23/04/2022 13:00 GMT+7

Hướng tới không dùng túi nilông: Nhà sản xuất bao bì cần được trợ lực về chính sách

N.HIỂN - B. NGỌC
N.HIỂN - B. NGỌC

TTO - Ông Hoàng Minh Anh Tú - tổng giám đốc Công ty Alta Group (Khu công nghiệp Tân Bình, TP.HCM), cho rằng việc đưa ra lộ trình sử dụng các loại túi thân thiện môi trường trong các siêu thị, trung tâm thương mại hoàn toàn có thể thực hiện.

Hướng tới không dùng túi nilông: Nhà sản xuất bao bì cần được trợ lực về chính sách - Ảnh 1.

Túi nilông đựng hàng hóa tại siêu thị Co.opMart ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Alta Group là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại bao bì phân hủy sinh học. Hiện đã có hơn 150 siêu thị sử dụng các loại sản phẩm thân thiện môi trường mà doanh nghiệp này cung cấp, dù giá thành đắt hơn nhựa truyền thống từ 30-40%. 

Mỗi tháng, doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường từ 300 - 500 tấn túi nhựa thân thiện môi trường thông qua kênh siêu thị. Hiện nay, doanh nghiệp này tiếp tục nghiên cứu dòng sản phẩm túi phân hủy sinh học để sau khi sử dụng có thể biến thành mùn, có thể trồng cây.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà sản xuất, ông Tú cho rằng hiện nay các doanh nghiệp tự đầu tư công nghệ, tự nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) thân thiện với môi trường, do đó cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm. 

Luật bảo vệ môi trường năm 2020, có hiệu lực từ năm 2022 cũng đã quy định về các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu trong ngành này phải tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì nên cần hỗ trợ các doanh nghiệp sản  xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, tái chế để đẩy mạnh hơn nữa việc R&D các sản phẩm.

Bên cạnh đó, ông Tú cho rằng hiện các loại thuế đối với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường chưa có sự khác biệt với các doanh nghiệp khác, do đó Nhà nước cũng cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, đổi mới công nghệ, giảm sản phẩm nhựa khó phân hủy. 

Để thúc đẩy người dân sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, ông Tú đề xuất trước mắt Nhà nước có thể nghiên cứu phương án trợ giá để giá những sản phẩm này rẻ hơn.

Giám đốc một doanh nghiệp trong ngành nhựa cho biết việc thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống sang các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ tác động lớn đến ngành nhựa, đặc biệt các doanh nghiệp , các làng nghề chuyên sản xuất bao bì nilông. Do đó, việc đưa ra lộ trình là cần thiết, song cần cân nhắc mức độ áp dụng, ban đầu áp dụng trong các siêu thị, trung tâm thương mại để thử nghiệm và tạo xu hướng tiêu dùng cũng như thời gian để DN chuyển đổi công nghệ, sau đó dần dần áp dụng ra các cửa hàng, các chợ và các ngành bán lẻ.

Nên thí điểm làm ngay từ 2023

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng chính sách hạn chế, tiến tới không sử dụng túi nilông đã bàn nhiều năm nay, nhưng đến nay chưa đi vào cuộc sống, đặc biệt tại các chợ truyền thống. 

Tại các chợ truyền thống, cần có chính sách khuyến khích đặc biệt để người dân sử dụng túi nilông sạch vì hiện nay trung bình mỗi bà nội trợ tiêu thụ từ 4 - 5 túi nilông khó phân hủy/ngày. Việt Nam đứng thứ 4 châu Á về sử dụng túi nilông loại này, nếu không có lộ trình từ thí điểm, mở rộng, đến cấm hẳn sẽ rất khó thực hiện.

Vì thế, muốn cấm sử dụng túi nilông khó phân hủy từ năm 2026 thì cần có lộ trình làm thí điểm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng... trước. Hiện Hà Nội có khoảng 400 chợ truyền thống, TP.HCM khoảng 270 chợ, mỗi đô thị này cũng có hàng trăm siêu thị nên cần làm thí điểm trước.

Ngoài chuyện tuyên truyền để số đông người dân thấy dùng túi nilông rất nguy hại với môi trường, cần tính tới các giải pháp kinh tế để các nhà sản xuất túi nilông sạch, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và các tiểu thương chợ truyền thống chấp nhận dùng túi nilông sạch, với giá cả hợp lý. 

Để chính sách cấm sử dụng túi nilông dùng một lần từ năm 2026 cần có sự vào cuộc của Bộ Công thương (quản lý lưu thông), Bộ Tài chính (giảm thuế sản xuất túi nilông), Bộ Khoa học và công nghệ (nghiên cứu công nghệ sản xuất rẻ) và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thân (lo sản xuất hàng hóa sạch).

Cần hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn

PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) - cho biết trên thế giới, nhiều nước đã có chính sách tăng sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, ví dụ như nhiều nước châu Âu đã đưa vào luật để cấm tiêu thụ các loại bao bì nhựa dùng một lần.

Hướng tới không dùng túi nilông: Nhà sản xuất bao bì cần được trợ lực về chính sách - Ảnh 3.

Túi nilông vẫn đang được sử dụng phổ biến tại các chợ dân sinh ở Hà Nội - Ảnh: QUANG THẾ

Theo ông Quân, các chính sách của Việt Nam đã ban hành cũng nằm trong xu thế đó để hạn chế bao bì nilông. Tuy nhiên, để hạn chế triệt để bao bì nhựa dùng một lần, ông Quân cho rằng cần phải có một lộ trình rõ ràng, đánh giá những tác động của chính sách. 

Bên cạnh đó, việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường hiện gặp rào cản là giá quá cao, nên cần có chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và người dân tiêu thụ."

Trong mua sắm công, đầu tư công đã có cơ chế khuyến khích mua các vật liệu thân thiện với môi trường, nhưng cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn để khuyến khích hệ sinh thái sản xuất phát triển mạnh. Cần phải có những chính sách đủ mạnh, đủ thuyết phục để doanh nghiệp cùng tham gia, ví dụ như giảm thuế... Nếu đưa ra quy định nhưng không hỗ trợ các giải pháp thay thế thì rất khó triển khai", ông Quân nói.

Cần vai trò của Nhà nước

Ông Nguyễn Hoài Phương - giám đốc Công ty TNHH Golden Trust - cho biết từ năm 2019 đến nay, doanh nghiệp (DN) này đã dần thay thế các sản phẩm từ nhựa, nilông sang các chất liệu thân thiện với môi trường tại hệ thống cửa hàng Gong Cha, đáp ứng đòi hỏi "sống xanh" của khách hàng cũng như trách nhiệm đối với môi trường của DN, góp phần giảm rác thải nhựa.

Tuy vậy, ông Phương cho biết thực tế giá thành của các sản phẩm thân thiện môi trường đang đắt đỏ hơn so với sản phẩm nhựa. Đặc biệt, các sản phẩm của DN đều phải nhập khẩu 100% nên chi phí càng cao hơn. Ngoài ra, các sản phẩm thân thiện môi trường cũng cần liên tục cải tiến để khắc phục các khuyết điểm như thời gian sử dụng ngắn, dễ gãy vỡ, biến dạng trong nước nóng...

Để khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, giảm túi nilông dùng một lần, túi nhựa, ông Phương cho rằng bên cạnh DN tự nguyện duy trì, Nhà nước cũng cần có các chính sách khuyến khích, đơn cử như tuyên dương, phân loại DN "xanh" hay có cơ chế hỗ trợ, giảm thuế cho DN. 

Ngoài ra, các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu cần cải tiến cho ra các vật liệu vừa thân thiện môi trường, vừa có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sử dụng với giá thành hợp lý để giúp DN có thể ứng dụng ngay một cách dễ dàng.

Nói không với túi nilông dùng một lần: Không chờ đến năm 2026! Nói không với túi nilông dùng một lần: Không chờ đến năm 2026!

TTO - Các siêu thị, trung tâm thương mại hiện chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ túi thân thiện môi trường, trong khi lượng lớn túi nilông dùng một lần vẫn được sử dụng gần như 100% tại các chợ, cửa hàng khác.

N.HIỂN - B. NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên