![]() |
Đền Bác Hồ được trùng tu xây dựng, hằng năm đón trên 150.000 người viếng Bác - Ảnh: Quang Vinh |
Tâm nguyện ấy đã được thực hiện liên tục, quyết tâm xây dựng và bảo vệ đền ròng rã từ năm 1969 đến ngày thống nhất đất nước.
Nhiều lần đền Bác Hồ bị đốt phá, bà con lại dốc sức dựng lại đền to đẹp hơn - như một thành trì cho đức tin và lòng quả cảm của quân dân Long Đức trong hoàn cảnh nguy khó nhất.
Hằng năm có khoảng 150.000 người trong và ngoài nước, sinh viên, nhà nghiên cứu sử học đến thăm ngôi đền để bày tỏ tấm lòng kính yêu vị lãnh tụ dân tộc Việt, và càng khâm phục hơn tinh thần đoàn kết của người dân vùng tạm chiếm Long Đức vốn một thời gian nguy này. |
… Vừa tất bật những việc chuẩn bị cho ngày giỗ Bác (2-9), bà Huỳnh Thị Mỹ Vân - giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh, đơn vị quản lý khu di tích đền Bác Hồ - nói năm nào đến cuối tháng 8 người dân trong và ngoài tỉnh đều đến viếng Bác.
“Ngày 2-9 hơn 1.000 người đến dự Quốc khánh và giỗ Bác. Không chỉ làm lễ ở đền thờ mà nhiều gia đình làm giỗ Bác tại nhà. Khi tổ chức lễ giỗ ở đền thờ xong, tôi và anh em bảo tàng chia nhau đi đến nhà dân cùng dự lễ giỗ Bác” - bà Vân nói.
Bác trong lòng dân
Lặng đi một chút, bà Vân cho biết nhiều cụ già năm nào về dự lễ giỗ cũng chảy nước mắt nhớ thương Bác. Ngồi với nhau bên mâm giỗ, bà con lại hồi tưởng nhắc nhớ nhau ngày để tang Bác. Ngày ấy dòng sông Cổ Chiên, mái đình, chợ búa đượm màu buồn tiếc thương. Không ai bảo ai đều tự làm những mâm cúng trịnh trọng lặng lẽ dòng nước mắt khóc thương “từ nay không gặp được Bác nữa”.
Bước qua tuổi 60, bà Nguyễn Thị Tiếm (Sáu Tiếm), nguyên bí thư Đoàn xã Long Đức, vẫn nhớ như in ngày Bác mất: “Ngày 2-9-1969, những chiếc loa phóng thanh của địch hí hửng báo tin Bác mất”. Như tiếng sấm bên tai, người dân bàng hoàng, lặng người...
Mặc đạn bom ầm ầm, những bàn thờ Bác đã được dựng lên dù địch điên cuồng bắn phá nhằm dập tắt phong trào cách mạng và lòng kính yêu của người dân dành cho Bác.
Không để địch tiếp tục làm tổn thương đến người dân, bí thư Thị xã ủy Trà Vinh Trần Văn Tư (Tư Tranh) đề xuất xây dựng đền thờ Bác và thị xã ủy đã thống nhất chủ trương xây dựng đền - đền thờ của "ý Đảng lòng dân".
Ngay sau đó người dân chọn giồng cát cao ráo ở ấp Vĩnh Hội hiến tặng và chung tay làm đền thờ. Quyết định táo bạo bởi vị trí xây đền nằm giữa 20 đồn bó́t địch, đồn gần nhất chỉ cách 300m.
Công trình vạn trái tim
Ông Tư Tranh kể về công cuộc xây dựng đền Bác là một công trình của vạn trái tim.
UBND tỉnh Trà Vinh vừa phê duyệt quy hoạch khu di tích lịch sử đền thờ Bác có diện tích 5,3 hecta với hình trái tim, mang ý nghĩa hàng triệu trái tim người dân Việt Nam hướng về Bác. Đền thờ Bác xây dựng lần đầu như một ngôi nhà nhỏ vẻn vẹn 16m2 với các vật liệu tre, gỗ tạp, lá và tôn khi dựng lần 2. Sau giải phóng, tỉnh Trà Vinh làm thêm nhà bao che đền thờ với biểu tượng đóa sen hồng. |
Bà Sáu Tiếm vẫn nhớ như in ngày phát động xây đền thờ Bác: “Việc xây dựng phải làm ban đêm và chia thành từng tốp người thay nhau làm. Trước khi bắt tay vào làm mọi người được nghe đọc di chúc của Bác”.
“Những ngày ấy khu đền thờ Bác là tọa độ bắn phá của pháo, máy bay, tàu" - ông Hồng Văn Ân (Tư Hồng Quân), nguyên chính trị viên đại đội biệt động 67, đơn vị chủ lực bảo vệ đền thờ Bác - nhớ lại.
Ngôi đền dần dần có dáng vóc nhưng tìm đâu ra ảnh Bác để thờ phụng?
Họa sĩ Liêu Tử Phong (Phong Ba) được giao nhiệm vụ họa hình Bác, nói: “Có nhiều mẫu hình Bác nhưng tôi thích nhất ảnh Bác in trên đồng tiền lúc bấy giờ. Trông Bác gầy gò nhưng đôi mắt sáng quắc, kiên nghị toát lên tinh thần quyết thắng”.
“Và ngày khánh thành đền thờ Bác đã đến. Tối 30 tết năm 1971, khoảng 900 quân dân Trà Vinh nghiêm trang, kính cẩn trước đền thờ Bác, nước mắt và những lời hiệu triệu đánh địch, thống nhất đất nước.
Ghi vào sổ lưu niệm ngay buổi khánh thành, ông Tư Tranh viết: “Chúng cháu sẽ kiên quyết thực hiện lời dạy quý báu và lời di chúc thiêng liêng của Bác: Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Bảy ngày sau đó, hơn 10.000 người dân các tỉnh miền Nam tìm đến viếng Bác. Khí thế cách mạng trào dâng. Đền thờ Bác như biểu tượng thúc giục quân dân chiến đấu với kẻ thù.
“Những lần hành quân đánh địch, chiến sĩ đều tuyên thệ trước đền thờ Bác. Ấn tượng đó không thể nào quên. Trong số đó không ít người đã trở lại báo công với Bác” - lau dòng nước mắt bà Sáu Tiếm kể.
![]() |
Đền thờ Bác Hồ xây dựng xong mái lá đơn sơ 16m2, năm 1971 đã đón hàng vạn người dân các nơi trong vùng chiến đến viếng Bác |
Địch điên cuồng càn quét hòng đập tan biểu tượng chiến đấu của quân dân miền Nam. Và chúng đã thực hiện được dã tâm khi chiếm và đốt đền Bác vào ngày 10-3-1971, nhưng thật lạ khi không dám đốt bức tranh vẽ Bác mà đem về dinh tỉnh trường. Ngay ngày hôm sau những bước chân ào ào như dòng thác lũ đổ về dinh tỉnh trưởng đòi bức tranh vẽ Bác.
Ngôi đền được dựng lại lần 2 cũng từ trái tim, lòng sắt son của người dân. Máy bay địch một lần nữa bắn cháy ngôi đền. Lần này quân dân đã kịp thời dập tắt ngọn lửa và ngôi đền vẫn hiên ngang đứng vững giữa vòng vây địch.
Lần thứ ba trong giờ phút “hấp hối”, ngày 29-4-1975 địch bắn phá làm hỏng một góc đền.
... Huyền thoại về đền thờ Bác vẫn còn đến ngày nay như hình ảnh Bác không bao giờ phai mờ trong trái tim đồng bào Nam bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận