Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng lần thứ 12 khóa VIII sáng 9-12, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường và giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận có chuyện cán bộ nhũng nhiễu trong việc cấp giấy chứng nhận và phá rừng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Giao doanh nghiệp rừng vẫn bị phá
Bí thư Thành ủy TP Bảo Lộc Lê Hoàng Phụng chất vấn: Có hay không cán bộ Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng nhũng nhiễu người dân trong quá trình cấp các loại giấy chứng nhận?
Ông Nguyễn Ngọc Phúc - giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng - khẳng định: Có. Ông Phúc cho rằng nhiều cán bộ đã lợi dụng nhiều nghị định, thông tư trong lĩnh vực TN-MT mới ban hành chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để làm khó người dân nhằm trục lợi cá nhân.
Hiện chưa phát hiện trường hợp cụ thể nhưng sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát phát hiện và có hướng xử lý.
Ông Phúc cho biết sắp tới Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng sẽ có những thay đổi trong việc cấp giấy chứng nhận để tránh cán bộ có điều kiện tiếp xúc nhiều với người dân, doanh nghiệp, từ đó phát sinh nhũng nhiễu.
Hiện Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng đã ký hợp đồng dài hạn với dịch vụ bưu chính để nếu người dân đồng ý thì nhiều loại giấy tờ sau khi được cấp sẽ chuyển phát tận nhà và bưu chính sẽ được ủy nhiệm để thu các loại lệ phí liên quan.
Trước các chất vấn của đại biểu về tình trạng phá rừng, ông Nguyễn Văn Minh - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, khẳng định rất nhiều cây thông tại TP Đà Lạt và vùng lân cận bị làm chết bằng cách đổ thuốc trừ sâu vào trong thân cây.
Theo thống kê, trong năm 2014 có 33 vụ đổ thuốc độc hạ sát cây rừng. Tuy nhiên chưa truy tố được vụ việc dù đã xác định được đối tượng thực hiện. |
Ngoài ra nhiều khu rừng còn bị tàn phá dù đã được giao cho hơn 600 doanh nghiệp trồng rừng quản lý.
Ông Minh nói: “Do không bắt quả tang nên sau khi xác định được các đối tượng làm chết cây và mời lên làm việc, các đối tượng đều không thừa nhận hoặc thừa nhận chỉ làm chết vài ba cây. Do đó cơ quan chức năng không đủ cơ sở truy tố”.
Về tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, ông Minh cho biết trên toàn tỉnh có 615 doanh nghiệp quản lý bảo vệ và khai thác rừng. Một số doanh nghiệp lơi lỏng quản lý khiến lâm tặc có điều kiện phá rừng.
Tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định yêu cầu 66 doanh nghiệp sai phạm phải đền bù số lâm sản bị thất thoát, tổng cộng 137 tỉ đồng. Hiện đã có 13 doanh nghiệp đóng phạt, một số khác đang trong quá trình khiếu nại.
Quảng Bình: Dân kêu nhiều về dự án quốc lộ 1
Ngày 9-12, kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Quảng Bình khóa 16 đã khai mạc. Nhiều ý kiến của cử tri đã được gửi đến kỳ họp lần này, trong đó bức xúc nhất là vấn đề xe quá tải thi công nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 làm hư hỏng đường sá.
Cử tri ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ phản ảnh một số tuyến đường trên địa bàn đã bị xe tải có tải trọng lớn làm hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.
Trả lời vấn đề này, đại tá Trần Minh Thùy - phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết các nhà thầu thi công quốc lộ 1 và một số chủ phương tiện lợi dụng sự vắng mặt của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và thanh tra giao thông (TTGT) để chở quá trọng tải quy định nhằm kiếm lợi.
Cử tri ở huyện Bố Trạch kêu nhiều về việc thi công dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 có nhiều đoạn cao hơn rất nhiều so với cốt của mặt đường quốc lộ 1 cũ nên gây úng ngập và khó khăn cho người dân đi lại; việc thi công làm hư hại nhà cửa của dân…
Ông Phạm Quang Hải - giám đốc Sở GT-VT Quảng Bình, chủ dầu tư dự án nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình - trả lời cử tri là hồ sơ thiết kế và bản vẽ thi công đoạn quốc lộ 1 qua xã Bắc Trạch không có hạng mục rãnh thoát nước dọc.
Nhưng trong quá trình thi công, đơn vị thi công sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để bảo đảm tránh úng ngập nhà dân dọc hai bên tuyến đường; sở chỉ đạo đơn vị tư vấn thiết kế kiểm tra và rà soát lại để bổ sung những vị trí cần thiết để thi công các đường thoát nước nhằm tránh úng ngập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận