Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại cuộc họp thứ ba của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC) vào ngày 4-8-2021 - Ảnh: APEC
Hôm nay (8-11), Tuần lễ cấp cao APEC chính thức bắt đầu tại New Zealand tập trung thảo luận hai nội dung chính là triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch, trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch COVID-19.
Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, vừa
Để phục hồi bao trùm và bền vững, không thể bỏ qua hay xem nhẹ sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Các MSME được ví như những mao mạch của nền kinh tế, chiếm hơn 97% số doanh nghiệp trong khu vực APEC, sử dụng hơn 60% lực lượng lao động và đóng góp từ 40 đến 60% tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nền kinh tế.
Đây cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch COVID-19 do giãn cách xã hội hay phong tỏa dài ngày.
Trong cuộc họp trực tuyến các quan chức APEC phụ trách nhóm MSME vào đầu tháng 10 năm nay, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhỏ của New Zealand, Stuart Nash, nhấn mạnh MSME như những nhà máy phát điện của nền kinh tế và xã hội.
"Họ đoàn kết các cộng đồng của chúng ta. Sự tồn tại và khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ sau đại dịch này là rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế bền vững và duy trì sự gắn kết của các cộng đồng của chúng ta" - ông Nash nói.
Trong tuyên bố sau cuộc họp các bộ trưởng MSME mới đây, số hóa được xác định là một công cụ cần thiết để hồi phục hiệu quả kinh tế, đặc biệt đối với MSME, và không còn là một tùy chọn cho các doanh nghiệp trước đại dịch.
Theo Bộ trưởng Nash, dư địa hồi sinh và tăng trưởng kinh tế là rất nhiều nếu các nền kinh tế APEC xây dựng được các chính sách mang lại cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người, bao gồm phụ nữ, người bản địa và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Bởi vì khi tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng bao trùm, chúng ta sẽ mở ra tiềm năng kinh tế chưa được khai thác.
APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, chiếm 60% GDP và 48% kim ngạch thương mại toàn cầu - Dữ liệu: DUY LINH - Nguồn: APEC 2021 New Zealand
Ngoại giao thời số hóa
Do đại dịch COVID-19, vào tháng 6-2020, New Zealand thông báo sẽ chuyển tất cả các sự kiện của APEC 2021 sang hình thức trực tuyến, bao gồm cả hội nghị cấp cao APEC trong hai ngày 11 và 12-11. Việc đảm bảo APEC có thể tiếp tục họp và hoạt động trong thời điểm toàn cầu gián đoạn vì COVID-19 cho thấy sự nỗ lực lớn của New Zealand.
APEC 2021 đặt ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để New Zealand đi tiên phong trong lĩnh vực ngoại giao kỹ thuật số. Trong hơn 1 năm qua, hàng trăm cuộc họp và sự kiện đã được tổ chức thành công và đạt kết quả thực chất với sự tham dự của quan chức 21 nền kinh tế trải rộng trên 11 múi giờ.
Đặc biệt trong số này phải kể đến cuộc họp đặc biệt các nhà lãnh đạo APEC bàn về COVID-19 với các giải pháp tăng cường hợp tác vượt qua khủng hoảng y tế, góp phần củng cố hình ảnh của APEC nói chung.
Các nhà tổ chức APEC đã làm việc với Microsoft cho phần kỹ thuật trong các cuộc họp, đảm bảo mọi khoảnh khắc quan trọng đều không bị bỏ sót. Một số công nghệ đã được Microsoft sử dụng tiên phong tại Hội chợ điện tử tiêu dùng (CES) ở Las Vegas (Mỹ) vào đầu năm nay.
CES 2021 là triển lãm công nghệ lớn nhất thế giới và diễn ra theo hình thức kỹ thuật số 100% do dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận