Thống kê GDP bình quân đầu người tại một số thành phố thường xuyên bị kẹt xe |
The World Atlas liệt kê các thành phố trên thế giới bị kẹt xe: Los Angeles (Mỹ) có GDP bình quân đầu người là 62.000 USD, Mexico City (Mexico) là 20.000 USD, Moscow (Nga) là 18.000 USD, Recife (Brazil) là 16.000 USD, Bangkok (Thailand) là 16.000 USD, Chengdu (Trung Quốc) là 13.000 USD.
Tại sao người dân phải ra đường?
TP.HCM và Hà Nội chưa được The World Atlas nghiên cứu. Thế nhưng, ai cũng thấy cả hai thành phố này đều đang bị kẹ xe nghiêm trọng. Trong khi đó, thống kê năm 2016 cho thấy TP.HCM có GDP bình quân là 5.300 USD, con số này của Hà Nội là 3,500 USD.
Nhiều người tặc lưỡi rằng dẫu kẹt xe mà giàu có, thu nhập cao thì còn cố mà chịu đựng. Nhưng sống chung với kẹt xe mà nghèo thì chắc chắn phải phải thay đổi thôi.
Nói vậy không phải các thành phố lớn trên thế giới chấp nhận sống chung với kẹt xe. Họ đã và đang áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm kẹt xe.
Trong khi đó, rõ ràng nếu so với các thành phố được The World Atlas liệt kê, người dân TP.HCM và Hà Nội có thu nhập bình quân thấp hơn nhiều. TP.HCM và Hà Nội không thể không thực hiện đồng loạt các biện pháp giải quyết nạn kẹt xe.
Để giải quyết vấn nạn này, thử tìm câu trả lời cho câu hỏi có vẻ hơi dư thừa nhưng lại không thừa: "Tại sao người dân chạy xe gắn máy ra đường?"
Tại TP.HCM và Hà Nội, từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối, lúc nào dòng xe gắn máy cũng chạy liên tục. Và có có vô số lý do để người dân ra đường. Bởi người dân phải ra đường để đi làm, đi buôn bán, làm ăn, chở con đi học hoặc học sinh chạy xe đi học, Người dân đi làm giấy tờ hành chánh, Người dân đi ngân hàng, chi trả hóa đơn, đi chợ, siêu thị và thậm chí rất nhiều người đi uống cà phê, đi nhậu...
Đó chỉ là một số lý do ngươi dân đi ra đường. Nếu có các cuộc khảo sát thì sẽ thu thập nhiều lý do và từ đó thành phố sẽ có giải pháp cho từng lý do riêng biệt.
Có muôn vàn lý do mà người dân Việt Nam phải phóng xe gắn máy ra đường - Ảnh: T.L |
Không có xe gắn máy, đi bằng cái gì?
Vì có quá nhiều lý do buộc người dân ra đường như vậy nên khi nghe đến việc cấm xe gắn máy, phần lớn người dân đều cảm thấy bất an. Nhưng nếu chính quyền có giải pháp đồng bộ, chính sách hợp lý và truyền thông hiệu quả, chắc hẳn mọi người sẽ nhìn thấy vấn đề.
Ở các thành phố lớn trên thế giới, người ta đã áp dụng một số cách rất hiệu quả để kéo giảm nạn kẹt xe.
Phương tiện công cộng xe buýt, tàu điện. Nếu hỏi người dân ở New York tại sao không sắm chiếc xe ôtô, câu trả lời sẽ là: "Điên hả"!
Có xe sẽ tăng thêm chi phí trong cuộc sống và mất nhiều thời gian quanh việc chiếc xe. Khi nào cần xe để đi chơi hay đi công tác, họ thuê xe.
Một khi phương tiện công cộng của thành phố phát triển thì mọi người sẽ sử dụng. Trong cuộc sống hiện đại, từ từ người dân sẽ từ bỏ quan niệm “sở hữu tài sản”. Từ đó, cuộc sống trở nên linh hoạt và thực tế hơn.
Ði bộ. Người làm việc tại các thành phố lớn ở Mỹ như New York, Boston, Chicago, Washington DC, Los Angles, Seattle... trung bình mỗi ngày người ta đi bộ 20-30 phút tương đương 2-3km.
Quan sát người dân ở VN, tôi thấy rất ít người đi bộ. Có việc gì là leo lên xe gắn máy chạy cái vèo cho dù cách đó có 100m. Nhìn từ góc độ sức khoẻ, đi bộ là tuyệt vời cho cơ thể con người.
Dịch vụ thuê xe. Ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, nhà không có chỗ để xe, chi phí cho chiếc xe cao nên ít người sở hữu xe. Chính vì thế dịch vụ thuê xe rất phát triển để phục vụ cho người dân.
Xe đưa rước học sinh. Thành phố cần khuyến khích sự ra đời các công ty xe buýt chuyên đưa đón học sinh. Chúng ta có thể phân định số giờ học cho từng cấp. Như vậy thì các công ty xe buýt sẽ vận hành liên tục cả ngày.
Bớt đi làm giấy tờ hành chánh. Thành phố cần thay đổi thủ tục hành chánh giấy tờ sang hành chánh điện tử. Người dân có thể trực tiếp làm tại nhà hay cơ quan mà không phải chạy ra đường.
Bớt đi ngân hàng, chi trả hóa đơn. Dịch vụ ngân hàng khuyến khích người dân sử dụng ngân hàng trực tuyến cho các dịch vụ ngân hàng, người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến để chi trả các hóa đơn, và người dân thực hiện tại nhà hoặc trên cơ quan.
Bớt đi bệnh viện, phòng mạch. Thành phố phát triển chương trình “bệnh viện thông minh” để tư vấn và khám bệnh trực tuyến. Như vậy người dân sẽ tự khám bệnh ở nhà hoặc trên cơ quan mà không cần đến bệnh viện hay phòng mạch.
Bớt đi uống cà phê và đi nhậu. Đi nhiều thành phố ở Mỹ và thế giới, tôi chưa thấy thành phố nào có nhiều quán cà phê và quán ăn, nhậu như TP.HCM và Hà Nội. Đáng chú ý là lúc nào quán cũng đông người. Cần có chính sách đánh thuế bia rượu phù hợp để hạn chế nhậu nhẹt, vừa giảm kẹt xe vừa giảm tai nạn giao thông
Giữ người ở nhà. Thành phố cần nghiên cứu và phát triển các chương trình để giữ người dân ở nhà.
Ðọc sách là một trong những cách đó. Học sinh THPT Việt Nam trung bình đọc sách mỗi năm 2-3 quyển. Trong khi đó, học sinh Mỹ đọc trên 100 quyển. Nền tảng giáo dục Mỹ và phương Tây là đọc sách, viết, tư duy phản biện. Phụ huynh hãy dành thời gian cà phê, nhậu để ở nhà đọc sách cùng con. Sinh hoạt này sẽ mang lại hạnh phúc cho vô số gia đình Việt Nam.
Chương trình truyền hình. Chương trình truyền hình giải trí đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân người dân ở nhà. Chương trình truyền hình Việt Nam hiện nay chưa đủ hay để thu hút khán giả ngoài trừ vài chương trình trong khung giờ vàng.
Tổng thống John F. Kennedy từng nói: “Ðừng bao giờ hỏi đất nước làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước”. Cảm nhận được câu nói này, chúng ta sẽ thấy vai trò của người dân và nhà nước trong việc giải quyết nạn kẹt xe. Cả người dân và nhà nước cần hành động và hy sinh trong những cố gắng hàng ngày, để hướng đến việc xây dựng một thành phố văn minh, mà chúng ta và con cháu chúng ta sau này sẽ được hưởng. |
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả qua ô bình luận bên dưới hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận