Trở lại thăm lão nông Hai Chìa, tức ông Lê Văn Chìa (76 tuổi, ở ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), ai cũng xót xa cảnh đàn chim, cò, còng cọc, cò nhạn quý hiếm… ngày càng ít đi vì tình trạng săn bắn, tiêu diệt bằng đủ kiểu.
Ngày trở lại đây, tôi mới biết bà Lê Thị Thôi - người bạn đời suốt 18 năm đồng hành với ông bảo vệ đàn chim cò - đã không còn nữa. Bà qua đời đã hơn nửa năm do căn bệnh ung thư đại tràng.
Ông Hai Chìa kể, lúc bà Thôi phát bệnh nặng, ông phải bỏ nhà, bỏ vườn chim trời lên TP Cần Thơ chăm sóc. "Ở nhà, kẻ gian ngày đêm vào vườn bắn phá tan hoang. Thỉnh thoảng về thăm thấy xác chim nằm la liệt", ông nói.
Cách đây hơn 1 tháng, tới lượt ông Hai Chìa phát bệnh, phải đến bệnh viện mổ nhiều ngày. Và đàn cò nhạn lại một lần nữa bị kẻ gian tàn sát không thương tiếc.
Thắp cho bà Thôi nén hương, tôi theo chân ông Hai Chìa ra thăm vườn. Nơi đây vẫn là một vẻ hoang sơ, như một góc rừng U Minh giữa lòng đồng bằng. Tiếng chim cò vẫn kêu gọi nhau nhốn nháo vì thấy người lạ.
Ngày xưa, khu vườn của vợ chồng ông trồng đủ các loại cây ăn trái. Khi thấy đàn chim trời về đây trú ngụ, ông bàn bạc và thuyết phục vợ mình bỏ luôn 25 công đất cho "những đứa con tinh thần".
Ban đầu, khi kẻ gian vào săn bắn, ông Hai Chìa chế sợi dây cột vào lon sữa bò để báo động, làm chòi ra nằm canh giữ ngày đêm. "Nhiều lúc săn bắn dữ quá, tôi hỏi vợ còn bao nhiêu tiền. Bả nói gia tài còn 9 chỉ vàng, tôi đem bán hết lấy tiền làm hàng rào. Nhưng kẻ gian vẫn phá tiếp", ông Hai Chìa nói thêm.
Thương lão nông vất vả, nhiều người yêu quý chim trời đã bỏ tiền túi ra giúp ông xây hàng rào hai lớp, hai vòng kẽm gai. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa bảo vệ được đàn cò nhạn. Theo chân ông, cứ đi một đoạn lại thấy xác chim, cò… bị bắn chết, hoặc dính bẫy kẹp chân.
"Con nào quý hiếm, tôi đem vào nhà phơi xác trên những cành cây khô để ngắm nhìn mỗi khi thương tiếc cho sinh mạng chúng. Có lúc tôi phát hiện người lạ vào bắn chim, chạy ra đuổi thì bị bọn họ bắn đạn bi sắt vào đầu", ông Hai Chìa bức xúc.
Khu vườn của lão nông hiện có hàng nghìn con chim, cò, còng cọc các loại. Riêng cò nhạn, hay còn gọi là cò ốc, tên khoa học là Anastomus oscitans, thuộc họ Diệc, bộ Hạc, cực kỳ quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam, hiện còn khoảng 200 con.
Ông cho biết thêm, vào mùa mưa cò nhạn sẽ kéo về đông hơn, đỉnh điểm lên đến khoảng 4.000 con mỗi ngày. Lãnh đạo UBND huyện Trà Ôn cho hay thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền, cử lực lượng công an tuần tra chống săn bắt.
Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long cũng ban hành nghị quyết xác định khu vườn của ông Hai Chìa là "khu bảo tồn đa dạng sinh học, cấm săn bắt". Tuy nhiên, kẻ gian vẫn không buông tha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận