04/03/2021 15:52 GMT+7

ILO: Tỉ lệ phụ nữ Việt tham gia lao động hơn 70%, toàn cầu dưới 50%

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Đó là thông tin được nêu trong báo cáo nghiên cứu mới ra mắt do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam thực hiện. Dù có nhiều cải thiện, phụ nữ Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng về cơ hội việc làm, giờ làm… so với nam giới.

ILO: Tỉ lệ phụ nữ Việt tham gia lao động hơn 70%, toàn cầu dưới 50% - Ảnh 1.

Theo báo cáo của ILO, thu nhập của phụ nữ thấp hơn nam giới (tiền lương tháng thấp hơn 13,7% trong năm 2019) - Ảnh: HÀ QUÂN

Theo báo cáo, nghiên cứu Giới và thị trường lao động ở Việt Nam: Phân tích dựa trên số liệu điều tra lao động - việc làm của ILO cho thấy có hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỉ lệ này trên toàn cầu là 47,2% và tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 43,9%.

Mặc dù mức chênh lệch giới trong tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam ít hơn so với thế giới nhưng vẫn ở mức 9,5% suốt thập kỷ qua.

Số liệu điều tra lao động - việc làm (2018) cho thấy gần một nửa số phụ nữ lựa chọn không hoạt động kinh tế vì "lý do cá nhân hoặc liên quan đến gia đình". Trong khi đó, chỉ có 18,9% nam giới không tham gia hoạt động kinh tế viện dẫn lý do này.

Bà Valentina Barcucci - chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam, tác giả chính của nghiên cứu - cho hay: "Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác. Phụ nữ phải dành thời gian làm việc nhà nhiều hơn gấp đôi so với nam giới".

Báo cáo cũng chỉ ra tỉ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí ra quyết định còn quá thấp. Phụ nữ chiếm gần một nửa lực lượng lao động nhưng chỉ đảm nhận khoảng 1/4 vị trí lãnh đạo, quản lý chung. Chẳng hạn, có 29,7% vị trí lãnh đạo là phụ nữ so với 70,3% nam giới tại khu vực kinh tế nhà nước. Tại khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 34,1% phụ nữ so với 65,9% lãnh đạo nam giới.

Bên cạnh đó, báo cáo cho biết phụ nữ dành trung bình mỗi tuần 20,2 giờ để dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo, nấu ăn và đi chợ, chăm sóc gia đình và con cái trong khi nam giới chỉ dành 10,7 giờ cho những công việc này, gần 1/5 nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà.

Ngoài ra, tổng số giờ làm hằng tuần của phụ nữ trong quý 2-2020 chỉ bằng 88,8% tổng số giờ làm của họ trong quý 4-2019. Con số này ở nam giới là 91,2%. Tuy nhiên, số giờ làm việc của phụ nữ lại phục hồi nhanh hơn. Trong ba tháng cuối năm 2020, phụ nữ đã làm việc nhiều hơn 0,8% số giờ so với cùng kỳ 2019, trong khi nam giới chỉ làm nhiều hơn 0,6%.

"Những giờ làm tăng thêm này khiến gánh nặng kép họ vốn phải gánh vác càng nặng nề hơn, do họ vẫn phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà so với nam giới", bà Valentina Barcucci nhận định.

Tiến sĩ Chang Hee Lee - giám đốc ILO Việt Nam - cho biết: "Căn nguyên của bất bình đẳng trên thị trường lao động chính là những vai trò truyền thống mà phụ nữ được kỳ vọng phải đảm nhận, và những kỳ vọng này được củng cố bằng các chuẩn mực xã hội".

"Mặc dù ở cấp độ chính sách, Bộ luật lao động 2019 đã mở ra những cơ hội để thu hẹp khoảng cách giới, chẳng hạn như thu hẹp khoảng cách trong độ tuổi nghỉ hưu hay xóa bỏ việc hạn chế phụ nữ tham gia một số ngành nghề nhất định, Việt Nam vẫn còn một nhiệm vụ khó khăn hơn nữa cần phải hoàn thành. Đó là việc thay đổi tư duy của nam giới và của cả chính phụ nữ Việt Nam để từ đó thay đổi hành vi của họ trên thị trường lao động", báo cáo nêu.

Khan hiếm công nhân sau tết, doanh nghiệp chi Khan hiếm công nhân sau tết, doanh nghiệp chi 'hoa hồng' tiền triệu cho người giới thiệu lao động

TTO - Trở lại sản xuất sau tết, nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng hàng ngàn lao động. Rất nhiều doanh nghiệp lớn có chính sách thưởng cho người giới thiệu khi giới thiệu được một công nhân mới với mức 500.000 - 1 triệu đồng.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên