15/01/2022 17:41 GMT+7

Ít tử vong khi nhiễm COVID-19 nhờ một loại vi khuẩn đường ruột?

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học tại Đại học Nagoya (Nhật Bản) chỉ ra loại vi khuẩn collinsella bên trong đường ruột có thể đã giúp giảm số ca tử vong do COVID-19 ở Nhật Bản và một số nước khác.

Ít tử vong khi nhiễm COVID-19 nhờ một loại vi khuẩn đường ruột? - Ảnh 1.

Người đi đường đeo khẩu trang trên đường phố ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 15-1 - Ảnh: REUTERS

Theo báo Japan Times ngày 14-1, để làm sáng tỏ "yếu tố bí ẩn" giúp một số nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 thấp, các nhà khoa học thuộc Đại học Nagoya đã phân tích dữ liệu về 30 loại vi khuẩn đường ruột ở 953 người khỏe mạnh tại 10 quốc gia thông qua một cơ sở dữ liệu công khai.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích mối quan hệ giữa thành phần vi khuẩn đường ruột và tỉ lệ tử vong vì COVID-19.

Áp dụng mô hình học máy tiên tiến vào tháng 2-2021 - thời điểm vắc xin COVID-19 chưa phổ biến, các nhà khoa học phát hiện vi khuẩn collinsella có thể liên quan đến tỉ lệ tử vong do COVID-19.

Các nhà khoa học đã phân chia dữ liệu thành 5 loại hệ sinh thái vi khuẩn đường ruột. Họ so sánh chúng với tỉ lệ tử vong của 10 quốc gia và nhận thấy rằng người có lượng vi khuẩn đường ruột collinsella càng cao thì tỉ lệ tử vong vì COVID-19 càng thấp.

Nghiên cứu cho biết tại những nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 thấp như Hàn Quốc, Nhật Bản và Phần Lan, tỉ lệ collinsella trong số các loại vi khuẩn đường ruột thường ở mức cao, chiếm từ 34-61%.

Trong khi đó, tại các nước có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao như Bỉ, Anh, Ý và Mỹ, tỉ lệ collinsella trong các loại vi khuẩn đường ruột chỉ khoảng 4-18%.

"Tôi không nói rằng chỉ cần một loại vi khuẩn đường ruột nào đó có thể điều trị COVID-19. Mục đích của nghiên cứu này nhằm tìm ra bước đột phá trong điều trị bệnh và tìm ra một thứ gì đó liên quan yếu tố bí ẩn dẫn đến tỉ lệ tử vong thấp" - ông Masaaki Hirayama, phó giáo sư tại Đại học Nagoya và là trưởng nhóm nghiên cứu, lưu ý.

Phó giáo sư Hirayama giải thích vi khuẩn collinsella biến axit mật trong hệ tiêu hóa thành axit ursodeoxycholic, có khả năng ngăn virus SARS-CoV-2 bám vào thụ thể trên tế bào và ngăn "bão cytokine" (loại phản ứng quá mức của hệ miễn dịch có thể gây chết người).

"Trên thực tế, hầu hết người Nhật và người dân các nước châu Á khác có lượng vi khuẩn collinsella và lợi khuẩn bifidobacteria cao" - ông Hirayama nói.

Chiến lược bền vững trước COVID-19: Tiêm nhắc lại hay làm vắc xin mới? Chiến lược bền vững trước COVID-19: Tiêm nhắc lại hay làm vắc xin mới?

TTO - Trong khi các nước chạy đua tiêm mũi 3, thậm chí mũi 4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) lại bày tỏ sự hoài nghi với các mũi tăng cường và đưa ra những cảnh báo đáng chú ý.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên