14/09/2006 07:02 GMT+7

Internet về làng (kỳ 1): Từ ruộng lên "nét"

NGUYỄN BAY
NGUYỄN BAY

TT - Đường truyền Internet tốc độ cao giờ đây đã có mặt ở những vùng ngoại ô. Một thế giới mới mở ra với những người dân trước nay chỉ quen với chân lấm tay bùn. Có những nông dân đã biết tận dụng “nét” để đổi đời, vừa nuôi heo vừa lướt “nét” tìm cơ

gdjOFAK0.jpgPhóng to
Tiệm "nét" này ở thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) trang bị dàn máy hiện đại. Hai người một máy là phong cách lướt "nét" của thanh niên nông thôn - Ảnh: N.Bay
TT - Đường truyền Internet tốc độ cao giờ đây đã có mặt ở những vùng ngoại ô. Một thế giới mới mở ra với những người dân trước nay chỉ quen với chân lấm tay bùn. Có những nông dân đã biết tận dụng “nét” để đổi đời, vừa nuôi heo vừa lướt “nét” tìm cơ hội làm giàu.

Và cũng có những thanh niên nông thôn bỏ ruộng vườn ngồi lướt “nét” cả ngày, có những “cuộc tình chấm com” nhức nhối vùng quê...

Không khí nhộn nhịp đến gần nửa đêm luôn diễn ra ở hầu khắp các điểm Internet khu vực Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ... (TP.HCM), “cao điểm” là từ 14-19g. 3.000 đồng, nhiều nơi chỉ 2.000 đồng, cho một giờ giải trí. Đêm miệt vườn như dài hơn.

"Sáu trong một"

Những ai đã từng đi trên các con đường về ngoại thành TP.HCM chỉ một năm trước, bây giờ trở lại sẽ nhận ra sự thay đổi rõ rệt. Không khí “hiện đại” của các hàng quán, dịch vụ Internet khiến miệt vườn không còn “yên ả” thuần nông như trước. Trên những con đường nửa bêtông (sỏi và nhựa) chạy vào các vùng trung tâm Hóc Môn như ngã ba Chùa, ngã ba Giồng (xã Xuân Thới Thượng), ấp Đông, ấp Nam Thới (xã Thới Tam Thôn) hay ấp Đông Lân, Hưng Lân (xã Bà Điểm), một khu vực nhỏ có gần 10 tiệm Internet hoạt động từ sáng đến khuya.

Ngay ngã tư Giếng Nước nối giữa thị trấn và xã, đoạn tiếp giáp của Hóc Môn và Q.12 (quốc lộ 22) có nhiều điểm Internet hiện đại, màn hình lớn, đường truyền tốc độ cao (ADSL), nhiều điểm gắn máy lạnh. Chủ dịch vụ Internet Thế Giới chỉ vào mấy chiếc máy lạnh cũ kỹ, nói thật thà: “Gắn máy lạnh mồi vài tiếng rồi tắt, vào mạng rồi ai cũng ghiền quên cả nóng hay lạnh”.

Tất cả dịch vụ ở khu vực này trọn gói “sáu trong một”: mạng, game, sửa chữa, lắp đặt, đánh máy và dịch thuật. Chị Tư “hét-phôn” (chủ một tiệm Internet) nói với chúng tôi: “Ở chỗ tui ngày nào cũng có thanh niên trong xóm ấp nồng hơi thuốc, mồ hôi, cả đất phèn và mùi gia súc... trên người”. Tiệm của chị là điểm giao lưu của người làm ruộng và máy tính: các cô công nhân nhập cư, thợ “đụng”, game thủ miệt vườn…

Ở Củ Chi, đường truyền tốc độ cao mới về tới thị trấn và một số xã gần. Nơi xa xôi phía bắc huyện như Thái Mỹ, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, An Phú…, dịch vụ Internet chủ yếu sử dụng bằng dây điện thoại. Nhu cầu “công dân mạng” cũng đơn giản hơn: chat, điện thoại quốc tế, nhận và chuyển thư. Củ Chi là khu vực có nhiều lao động tham gia lao động xuất khẩu nhất của TP.HCM.

Một khảo sát nho nhỏ của chúng tôi thực hiện tại 10 điểm Internet ở Nhà Bè: 19/20 người (độ tuổi 20 - 25) vào để chat, kết bạn; có 2/20 người (ngoài chat) tìm mua điện thoại di động rao vặt trên mạng; chỉ có một trường hợp vào mạng tìm giá sản phẩm lọc nước công nghiệp chuẩn bị mở xưởng làm việc.

Chiều về, sau ngày đi ruộng, nhiều lão nông tay cầm thuốc rê, tai đeo “hét-phôn” nói chuyện rổn rảng với con cháu đang lao động hợp tác ở nước ngoài. Năm (19 tuổi, đang học trường nghề Củ Chi) ở ấp Bốn Phú (Trung An) kể: “Chỗ mình xa nhất huyện. Lần đầu ra “nét”, ngoại mình cứ như người mất hồn, không tin vào tai mình khi nghe cậu út nói chuyện từ Nhật, nay ngoại đã rành rẽ lắm rồi”.

Trên tỉnh lộ 8, quốc lộ 22, khúc quanh dạ cầu vượt (thị trấn Củ Chi) rộn ràng màu xanh áo thợ từ Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Tân Qui từng tốp 3-10 người đổ về các điểm “nét” vui chơi giải trí. Ở điểm “nét” Phương Kha (khu phố 5, thị trấn Củ Chi), chúng tôi gặp năm bạn nữ: Thanh, Mai, Huyền, Luyến và Huệ (quê Bến Tre, Trà Vinh) đang làm thợ phụ ở một công ty trong Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi. Họ thuê chung hai máy, cùng chat với bạn cũ.

Một bạn nói: “Ngoài giờ làm chúng tôi chỉ biết hùn nhau vài ngàn đồng vào Internet tán dóc, kết bạn, hỏi thăm tình hình em út trong nhà cho đỡ buồn”. Có những thanh niên miệt vườn bao máy 24/24g quên cả chuyện nhà nông.

pTdOHEkq.jpgPhóng to
Ảnh: Nguyễn Bay
“Tình chấm com”

Chuẩn bị ra tiệm “nét”, nhóm các cô gái ấp Đình, xã Tân Xuân (Hóc Môn) đang tuổi cập kê sửa soạn như đi dự tiệc, quần áo đẹp, bông tai, làm đầu, cả việc ra thị trấn trang điểm mặt. “Để phía bên kia nhìn mình thấy được được một chút”, một người giải thích. Màn hình webcam bật lên. “Phía bên kia” nhìn họ chính bằng thiết bị này. Tin nhắn đã nhấp nháy báo hiệu người trên mạng đang đợi họ. Bạn chat trên mạng toàn người nước ngoài: Đài Loan, Nhật, Mỹ... “Đối tác” ngoại cũng có một bà mối mai người Việt giúp họ chuyển ngữ và nói chuyện sao cho “bén duyên”.

Trên đường xuyên Á, đoạn chạy giữa huyện Hóc Môn và quận 12, một bên là kinh tế ấp (Đông Lân, Bà Điểm), một bên văn hóa thị thành (P.Trung Mỹ Tây, Q.12). Cách nhau một con lộ nhưng bên này nhộn nhịp các điểm nhà nghỉ, khách sạn mini, mátxa, karaoke (Hóc Môn); bên kia là dịch vụ Internet (Q.12), đường truyền tốc độ cao cung cấp các dịch vụ trọn gói (vi tính) và dịch vụ cộng thêm: kết bạn bốn phương, “thợ săn tình mướn”, chuyên viên mai mối trong và ngoài nước (có người dịch, trợ giúp) tiếng Hàn, Hoa, Anh.

Chị K.Ph. (ấp Chợ, Phú Hòa Đông, Củ Chi) bén duyên cùng anh chồng Nhật một ngày cuối năm 2005. Ngày chị sinh đứa con đầu lòng, mọi người mới biết “bà mai” là... cái máy vi tính do cậu em trai lao động xuất khẩu gửi về trang bị cho gia đình tiện việc liên lạc. Nhưng số người có "tình chấm com" may mắn như chị K.Ph. không nhiều. Có bậc cha mẹ suốt ngày ở ruộng, đến lúc phát hiện con cái yêu sớm, thất tình, trải qua "chuyện ấy"... chỉ còn biết khóc và đổ lỗi vì... mấy tiệm "nét".

Chiều chập choạng. Ở quốc lộ 22, khu phố 1, thị trấn Hóc Môn, từng nhóm bạn trẻ miệt vườn, quần ống lửng, chân dép Lào cưỡi xe LA, Rebell rất “ngầu” hẹn hò nơi điểm “nét”. Họ mệnh danh là những “thợ săn” trên mạng với đủ thứ tình thật ảo lẫn lộn.

Họ kéo bạn từ trên “nét” ra ngoài đời kết thành nhóm “xế lùn”. Một cô mệnh danh “tóc xù” nhại lời một bài hát: “Nét giúp tôi cùng bạn bè đi khắp nơi, mà sao thấy khổ ghê, không được an toàn”. Chị Ph., chủ tiệm “nét” tại đây, cho hay bốn tháng trước, một thôn nữ trong nhóm này đã trở thành con “chim mồi” đáng thương trong tay một kẻ “săn tình” chuyên nghiệp.

Một lần, trên tuyến xe buýt Bà Quẹo, Hóc Môn, Củ Chi, chúng tôi nghe anh kiểm soát vé mắng mỏ một khách nữ rất trẻ rồi thanh minh với cái nhìn khó chịu của mọi người: “Không sao chịu nổi mấy con nhỏ này, khi bận áo công nhân, khi xài đồ nhà nghèo, lên xuống trạm lung tung. Mấy hôm mới thấy làm nhà máy, mấy hôm đã thấy đứng ngoài ngã tư”.

Nhưng "nét" không chỉ có "đen". Bước vào tiệm “nét”, anh nông dân gác chân lên ghế, click chuột vào mạng. Thế giới mới mở ra, nhiều nông dân tìm được cơ hội làm ăn, tính chuyện đầu ra - đầu vào, trao đổi với bạn hàng. Ở Hợp tác xã Ngã Ba Giồng, hơn 50% xã viên và 100% hộ chăn nuôi có trang bị máy tính nối mạng. “Nét” đã đổi đời cho họ.

Kỳ tới:“Nông dân a còng

NGUYỄN BAY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên