08/04/2019 06:30 GMT+7

'Instagram có quá nhiều người khoe giàu, thành đạt, quyến rũ... '

HÀ MY - HỒNG VÂN ghi
HÀ MY - HỒNG VÂN ghi

TTO - "Là người nước ngoài sống ở Việt Nam, tôi luôn phải dùng Google map để tìm địa điểm, địa chỉ. Là người mẫu, diễn viên, người viết kịch bản, tôi cần mạng xã hội để xây dựng hình ảnh và giới thiệu bản thân".

Instagram có quá nhiều người khoe giàu, thành đạt, quyến rũ...  - Ảnh 1.

Một bạn trẻ Việt Nam chia sẻ bức ảnh dọn rác ở cầu Ông Cậy, Q. 2 (TP.HCM) - Ảnh: FB nhân vật

Là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của giới trẻ, mạng xã hội kết nối và thắt chặt các cộng đồng. Nhờ mạng xã hội, không khó để tìm đến những người có chung suy nghĩ, tư tưởng để có thể làm nên những điều to lớn.

Anh ISHIKI RYUKI

Trên mạng xã hội có muôn vàn điều tốt và cũng không ít điều xấu, nhưng dùng mạng xã hội với mục đích tốt hay xấu là do người dùng quyết định. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến của người nước ngoài về vấn đề này.

* Anh ISHIKI RYUKI (người Nhật): Giúp lan rộng những điều tốt đẹp

anh-nguoi-nhat-ben-trai-5read-only-15546401914381646346649

Trong tất cả những thử thách tích cực được các bạn trẻ chia sẻ trên mạng xã hội, theo tôi, Trashtag challenge - thử thách nhặt rác để dọn sạch các khu vực dơ bẩn - là hay nhất. 

Dù mạng xã hội vẫn thường được sử dụng cho những mục tiêu tốt đẹp, thử thách này không chỉ tác động đến ý thức của người khác mà còn tác động đến hành động, trở thành một giải pháp thực tế cho vấn đề nan giải trong xã hội.

Thử thách Ice Bucket (xô đá), trào lưu Free Hug Movement (ôm miễn phí), và Paris yên bình đều là những trào lưu có lợi cho xã hội và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cư dân mạng, đặc biệt là Facebook. 

Thử thách xô đá kêu gọi người dân đổ xô nước đá lên người để nâng cao nhận thức về chứng bệnh xơ cứng teo cơ một bên, cũng như kêu gọi nhiều người quyên góp cho các quỹ hỗ trợ bệnh nhân mắc phải chứng bệnh này. 

Còn Free Hug Movement đã đặt vấn đề con người ngày càng trở nên lạnh nhạt với nhau và khuyến khích mọi người sống tình cảm hơn...

Tất cả những trào lưu này đều lan rộng đến hàng tỉ người ở rất nhiều quốc gia khác nhau. Không một chiến dịch, trào lưu nào có thể đạt được tầm vóc này nếu như không có mạng xã hội. Nhờ những trào lưu này mà người trẻ hiểu rõ hơn về các vấn đề xã hội, nâng cao ý thức của cộng đồng về các vấn đề này để cùng tìm đến hướng giải quyết.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cũng chính vì khả năng kết nối và lan rộng của mạng xã hội mà nó có thể trở thành một mối đe dọa vô cùng lớn nếu không sử dụng đúng cách. Một trong những vấn đề lớn nhất có lẽ là vấn nạn bắt nạt qua mạng với học sinh, trẻ em là nạn nhân phổ biến nhất. 

Để tránh những điều đáng tiếc này xảy ra, và con người có ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội sao cho có lợi, cần phải giáo dục giới trẻ và trẻ em về hậu quả, tác hại, và tác động mà mạng xã hội có thể mang lại.

* Chị MICKA CHU (người Pháp): Sáng tạo, nhưng đừng phản văn hóa

chi-micka-7-4-5read-only-1554640209515899149647

Chị Micka Chu- Ảnh: Nguyễn Dương

Mỗi ngày tôi dùng điện thoại khoảng 2-4 tiếng để xem YouTube, Instagram, Facebook hoặc nghe nhạc. Là người nước ngoài sống ở Việt Nam, tôi luôn phải dùng Google map để tìm địa điểm, địa chỉ. Là người mẫu, diễn viên, người viết kịch bản, tôi cần mạng xã hội để xây dựng hình ảnh và giới thiệu bản thân.

Tôi xác định Internet và mạng xã hội là công cụ, nó cần thiết và quan trọng, nhưng cũng nguy hiểm vì dễ khiến người dùng sa đà, mất thời gian. Tùy theo cách dùng của mỗi người, mạng xã hội có thể tốt hoặc xấu. 

Chẳng hạn với Instagram - mạng xã hội này có quá nhiều người khoe sự giàu có, thành đạt, quyến rũ... của bản thân. Họ mặc đồ, xài túi xách, xe hơi toàn hàng hiệu, ăn ở những nhà hàng thượng lưu, lúc nào cũng sang chảnh. Nếu theo dõi tài khoản của họ, nhiều người trẻ có thể cảm thấy mặc cảm, thua kém hoặc bị kéo vào cuộc chạy đua sống ảo, khoe khoang.

Đối với tôi, Instagram giúp tôi giới thiệu bản thân, xây dựng hình ảnh cá nhân và mở rộng các mối quan hệ nghề nghiệp. Facebook giúp tôi cảm thấy mình tồn tại và kết nối. Bạn bè biết những gì tôi làm và ngược lại. Tôi đã tham gia nhiều sự kiện thú vị ở Sài Gòn, có thêm bạn mới nhờ chức năng "Sự kiện" của Facebook. 

Gần đây, một người bạn Việt Nam của tôi đã quay lại việc anh ấy dọn rác theo một phong trào gọi là "thách thức dọn rác" đang xôn xao trên mạng. Đó là một ảnh hưởng tốt của mạng xã hội.

Nhiều người đang dùng mạng xã hội để nổi tiếng, để kiếm tiền. Tôi rất ủng hộ họ sáng tạo, miễn là việc này không xúc phạm đến cảm xúc của cộng đồng hay phản cảm về văn hóa và vi phạm pháp luật.

* Chị KASIA DUDA (người Ba Lan): Nhờ mạng, nhiều người được giúp đỡ

kasiaduda-7-4-5read-only-15546402257072077052121

Ở Ba Lan, chúng tôi thấy rất nhiều tổ chức quyên góp được nhiều tiền hơn, giúp đỡ nhiều người hơn nhờ tính chất vô cùng đặc biệt của mạng xã hội, đó là kết nối nhiều người trong một khoảng thời gian khá ngắn.

Từ năm 1992, ở Ba Lan có tổ chức mang tên WOSP (The Great Orchestra of Christmas Charity - Giao hưởng từ thiện Giáng sinh) hỗ trợ thiết bị, chi phí cho trẻ em và người già cần điều trị bệnh hiểm nghèo. Năm 1993, tổ chức này quyên góp được 1,53 triệu USD và đến năm nay con số này đã lên đến 47 triệu USD nhờ huy động các nhà hảo tâm trên mạng xã hội. 

Mạng xã hội còn được WOSP sử dụng để tuyên dương những người đã hỗ trợ giúp đỡ trẻ em và người già chữa bệnh, để họ thấy mình được trân trọng và tiếp tục hỗ trợ trong những lần sau.

Gần đây nhất, tại thành phố Posen (Ba Lan) có một thanh niên tường thuật việc anh dọn dẹp nhà cửa và khu vực gần nhà anh 10 phút mỗi ngày trước khi anh đi làm. Đến một ngày nọ, anh này đã thử thách thị trưởng thành phố Posen và thị trưởng đã nhận lời! Nhờ đó mà có một ngày cả hai cùng dọn dẹp thành phố vào buổi sáng, mang lại một tác động vô cùng lớn đến ý thức của người dân và khuyến khích việc giữ gìn thành phố sạch đẹp.

Tuy nhiên, bên cạnh những hành động tốt, Ba Lan vẫn phải đối mặt với việc sử dụng mạng xã hội để khuyến khích những điều không tốt. Cụ thể, gần đây có một trào lưu chống lại văcxin trên mạng nên số ca bệnh sởi tại Ba Lan nói riêng và châu Âu nói chung tăng cao, trong khi đó ở Ba Lan bệnh này đã được xem là không còn tồn tại.

* Chị PIMNAPA SODSAI (người Thái Lan): Đừng cổ xúy chuyện vô thưởng vô phạt

pim-7-4-3read-only-1554640241237472038431

Ở Thái Lan, người dân sử dụng mạng xã hội để yêu cầu chấm dứt việc buôn bán động vật hoang dã, bảo vệ loài hổ ở công viên quốc gia Mae Wong, kêu gọi bình đẳng cho phụ nữ... Nhiều người cũng thông qua mạng xã hội để kêu gọi sự giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn hoặc cưu mang chó, mèo bị bỏ rơi.

Thật đáng tiếc là trên mạng xã hội cũng lan truyền những điều không tốt như "ném đá" người khác, dùng lời lẽ thiếu văn hóa để thóa mạ người khác, chê bai ngoại hình hay trang phục của những người nổi tiếng...

Sử dụng mạng xã hội thế nào phụ thuộc vào mỗi người. Vì vậy, các bạn trẻ hãy đọc kỹ trước khi quyết định phản hồi trên mạng xã hội, những phong trào vô thưởng vô phạt thì không nên cổ xúy cho nó.

Trước khi đăng một nội dung trên không gian mạng, bạn phải chắc chắn thông điệp của mình không độc hại hay xúc phạm những người thuộc nhóm thiểu số, những người bên lề xã hội...

* Anh DARKHAN AMANTAY (người Kazakhstan): Thích khía cạnh giáo dục trên mạng

Từ khi mạng xã hội trở nên phổ biến, có không ít tài khoản, trang mạng, thậm chí cả cá nhân chia sẻ lại các bí quyết học sao cho tốt, kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cụ thể, có trang Facebook thường xuyên chia sẻ lại thông tin thú vị về thế giới, cuộc sống quanh ta và một vài vấn đề cần được lưu ý trong xã hội. Bản thân tôi cũng đã theo dõi vô số tài khoản trên mạng xã hội chia sẻ các từ vựng mới để học tiếng Anh và tiếng Nga cho tốt.

Theo tôi, việc sử dụng mạng xã hội một cách tích cực không phải là việc khó, chỉ cần chúng ta lưu tâm và chia sẻ những nội dung có ích, thay vì chỉ nghĩ đến những chuyện giật gân, gây tò mò... Riêng tôi, tôi rất thích khía cạnh giáo dục trên mạng xã hội.

Hiện nay, YouTube có không ít kênh, không ít tài khoản để "dạy học" với những bài học vô cùng thú vị từ môn kinh tế, hóa, toán... đến các kỹ năng như nấu ăn, chụp hình... Thời gian gần đây, tôi thấy các bạn tôi rất hay lên YouTube tìm đến các công thức nấu ăn và làm bánh, thay vì mua sách hướng dẫn như trước đây.

Để sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, mọi người nên chú ý chia sẻ kinh nghiệm, bài học hữu ích của bản thân, thay vì chú ý đến các thách thức, phong trào không lành mạnh.

Giới trẻ hưởng ứng Giới trẻ hưởng ứng 'giang hồ mạng', một cảnh báo về lối sống

TTO - Những đoạn video văng tục, chửi bới, diễn cách hành xử kiểu giang hồ ngày càng thu hút nhiều người xem, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều hệ lụy đáng ngại có thể xảy ra từ thực trạng này.

HÀ MY - HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên