút ra những bài học quý giá nào từ các vị Bộ trưởng tiền nhiệm để đề ra giải pháp đột phá đảm bảo ngân sách cho kinh tế - xả hội và Quốc phòng an ninh, đồng thời khắc phục 3 căn nợ cố hữu: nợ công, nợ đọng thuế và nợ bình ổn giá?
* Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai): chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính 2 vấn đề.
Thứ nhất là về việc chậm giải ngân vốn đầu tư, nhiều dự án đầu tư dở dang. Thứ hai là việc Cổ phần hóa doanh nghiệp: Chính phủ đã chỉ đạo kiên quyết về cổ phần hóa đến 2015, "nếu anh không làm thì nhường chỗ cho người khác" nhưng sao đến nay vẫn chậm?
Sao Bộ không tham mưu cho Chính phủ có những biện pháp chế tài đối với việc chậm trễ này?
- Bộ trưởng Bộ Tài chính: về việc chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bộ trưởng Bộ Tài chính nói với trách nhiệm của Bộ được giao, Bộ đã tham mưu hoàn chỉnh nhiều văn bản pháp luật để hoàn thiện các hướng dẫn. Việc chậm trễ còn có nguyên nhân về cơ chế phối hợp giữa người đứng đầu các bộ ngành và địa phương.
Nếu có việc phối hợp chặt chẽ: như việc phối hợp giữa Bộ tài chính với Bộ GTVT thì tiến độ cổ phần hóa rất nhanh.
Quản lý giá xăng còn nhập nhằng, thiếu minh bạch
* Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) chất vấn về vấn đề quản lý giá xăng còn nhập nhằng, thiếu minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm trong thời gian qua. Theo bà Nga, bà đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này nhưng các Bộ đều đổ cho nghị định 84. "Cách sửa nghị định này cũng khó hiểu, nhập nhằng, gây nên tình trạng Bộ công thương vừa đá bóng vừa thổi còi. Trách nhiệm của Bộ công thương và Bộ tài chính về vấn đề này như thế nào?" - bà Nga hỏi.
Đại biểu Nga cũng muốn chuyển câu hỏi này đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Ảnh: Việt Dũng |
Vấn đề thứ hai đại biểu Lê Thị Nga đề cập đến là việc EVN đưa chi phí quản lý, vận hành, nhà ở vào giá điện, điều này rất thiếu minh bạch, Bộ trưởng đánh giá ra sao và có hướng xử lý vấn đề này như thế nào?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: "Tại sao lại chuyển việc điều hành giá xăng từ Bộ Tài chính chủ trì sang Bộ Công thương chủ trì, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính đây cũng là điều bình thường".
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì tham gia việc sửa nghị định 84. Và gần đây nhất, vào ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nghe lại nghị định 84 sửa đổi và Thủ tướng đã có kết luận.
Bộ Tài chính và Bộ công thương sẽ kết hợp sửa đổi lần cuối nghị định này và trong thời gian ngắn, nghị định 84 sửa đổi sẽ được ban hành, trong đó điều rất quan trọng là rút ngắn chu kỳ tính giá cơ sở, càng ngắn thì càng sát thị trường. Ngày xưa tính giá trong vòng 30 ngày, bây giờ sẽ đề xuất 15 ngày. Giữa 2 lần tăng giá ngày xưa là 15 ngày, bây giờ đề xuất 10 ngày.
Chúng ta mạnh dạn, để doanh nghiệp tự định giá xăng tính giá cơ sở theo hướng dẫn của Nhà nước.
Trong thời gian qua, đã xuất hiện yếu tố cạnh tranh trên thị trường xăng dầu và càng cạnh tranh thì người tiêu dùng càng được hưởng lợi.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi nghị định 84 là cần thiết và cần mềm dẻo, sát với thị trường càng tốt.
Trả lời đại biểu Lê Thị Nga về giá điện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay Thủ tướng chính phủ có giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Xây dựng rà soát lại chi phí xây dựng nhà ở, nhà quản lý vận hành của ngành điện và ra hướng dẫn cụ thể báo cáo Thủ tướng.
Cả ba Bộ đã xem xét, có văn bản báo cáo thủ tướng như sau:
Về chi phí khấu hao của nhà khách chuyên gia, nhà quản lý vận hành hệ thống điện, nhà ở cho người lao động tại các nhà máy điện, Các Bộ đề nghị hướng dân đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh của điện.
Nhà ở trực tiếp cho người lao động có thu tiền thuê nhà, số tiền thu được sẽ hạch toán giảm chi phí giá thành điện.
Chi phí khấu hao của nhà đơn lập, nhà song lập, nhà chung cư... mà EVN cho các hộ gia đình người lao động tại nhà máy điện thuê để sử dụng không được hạch toán đưa vào chi phí kinh doanh điện.
* Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Quy định của nghị định 209 và thông tư 219 về miễn thuế VAT đối với một số sản phẩm trồng trọt (rau, trà...), chăn nuôi chưa qua chế biến khiến các địa phương khu vực Tây nguyên, trong đó có Lâm Đồng thất thu ngân sách?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trước thời điểm 1-1-2014, sản phẩm trồng trọt chăn nuôi, hàng nông lâm thủy sản chưa qua chế biến... không thuộc đối tượng nộp thuế VAT, bán ra ở khâu kinh doanh thì thuộc đối tượng chịu thuế VAT 5%. Có tình trạng là nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc này khi mua sản phẩm của nông dân, mua bán lòng vòng hưởng hoàn thuế của nhà nước.
Qua thanh tra kiểm tra, Bộ đã phát hiện, kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định 209 thay đổi quy định. Nếu tỉnh về tổng thể thì thống kê năm nay các địa phương có thể hụt thu thuế khoảng 8.000 tỉ đồng. Nhưng trung ương lại không phải chi khoản hoàn thuế này ra nên chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ về việc này, sẽ báo cáo đưa vào ngân sách hàng năm, cân đối cho địa phương.
Vừa qua chúng đã xử lý cho Bình Phước, Đồng Tháp, Cà Mau, đảm bảo cho địa phương có đủ kinh phí chi tiêu theo dự toán.
Chất vấn về 4 "món nợ" Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói nội dung chất vấn tại kỳ họp lần này sẽ tập trung vào 4 vấn đề nóng cũng chính là 4 "món nợ" của nhà nước hiện nay. Theo chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã có 194 câu hỏi của 60 ĐBQH ở 37 đoàn ĐBQH gửi tới Chủ tịch nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị trưởng ngành chất vấn về các vấn đề nóng hiện nay. Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng, đó là 4 món nợ: Nợ công, nợ thu ngân sách; Món nợ về việc làm, giáo dục; Nợ về văn bản, các hướng dẫn giải quyết cho tốt và nợ về các biện pháp cần thiết đấu tranh phòng chống tiêu cực lãng phí hiện nay. Đó là tất cả những đang còn là những vấn đề nóng, tương ứng với các đại biểu được chất vấn gồm: Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp và Tổng thanh tra Chính phủ. Nội dung chất vấn theo 4 nhóm: - Về vấn đề tài chính (nợ xấu, nợ ngân sách) - Vấn đề quốc sách hàng đầu, giáo dục, đào tạo... - Về đổi mới thể chế, cải cách thể chế - là vấn đề đột phá mà Đảng đề ra, cần thiết cho đất nước: sửa đổi Hiến pháp, luật, nghị định... Nhưng hiện nay còn vấn đề gì chưa đạt. - Khiếu nại khiếu kiện tồn đọng, những giải pháp cần thiết để tranh tra kiểm tra đấu tranh phòng chống thất thoát lãng phí tiêu cực. Phiên chất vấn diễn ra 2 ngày rưỡi. Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Trưởng Ban Dân nguyện của ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đang trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận