Những ngày cuối tháng 7-2023, phóng viên Tuổi Trẻ đi dọc nhiều đoạn trên kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải tại 4 địa phương gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương ghi nhận tình trạng "đầu độc", lấn chiếm lòng kênh thủy lợi…
Dòng nước đen kịt đang đổ thẳng ra kênh Bắc Hưng Hải
Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải rất quan trọng, phục vụ đa mục tiêu đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua đã trở thành "kênh nước thải", bị ô nhiễm trầm trọng.
Một thực trạng là nhiều cống nước thải sinh hoạt, cụm làng nghề, cơ sở chăn nuôi đang nhuộm đen kênh Bắc Hưng Hải.
Cả chục năm nay, một dòng nước đen kịt, nồng mùi hôi thối ở sông Cầu Bây (huyện Gia Lâm, Hà Nội) - là một trong những sông, mương ô nhiễm nặng - chảy thẳng ra kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.
"Khoảng hơn 30 năm trước người dân vẫn tắm giặt, bắt tôm cá ở khúc sông Cầu Bây này nhưng đến nay những gia đình ở cạnh luôn phải đóng kín cửa sổ vì không thể ngửi nổi mùi nước sông hôi thối.
Nước đen đặc như thế này khó có sinh vật nào có thể sống được. Ô nhiễm lâu quá rồi người dân cũng chẳng biết phải kêu ai..." - ông Lanh (thôn Xuân Thụy, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết.
Ngày 29-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Xuân Chính - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết toàn bộ kênh có chiều dài 232km chảy qua nhiều địa phương.
Công ty ông được giao quản lý trục chính từ cống Xuân Quan (Hưng Yên) về đến huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) có chiều dài khoảng 70km, các đoạn kênh còn lại 4 địa phương có trách nhiệm quản lý.
Theo đơn vị khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hằng ngày hệ thống này vẫn phải tiếp nhận "bất đắc dĩ" nước thải từ các khu dân cư, cơ sở sản xuất... Hiện nay nhiều đoạn kênh dài hàng km nước đen đặc, nồng mùi hôi thối. Ngoài ra, một số khu vực không thể sử dụng nước cho hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…
Mùa khô nguồn nước ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng nước xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 439.000m3/ngày đêm.
Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 317.300m3/ngày đêm và hầu hết chưa qua xử lý. Nước thải từ các khu công nghiệp khoảng 71.155m3/ngày đêm đều được thu gom, xử lý tập trung.
Nước thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở chăn nuôi hầu hết đều xả trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải.
4 năm qua (2018 - 2022) các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường đã kiểm tra 835 cơ sở xả nước thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền khoảng 25,7 tỉ đồng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2022 đến nay, lực lượng công an đã tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý 562 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống Bắc Hưng Hải với tổng số tiền 19,2 tỉ đồng.
Lập danh sách 405 điểm xả nước thải chính với lưu lượng 5m3/ngày đêm trở lên và lập hồ sơ quản lý, theo dõi 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn, gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế cho thấy hiện nay hệ thống Bắc Hưng Hải tiếp tục xảy ra hiện tượng bồi lắng lòng chảy, lấn chiếm lòng sông, xả rác, chất thải xuống sông vẫn tái diễn, gây nên ách tắc dòng chảy.
Trong khi đó, những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải thiếu, do mực nước sông Hồng tại cống Xuân Quan (Hưng Yên) xuống thấp hơn mức thiết kế.
Bởi vậy theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, những tháng mùa khô hệ thống Bắc Hưng Hải hoàn toàn chỉ là kênh dẫn lưu chuyển nước thải từ hoạt động dân sinh, công nghiệp trong vùng xả ra, làm việc ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn.
Hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận những ngày cuối tháng 7-2023:
Không đùn đẩy trách nhiệm
Trước đó, ngày 25-7, làm việc về kết quả xử lý ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường phải có tính liên hợp, liên quan đến hệ thống sông nhánh, vì vậy cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định thống nhất, không đùn đẩy trách nhiệm.
Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chịu trách nhiệm chủ trì, điều phối, các biện pháp, giải pháp tiếp cận phải mang tính tổng thể, không giới hạn trong một địa phương khi xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ở hệ thống kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Ngoài ra, theo Phó thủ tướng, quá trình khắc phục ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cho thấy luật pháp, cơ chế, chính sách đã đầy đủ nhưng cần nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm, hiệu quả thực thi pháp luật của các cấp, ngành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận