Đó là khẳng định của ông Gergely Gulyas, chánh Văn phòng thủ tướng Hungary, trong cuộc họp báo ngày 23-3. Tuyên bố này trái với quan điểm của bộ trưởng Tư pháp Đức về lệnh ICC đòi bắt ông Putin.
Ngày 23-3, ông Gergely Gulyas tuyên bố nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin bước vào lãnh thổ quốc gia châu Âu này, họ sẽ không bắt nhà lãnh đạo Nga, theo Hãng tin Reuters.
Phía Hungary giải thích đó là vì không có cơ sở pháp lý để bắt ông Putin. Ông Gulyas nói rằng mặc dù đã ký Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế (ICC), Hungary vẫn chưa đưa quy chế này vào hệ thống tư pháp của mình.
"Dựa theo pháp luật Hungary, chúng tôi không thể bắt giữ tổng thống Nga. Quy chế của ICC chưa được chính thức sử dụng ở Hungary" - ông Gulyas nói.
Chánh Văn phòng thủ tướng Hungary cũng đánh giá về lệnh bắt giữ của ICC: "Đó là quyết định đáng tiếc, sẽ chỉ làm căng thẳng leo thang chứ không dẫn đến hòa bình. Đó là ý kiến chủ quan của tôi".
Hiện nay lãnh đạo Hungary là Thủ tướng Viktor Orban, người vốn duy trì quan hệ thân thiết với ông Putin và được cho là theo chủ nghĩa dân túy. Thời gian qua, Hungary - thành viên Liên minh châu Âu (EU) - đã nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Hôm 17-3, ICC phát lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên của tổng thống Nga phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova, với cáo buộc "có thể liên quan tội ác chiến tranh" khi đưa trẻ em từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp.
Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann tuyên bố nước này sẽ tuân theo yêu cầu của ICC về lệnh bắt ông Putin và sẽ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân lên lãnh thổ Đức. Còn Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoan nghênh quyết định của ICC và khẳng định "không ai đứng trên pháp luật".
Hôm 19-3, khi được hỏi liệu việc Đức đồng ý với lệnh bắt giữ của ICC có thể dẫn đến sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Đức hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Nga đã và sẽ làm những gì phục vụ tốt nhất lợi ích của mình. Chúng tôi coi bất kỳ quyết định nào của ICC là vô hiệu về mặt pháp lý".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Liên bang Nga Alexander Bastrykin đã yêu cầu cung cấp đánh giá pháp lý về tuyên bố của bộ trưởng Tư pháp Đức về việc bắt giữ công dân Nga trên lãnh thổ Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận