17/10/2018 15:30 GMT+7

K-pop của Hàn Quốc chỉ là một sản phẩm ‘chiếm dụng văn hóa’?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nền âm nhạc K-pop của Hàn Quốc được tạo ra y như cách một chiếc xe hơi được sản xuất: Có công nghệ của nước ngoài và óc sáng tạo nội địa. So sánh này cho thấy bản chất của vấn đề ‘chiếm dụng văn hóa’ trong nền âm nhạc đại chúng ở Hàn Quốc.

K-pop của Hàn Quốc chỉ là một sản phẩm ‘chiếm dụng văn hóa’? - Ảnh 1.

BTS thường bị cáo buộc ‘chiếm dụng văn hóa’, nhưng trong một bức tranh rộng hơn, nó phản ánh văn hóa vay mượn của Hàn Quốc - Ảnh: SCMP

"Chiếm dụng văn hóa" (tiếng Anh: cultural appropriation) là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Các nhóm nhạc K-pop của Hàn Quốc như BTS hiện nay dường như sao chép không ít từ phương Tây và châu Á, từ phong cách âm nhạc cho tới nét diễn, cách ăn mặc...

Vậy K-pop có đang chiếm dụng văn hóa hay họ chỉ mượn cảm hứng và đang cải thiện các xu hướng ngoại quốc? Và điều này có khác gì với việc lấy công nghệ nước ngoài về và tự cải tiến?

Chiếm dụng văn hóa và sự "khởi hành" tại Hàn Quốc

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, tại khu vực châu Á, hầu hết các chỉ trích liên quan tới vấn đề chiếm dụng văn hóa thường nhắm vào những ai vay mượn văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản để thu lợi ích thương mại. Tuy nhiên, âm nhạc đại chúng tại Hàn Quốc cũng là một đối tượng đặc biệt thường được đem ra bàn luận.

Các ngôi sao đình đám như Bi Rain, CL, và Keith Ape từng dính các lùm xùm xoay quanh chiếm dụng văn hóa khi lồng các yếu tố của âm nhạc Phi - Mỹ vào màn biểu diễn của mình.

MV ‘Lifted’ (2016) của CL từng hứng nhiều chỉ trích về ‘chiếm dụng văn hóa’

Trong vài thập niên trước, hàng chục nghệ sĩ từ ông vua nhạc rock and roll Elvis Presley cho tới rapper nổi tiếng Vanilla Ice đã từng đối diện với các cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, những chỉ trích dường như được đưa ra mà không có sự đánh giá toàn diện.

Thật ra có rất nhiều nghệ sĩ đã nỗ lực tránh đụng chạm tới việc vay mượn cảm hứng từ nền âm nhạc ngoại quốc cho tác phẩm của mình. Bởi lẽ, chiếm dụng văn hóa có thể được thực hiện một cách mượt mà, nhưng cũng có thể gặp phản ứng ngược. Được đón nhận và không được đón nhận luôn đi song hành.

Đối với Hàn Quốc, quốc gia Đông Á này đã nỗ lực tìm kiếm nguồn cảm hứng từ nước ngoài kể từ khi bắt đầu quá trình hiện đại hóa. Và tương tự nhiều khía cạnh văn hóa của Hàn Quốc nổi lên trong thập niên 1960 và 1970, K-pop vốn đã mang tiếng "có tính chiếm dụng".

Chẳng hạn nói về câu chuyện sản xuất ô tô ở Hàn Quốc. Mọi thứ bắt đầu với chiếc xe Sibal. Tên của chiếc ô tô, nghe như một từ chửi thề trong tiếng Hàn, hóa ra lại bắt nguồn từ thuật ngữ Hán-Hàn, có nghĩa là "khởi hành".

K-pop của Hàn Quốc chỉ là một sản phẩm ‘chiếm dụng văn hóa’? - Ảnh 3.

Sibal, hãng xe đầu tiên của Hàn Quốc - Ảnh: TWITTER

Là một biểu tượng của sự phát triển tại Hàn Quốc, chiếc xe hơi huyền thoại Sibal lại được "lai giống" với xe jeep của quân đội Mỹ để tạo ra những chiếc taxi màu xanh lơ hơi lòe loẹt.

Ở xứ sở kim chi, gần như mọi thứ đều là "con đẻ" của Sibal, khiến từ này trở thành một phép ẩn dụ hoàn hảo để nói về mọi loại hình đang thành công, từ tập đoàn Samsung, Kpop cho tới thời trang đường phố.

Việc chắp nối những phần tốt nhất của các công nghệ đã có cũng như những cái vốn đã phát triển ở nước ngoài, và từ đó tạo ra các phiên bản nội địa hiệu quả hơn đã là một công thức quen thuộc của một Hàn Quốc hiện đại.

Vậy K-pop là một sản phẩm như thế nào?

K-pop cũng như vậy. K-pop là một chiếc xe Sibal được lắp ráp thêm nhiều yếu tố của các nhóm nhạc phương Tây.

Donna Lee Kwon - giáo sư về âm nhạc dân tộc tại Đại học Kentucky (Mỹ) và là nhà nghiên cứu về âm nhạc đại chúng Hàn Quốc - đánh giá "việc chiếm dụng từ nhiều nguồn khác nhau, gồm hip-hop và R&B theo xu hướn dance Phi - Mỹ, là một phần cần thiết đối với K-pop kể từ thời Seo Taiji, người được xem là cha đẻ của K-pop hiện đại".

K-pop của Hàn Quốc chỉ là một sản phẩm ‘chiếm dụng văn hóa’? - Ảnh 4.

Nam ca sĩ Psy trong MV Gangnam Style - Ảnh: TWITTER

Khi các nhóm nhạc đình đám trong làng K-pop như BTS tiếp tục khuấy động thế giới, ta cần nhớ rằng họ chính là một phần của một dây chuyền công nghiệp ở Hàn Quốc, theo đó lấy những cái "đỉnh" của người khác và lồng vào những gì mình có để tạo ra một "đứa con" mới toanh.

'I NEED U' của BTS

Chẳng hạn, khi thưởng thức một số hit của BTS như I Need You thuộc thể loại R&B, người nghe sẽ bắt được những âm điệu mang hơi hám của các nhóm nhạc tiền bối như G.O.D. hay Jinusean.

Trong khi đó, cách bắn rap của nhóm đã được phổ biến hóa bởi New Kids on the Block - nhóm nhạc Mỹ được lập ra theo hình ảnh nhóm nhạc gia đình nổi tiếng The Jackson Five.

K-pop của Hàn Quốc chỉ là một sản phẩm ‘chiếm dụng văn hóa’? - Ảnh 6.

Nhóm nhạc gia đình nổi tiếng của Mỹ The Jackson Five - Ảnh: TWITTER

Cuối cùng, thứ cho phép K-pop không bị dính vào cái gọi là chiếm dụng văn hóa là bởi sự đánh giá công bằng. Cho đến nay, các ngôi sao K-pop chưa từng tuyên bố họ là người đã sáng tạo ra nhạc rap hay nói rằng mình xuất sắc hơn những người khởi thủy. Họ hoặc đang trình diễn theo một cái chuẩn cao hơn, hoặc đang tạo ra một làn gió mới.

PSY - GANGNAM STYLE

Đây là cách mà cách mà nam ca sĩ Psy, "cha đẻ" của điệu nhảy ngựa Gangnam Style, trở thành một rapper chất lừ. Psy không rap theo cách đọc truyền thống quen thuộc, mà anh làm riêng theo cách của mình.

Và BTS cũng như vậy, họ hòa trộn nhiều cái "đỉnh" vào màn trình diễn của mình. Một số người xem đó là "món lẩu thập cẩm", nhưng sự nổi tiếng toàn cầu hiện nay của BTS đã cho thấy đó là một món lẩu đặc sắc và đáng được khen ngợi.

SCMP nhận định chiếm dụng văn hóa đã đáp ứng tốt cho nhu cầu của Hàn Quốc và đó là một phần của bản sắc văn hóa hiện đại tại xứ kim chi.

Thần tượng K-pop chinh phục nước Mỹ: đã là chuyện thường ngày Thần tượng K-pop chinh phục nước Mỹ: đã là chuyện thường ngày

TTO - Mới đây, DJ người Hà Lan Rehab tiết lộ trước buổi diễn tại ZoukOut (Singapore): "BTS theo dõi Twitter của tôi nè".

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên