11/01/2012 08:50 GMT+7

Huế - những tháng ngày sục sôi - Kỳ 7: Phá hội thảo "Bắc tiến"

NGUYỄN ĐẮC XUÂN
NGUYỄN ĐẮC XUÂN

TT - Cuối mùa hè năm 1964, bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara dắt tay tướng Nguyễn Khánh - người đứng đầu chính quyền Sài Gòn, tuyên bố có thể mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Lời tuyên bố của ông McNamara đã khiêu khích tinh thần tự trọng dân tộc của giới sinh viên Huế. Nhiều người có ý thức chống Mỹ kể từ đó.

HgQ8m1ws.jpgPhóng to
Sinh viên Hoàng Phủ Ngọc Tường (phải) và chủ tịch Tổng hội Sinh viên Huế Trần Xuân Kiêm tại cuộc hội thảo - Ảnh tư liệu N.Đ.X.

Vào Sài Gòn bằng máy bay tướng Kỳ

Trung tuần tháng 7-1965, người đứng đầu ủy ban hành pháp trung ương ở Sài Gòn là tướng Nguyễn Cao Kỳ, lấy ngày ký hiệp định Genève (20-7-1954) làm “ngày quốc hận”. Ông cho máy bay quân sự ra Phú Bài mời đích danh một số sinh viên lãnh đạo đấu tranh ở Huế vào Sài Gòn dự hội thảo “Ngày toàn dân đoàn kết chuẩn bị giải phóng miền Bắc”. Sau hội thảo, ủy ban thanh niên sinh viên do tướng Kỳ chỉ đạo sẽ thực hiện cuộc “rước quốc kỳ từ Cà Mau ra đến Bến Hải”.

Tướng Kỳ đẩy chúng tôi vào cái “cửa tử”. Ủng hộ “Bắc tiến” để giết hại bà con anh em mình ư? Nhưng sợ mà không đi thì tướng Kỳ sẽ cho bọn sinh viên Huế hèn. Chúng tôi đã chấp nhận đi.

Danh sách mời có đến hơn mười người, tôi chỉ còn nhớ có Trần Xuân Kiêm (chủ tịch tổng hội sinh viên), Trần Anh Tuấn (luật khoa), anh em Hoàng Phủ Ngọc Tường (văn khoa) và Hoàng Phủ Ngọc Phan (y khoa), Nguyễn Đắc Xuân (sư phạm) và nhiều người nữa tôi không còn nhớ tên. Trước khi lên máy bay, chúng tôi đã thắp hương khấn vái ở sân bay Phú Bài và hứa: Nếu để cho sinh viên Huế bị làm nhục thì chúng tôi sẽ không trở lại sân bay này nữa.

Tướng Kỳ cho một chiếc máy bay quân sự Dakota ra Phú Bài đón chúng tôi. Hồi cuối năm 1963, tướng Dương Văn Minh cũng đã cử máy bay quân sự ra Huế đón sinh viên chúng tôi vào tham quan thành quả“cách mạng 1-11-1963”. Phi hành đoàn toàn là người Mỹ.

Đối với tướng Minh, sinh viên tranh đấu chống chế độ Ngô Đình Diệm lúc đó là “anh em”, là “những người chiến thắng chế độ Diệm”, nên chúng tôi được đón rước rất chu đáo thân tình. Còn đối với tướng Kỳ lúc này (20-7-1965), chúng tôi là những người đấu tranh cho hòa bình dân tộc, đối lập với chủ trương leo thang chiến tranh của ông.

Tướng Kỳ đã cho xe chờ sẵn, chúng tôi ra xe là được chở về ngay hội trường (Nhà hát thành phố, trước mặt khách sạn Caravelle). Cuộc hội thảo được tổ chức liên tục hai ngày hai đêm (48 tiếng). Thức ăn như cháo thịt, bánh mì, cà phê, sữa để sẵn dọc hành lang hai bên hội trường, ai đói tự ra tìm chọn thức ăn, hội thảo không nghỉ giải lao...

“Chỉ sợ cầm súng bắn vào đầu anh em tôi!”

Bên trong hội trường, lực lượng thanh niên sinh viên thân tướng Kỳ chia ra làm nhiều tốp, họ thay nhau ngồi chủ tọa đoàn, phát biểu và nghỉ ngơi cho nên lúc nào họ cũng hăng hái rôm rả. Còn tình hình bên ngoài hội trường cũng rất căng thẳng. Bởi thế khi thấy chúng tôi vào Sài Gòn, nhiều anh chị em sinh viên Sài Gòn từng tham gia chống Ngô Đình Diệm nhắc chúng tôi phải cảnh giác.

Lực lượng sinh viên Huế quá ít, lại mệt nên chúng tôi phải rất thận trọng mỗi lần “xuất quân”. Chúng tôi chuẩn bị sẵn nhưng không đăng ký phát biểu. Đợi đến khi nào chủ tọa đoàn mời mới lên. Chúng tôi nghe họ tố cộng, họ lên án miền Bắc, họ ám chỉ Việt cộng xâm nhập trong các phong trào tranh đấu ở Sài Gòn và ở Huế để chống Mỹ, chống chính quyền, gây rối loạn hậu phương của quân đội Việt Nam cộng hòa. Họ cũng ám chỉ sinh viên Huế do sợ đi lính nên chống chiến tranh.

Họ giới thiệu chủ trương đánh ra miền Bắc để lập lại hòa bình Việt Nam của tổng thống Johnson. Tất cả những ý tưởng ấy sẽ đưa đến chủ trương “Bắc tiến”. Họ khiêu khích sinh viên Huế nhưng chúng tôi vẫn ngồi chờ.

Thế rồi chủ tọa đoàn mời đích danh sinh viên Huế đăng đàn. Người được mời lên đầu tiên là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Anh Tường phát biểu rất nhiều nhưng gây ấn tượng nhất là câu: “Tôi không sợ đi lính, chỉ sợ cầm súng bắn vào đầu anh em, đồng bào của tôi thôi!”.

Lúc đó anh Tường nổi tiếng là người sống và hành động đấu tranh theo triết học hiện sinh, xem chiến tranh là phi lý. Do đó người ta nghe chứ chưa quy kết gì. Nhiều anh em sinh viên Huế khác phát biểu cũng không giấu được ý muốn đất nước hòa bình của mình.

Lúc đó ở Sài Gòn có chị Trần Thị Tuyết Hoa (sau này là vợ KTS Nguyễn Hữu Thái) nổi tiếng là “nữ vương hòa bình”. Dư luận thì cho tôi có vai trò như chị Hoa ở Huế. Tôi biết thế nào cũng phải lên diễn đàn.

Nếu tôi nói thẳng ý tưởng đấu tranh chống Mỹ, chống chiến tranh để lập lại hòa bình trong đầu tôi thì thế nào tôi cũng bị bắt ngay giữa hội trường. Vì thế, bám vào thông tin “chủ trương đánh ra miền Bắc để lập lại hòa bình Việt Nam của tổng thống Johnson”, tôi viết vội và đọc mấy câu thơ chứng minh cuộc chiến tranh này không có lý tưởng, và cuối cùng theo “nhân danh đường lối hòa bình của Johnson, tôi giết luôn tôi” mà thôi.

Không ký kiến nghị “Bắc tiến”

...Những phát biểu chống chiến tranh vận động hòa bình của sinh viên Huế không ngờ được nhiều người tán thành. Người tán thành ý kiến của sinh viên Huế đầu tiên là một phụ nữ lớn tuổi, to con, mặc áo dài, nói giọng Bắc.

Bà báo với hội thảo biết rằng gia đình bà ở miền Bắc. Nếu Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa thả bom và Bắc tiến sẽ làm chết người thân trong gia đình bà. Vì thế bà không tán thành chủ trương Bắc tiến. Phát biểu của bà được hoan nghênh nhiệt liệt. Người đàn bà can đảm ấy là luật sư Ngô Bá Thành. Tôi biết bà Ngô Bá Thành từ ấy.

Sau phát biểu của bà Ngô Bá Thành, nhiều sinh viên khác tiếp tục phát biểu không đồng tình với chủ trương Bắc tiến. Như thế đoàn sinh viên Huế đã khơi dậy được một xu hướng vận động hòa bình, đối trọng với chủ trương Bắc tiến của những người tổ chức nên cuộc hội thảo.

Thấy mục đích của cuộc hội thảo có thể không đạt được, đám thanh niên sinh viên tay chân của tướng Kỳ đăng đàn phản ứng mạnh mẽ xu hướng vận động hòa bình của sinh viên Huế. Họ không nói thẳng nhưng quy kết chúng tôi thơ ngây, bị “Việt cộng lợi dụng” chống Mỹ.

Phát biểu như thế là vừa đủ. Việc quan trọng còn lại là làm sao phá cho được việc đại diện thanh niên sinh viên toàn quốc ký vào kiến nghị gửi chính phủ VNCH xin Bắc tiến. Việc này sinh viên Huế nhờ vào tài ăn nói chặt chẽ đúng luật của hai người họ Trần là Xuân Kiêm và Anh Tuấn. Cuối cùng hai người họ Trần - đại diện sinh viên Huế - không ký vào bất cứ một kiến nghị Bắc tiến nào. Lý do vì đa số sinh viên Huế phát biểu không đồng tình.

Cuộc hội thảo của tướng Kỳ bày ra không đạt được kết quả. Nhiều người đi tìm để “hỏi tội” chúng tôi, nhưng họ không tìm được chúng tôi ở đâu cả. Bởi vì sau khi phát biểu, sau khi đọc thơ chúng tôi đã lặng lẽ lần lượt vào toilet thay áo quần và chuồn ra ngả sau về ẩn trong tư thất vị bộ trưởng công chánh thân Phật giáo trên đường Đoàn Thị Điểm.

Và sau đó đoàn chúng tôi chia thành nhiều tốp được xe dùng để đi chợ của gia đinh bộ trưởng đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất đáp máy bay Air Việt Nam về Huế an toàn.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Những giọt nước tràn lyKỳ 2: Súng đã nổ!Kỳ 3: Lửa từ bi từ Sài Gòn đến HuếKỳ 4: Sinh viên Huế tuyên chiếnKỳ 5: “Nước lũ” tràn ra HuếKỳ 6: Số phận Ngô Đình Cẩn

______________________

Kỳ tới: Đốt USIS và tòa lãnh sự Mỹ
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên