Hươu cao cổ đang suy giảm số lượng nghiêm trọng - Ảnh: NATURE
Cục Cá và động vật hoang dã Mỹ (FWS) - một cơ quan thuộc chính phủ liên bang - mới đây cho biết họ thống nhất sẽ đề xuất đưa vấn đề bảo vệ hươu cao cổ vào luật trong thời gian tới.
"Cục nhận thấy rằng kiến nghị đưa hươu cao cổ vào danh sách các loài gặp nguy hiểm là nhằm hạn chế các tác động của sự phát triển xã hội, nông nghiệp và khai thác khoáng sản lên loài này" - thông cáo báo chí của Cục Cá và động vật hoang dã Mỹ viết.
Chiến dịch kêu gọi bảo vệ hươu cao cổ đã được nhiều tổ chức ở Mỹ và trên thế giới phát động những năm gần đây, bắt đầu từ năm 2017 thì trở nên mạnh mẽ, theo The Washington Post.
Theo đó, hươu cao cổ - loài vật đặc trưng cho nhiều nước châu Phi - hiện đang suy giảm số lượng nghiêm trọng. Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), năm 2016 số lượng hươu cao cổ tồn tại trong tự nhiên chỉ còn 97.000 con, giảm đến 40% số lượng so với năm 1985.
Điều này đồng nghĩa hơn 64.000 con hươu cao cổ hoang dã đã chết trong gần 30 năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do nạn săn trộm diễn ra phức tạp, kế đến là do mất môi trường sống vì các hoạt động sản xuất của con người.
Nạn săn trộm vẫn là nguyên nhân hàng đầu đe dọa đến cuộc sống của loài này - Ảnh: NATURE
Hiện tại, cần tối đa 12 tháng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét và chính thức có đưa hươu cao cổ vào danh sách những loài cần được bảo vệ theo luật hay không.
Nếu thành công, việc Mỹ luật hóa bảo vệ hươu cao cổ mang ý nghĩa quan trọng, trước hết là thúc đẩy hành động chung bảo vệ loài vật này trên toàn cầu trong tương lai gần.
Quan trọng hơn, The Washington Post cho rằng Mỹ chính là một trong những thị trường buôn lậu hươu cao cổ lớn trên thế giới.
Ước tính trong năm 2006 - 2015, đã có 39.516 sản phẩm hay bộ phận từ hươu cao cổ - đặc biệt có cả những cá thể sống - được vận chuyển vào nước Mỹ, trong đó có 21.402 bộ xương, 3.008 bộ da…
"Chúng ta đều yêu quý động vật, nhưng có lẽ nhiều người chưa nhận ra hươu cao cổ đang ngày càng suy giảm số lượng một cách nghiêm trọng" - Tanya Sanerib - giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học Mỹ - cho biết.
Bà nói nếu không có những chương trình bảo vệ và nâng cao nhận thức cộng đồng, hươu cao cổ sẽ tuyệt chủng trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận