Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1-2023 đạt trên 871.000 lượt người, tăng 23,2% so với tháng 12-2022.
Trong đó, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu thị trường khách quốc tế tới Việt Nam với 258.946 lượt người, chiếm gần 1/3 lượng khách quốc đến Việt Nam trong tháng đầu năm
Đứng thứ 2 là khách đến từ Mỹ với ước đạt 77.897 lượt người. Nguồn khách từ thị trường này tăng vọt nhờ lượng kiều bào về quê ăn Tết đông đảo.
Thái Lan là thị trường cung cấp nguồn khách quốc tế lớn thứ 3 của Việt Nam với ước đạt 54.985 lượt người.
Theo Tổng cục Thống kê, với con số trên, khách quốc tế đến Việt Nam tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ tháng 1-2019 vẫn giảm 42%, là năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa từ ngày 8-1 song lượng khách từ quốc gia này tới Việt Nam trong tháng 1 vẫn khiêm tốn, ước đạt 15.875 lượt người.
Khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm đa số với 91,9%; bằng đường bộ chiếm 7,5% và đường biển chiếm 0,6%...
Cũng theo thống kê, doanh thu du lịch lữ hành tháng 1-2023 ước đạt 2.200 tỉ đồng, tăng 113,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam thời gian tới có thể còn nhiều thay đổi khi thị trường Trung Quốc phục hồi, Nhật Bản bắt đầu nới lỏng hơn các hoạt động đi lại, đặc biệt hoạt động kết nối giao thương, đầu tư nhộn nhịp trở lại.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cho rằng trong năm 2023, đối với du lịch quốc tế, mảng khách inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) vẫn còn nhiều thách thức.
Mục tiêu của ngành trong năm 2023 cũng chỉ là 8 triệu khách quốc tế, bằng 45% so với cùng kỳ 2019.
Với mảng khách outbound tập trung chính vẫn là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, do giá thành không tăng cao, nhiều đường bay được khai thác trở lại và chính sách visa tương đối thông thoáng hơn.
"Trong năm 2023 ngành du lịch cũng đan xen nhiều thuận lợi và khó khăn. Chúng tôi kỳ vọng nhiều chính sách mới được ban hành hỗ trợ ngành du lịch cất cánh sau nhiều năm gặp khó", bà Hoàng chia sẻ.
Các chuyên gia cũng cho rằng thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng, tiện lợi cho du khách thì mới tăng được tính cạnh tranh điểm đến Việt Nam.
Ngoài ra, các chương trình quảng bá điểm đến, xúc tiến thị trường cũng cần được thiết kế lại, hoàn thiện các sản phẩm du lịch, quản lý tốt các điểm du lịch. Đặc biệt những hình ảnh ở cửa ngõ sân bay, cửa khẩu cần phải cải thiện, thân thiện hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận