23/06/2014 07:52 GMT+7

Iraq bất ổn, Kerry tới Trung Đông

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lên đường tới Trung Đông với hi vọng tìm giải pháp giúp chính quyền Iraq tránh sụp đổ trước phiến quân lúc này vừa chiếm thêm một loạt tỉnh phía tây.

Mỹ điều tàu sân bay tới IraqTổng thống Mỹ: Iraq cần sự giúp đỡ của Mỹ và quốc tếMỹ cân nhắc phương án không kích ở Iraq

jFPBuruH.jpg
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukri - Ảnh: Reuters

Hôm qua, ông John Kerry đã tới Cairo (Ai Cập), bắt đầu chuyến thăm một loạt nước Trung Đông với Iraq là trọng tâm của lịch trình. Ở Cairo, ông Kerry sẽ gặp đại diện các nước thành viên của Liên đoàn Ả Rập để bàn về mối đe dọa của lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) đối với Iraq và khu vực.

Ở Iraq, ISIL hôm qua đã chiếm thêm ba thị trấn tại tỉnh Anbar ở miền tây, mở rộng hơn nữa “vết dầu loang” chiếm đóng của mình. “Quân đội rút khỏi Rawa, Ana, Rubta sáng nay và ISIL đã nhanh chóng kiểm soát hoàn toàn các thị trấn” - Reuters trích một nguồn tin tình báo nói.

Chiến trường Iraq, Syria dần sáp nhập

Sản lượng dầu của Iraq đạt tới 3,3 triệu thùng/ngày sau mấy năm tăng trưởng liên tục. Cơ quan Năng lượng quốc tế dự đoán sản lượng dầu của nước này có thể tăng tới 6 triệu thùng/ngày vào năm 2020.

Trước đó một ngày, ISIL đã làm chủ một trong ba cửa khẩu chính giữa Iraq và Syria, nối liền thêm khu vực chiếm đóng mà ISIL có giữa hai nước. Trong lúc này, sự gắn quyện của hai cuộc chiến giữa Syria và Iraq ngày càng hiện rõ.

Biên giới giữa hai nước giờ trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết khi phiến quân ISIL mặc sức đi từ bên này sang bên kia chuyên chở vũ khí, thiết bị và tiền bạc. Việc ISIL chiếm một khu vực lớn ở Iraq có thể thay đổi tình hình ở Syria - nơi ông Assad từ lâu nói lực lượng nổi dậy chống ông là những kẻ cực đoan đến từ nước ngoài và phương Tây cần hợp tác với ông ta.

Theo AP, hàng ngàn lính Iraq người Shiite từng giúp Tổng thống Bashar al-Assad đánh tan lực lượng nổi dậy Sunni ở Syria giờ đang trở về quê nhà - điều khiến chính quyền của ông Assad có thể gặp khó khăn trở lại. Việc ISIL có những hành vi tàn bạo (tàn sát hàng trăm người) cùng đà tiến nhanh chóng của lực lượng này càng củng cố thêm lập luận của ông Assad. Bản thân Washington giờ cũng đang cân nhắc khả năng không kích lực lượng Sunni này.

Nhưng diễn biến đó cũng có thể ảnh hưởng tới chính quyền ông Assad, vốn đang dựa vào lực lượng chiến binh từ Iraq, Iran và Hezbollah để giúp chống lại lực lượng Sunni nổi dậy. Trong vài ngày vừa rồi, các tay súng ISIL đã chiếm được hai thị trấn mang tính chiến lược dọc sông Euphrates, trong đó có thị trấn Qaim ở biên giới với Syria. “Những diễn biến ở Iraq là con dao hai lưỡi cho ông Assad” - Randa Slim của Viện nghiên cứu Trung Đông ở Washington đánh giá.

Vận chuyển vũ khí

Việc hàng ngàn lính Iraq trở về nước để chiến đấu với lực lượng Sunni đang để lại những khoảng trống an ninh cho chính quyền ông Assad. Theo ước tính, số lượng lính Shiite Iraq ở Syria có thể lên tới 20.000-30.000 người. Hiện lực lượng nổi dậy Syria đã tận dụng việc chuyển hướng này để tổ chức phản công.

Một lo lắng nữa cho ông Assad là khả năng ISIL sẽ chuyển vũ khí hiện đại từ Iraq sang Syria. Một quan chức tình báo cao cấp Iraq xác nhận ISIL thực tế đã làm điều này sau khi chiếm được Mosul với các kho vũ khí gồm 400.000 đơn vị vũ khí và đạn dược ở đây. Các ước tính nói khoảng 1/4 số vũ khí này đã được chuyển về Syria.

Ảnh hưởng thị trường dầu mỏ

Ngoại trưởng Mỹ đồng thời cũng muốn bàn với các đồng minh ở vùng Vịnh về khả năng nguồn dầu cung cấp từ khu vực có thể bị gián đoạn bởi tình hình Iraq. Hiện Nhà máy lọc dầu Baiji lớn nhất Iraq đã trở thành bãi chiến trường. Iraq hiện cũng là nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 của OPEC và được coi là thị trường sản xuất quan trọng bậc nhất ngoài Bắc Mỹ.

Các tập đoàn phương Tây lớn như BP, ExxonMobil và Shell cũng như CNOOC của Trung Quốc đều đã đầu tư nhiều tỉ USD vào các mỏ dầu ở nước này kể từ năm 2008 tới nay. Đà tiến của lực lượng ISIL đang khiến các giới chức lo ngại về khả năng phát triển các mỏ dầu lớn ở miền nam nước này. Giá dầu thế giới đã tăng từ 109 USD/thùng lên 114 USD/thùng do diễn biến cuộc khủng hoảng. Một số dự đoán nếu tình hình xấu đi, giá dầu có thể nhảy lên tới 140 USD/thùng.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên