18/02/2014 01:54 GMT+7

Hợp đồng công chứng: may nhờ rủi chịu?

GIA MINH
GIA MINH

TT - Một ngôi nhà được bán cho hai người. Người bán sử dụng giấy tờ giả trong lần giao dịch thứ hai, nhưng công chứng viên vẫn chứng nhận, hậu quả là người mua chịu thiệt, còn công chứng viên khẳng định vô can.

Công chứng 1 thửa đất bán cho 2 ngườiChứng khống hợp đồng, nguyên công chứng viên hầu tòa Thay "hứa mua bán" bằng một hợp đồng có công chứng

03mOO9Fr.jpgPhóng to
Hợp đồng ông Cần bán nhà cho ông Sơn và lời chứng của công chứng viên trong hợp đồng của ông Cần bán nhà cho ông Sơn - Ảnh: Gia Minh

Ngôi nhà nói trên ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.7, Q.3, TP.HCM) do ông Phạm Văn Cần đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà (sổ hồng) đã được ông bán cho bà L.T.Đ.T. với giá ghi trên hợp đồng là 4,5 tỉ đồng, được chứng thực tại văn phòng công chứng Hội Nhập (Q.4, TP.HCM) ngày 16-8-2010. Sau đó, cũng chính ông Cần lại một lần nữa bán căn nhà này cho ông Vũ Hoàng Sơn với giá 2 tỉ đồng ngày 4-1-2012, được chứng thực tại văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (H.Hóc Môn, TP.HCM).

Nhiều bất thường

Theo trình bày của ông Vũ Hoàng Sơn thì ông biết ông Cần qua một vài người bạn, ông Cần đã đưa sổ hồng và những giấy tờ liên quan khác chứng minh mình là chủ căn nhà. Kiểm tra thực tế, nhiều người dân sống quanh đó đều trả lời ông Cần là chủ nhà. Dù căn nhà ở Q.3, ông Sơn ở Q.11, nhưng ông Cần đề nghị chọn công chứng tại văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa (H.Hóc Môn, TP.HCM) vì ông Cần có quen với công chứng viên Trần Trọng Thư làm việc ở đây, sẽ có thể làm thủ tục nhanh chóng.

Ông Cần là người trực tiếp liên hệ với công chứng viên và chuẩn bị mọi giấy tờ liên quan, sau đó hẹn ngày giờ để ông Sơn tới ký hợp đồng. Ông Sơn giao đủ 2 tỉ đồng và nhận bản gốc sổ hồng của căn nhà ngay tại văn phòng công chứng. Khi tới nộp thuế trước bạ tại Chi cục Thuế Q.3 để sang tên đăng bộ tài sản, ông Sơn mới biết ông Cần đã bán nhà trên cho bà T.. Liên hệ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.3, ông Sơn ngã ngửa khi được thông báo bản chính sổ hồng ông đang giữ là giả.

Công chứng viên: “Không thuộc trách nhiệm của tôi”

Công chứng viên Trần Trọng Thư - người chứng thực bản hợp đồng mua bán giữa ông Phạm Văn Cần và ông Vũ Hoàng Sơn dựa trên bộ giấy tờ giả - cho rằng: “Quá trình làm việc tôi đã kiểm tra rất kỹ toàn bộ hồ sơ, giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường và chút kinh nghiệm công tác, chúng tôi không thể đảm bảo chắc chắn phân biệt thật giả được mọi loại giấy tờ. Với trình độ làm giả siêu việt như hiện nay, chỉ ba đơn vị, cá nhân có thể xác định chắc chắn giấy tờ thật hay giả là cơ quan giám định, cơ quan ban hành văn bản và chính người làm giả mà thôi”. Ông Thư khẳng định không quen biết với ông Cần và càng không bao giờ nhận tiền của ông Cần để “làm bậy”. “Còn lý do vì sao họ từ Q.3 xuống tới đây ký hợp đồng là quyền của họ, tôi không thể trả lời thay” - ông Thư nói.

Ông Thư cũng lý giải: “Theo quy định, người đề nghị công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ liên quan tới việc chứng thực. Do đó, người chịu trách nhiệm trong trường hợp này là ông Cần. Tôi có trách nhiệm kiểm tra để đảm bảo quyền lợi của người mua, nhưng tôi không phát hiện được bất thường vì khả năng có hạn, nó không thuộc trách nhiệm của tôi”.

Ông Từ Dương Tuấn, trưởng phòng bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết theo quy định, đương sự đi công chứng phải cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan và chịu trách nhiệm về những giấy tờ đó. Công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra các loại giấy tờ đó, nếu có nghi ngờ thì đề nghị xác minh, giám định, giám định không được thì từ chối. Không nghi ngờ thì có thể ký xác nhận bình thường. Khi được hỏi cơ sở nào để xác định công chứng viên không thể phát hiện bất thường hay cố ý không phát hiện?, ông Tuấn trả lời: “Nhà nước đã tin tưởng trao cho công chứng viên quyền được nhân danh Nhà nước thực hiện việc này thì phải tin tưởng họ”.

Ông Tuấn cũng cho biết: “Hiện nay các công chứng viên có thể tra cứu trên hệ thống dữ liệu của Sở Tư pháp TP để biết tài sản giao dịch có bị ngăn chặn hay không. Nhưng do yếu tố kỹ thuật, việc tra cứu này chưa thể thực hiện đồng bộ, đó có thể là một trong những lý do khiến việc một tài sản được chứng thực mua bán “chồng”. Trong trường hợp này, lỗi không thuộc về công chứng viên. Nếu cơ quan chức năng chứng minh được công chứng viên có thông đồng, móc nối để lừa đảo thì công chứng viên đó phải chịu trách nhiệm”.

Đang ở nước ngoài vẫn... có mặt ký tên công chứng

Ngày 8-7-2013, ông Nguyễn Doãn Linh và bà Phạm Anh Đào là đồng sở hữu một căn nhà trên đường Võ Văn Tần (P.5, Q.3, TP.HCM) lập hợp đồng ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Kim Ngân “thay mặt, nhân danh ông Linh, bà Đào thực hiện các thủ tục hợp thức hóa xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất...”. Nội dung lời chứng của công chứng viên thể hiện: Ngày 8-7-2013, tại văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa, công chứng viên Lý Thị Như Hòa chứng nhận: “Các bên đã đọc lại hợp đồng, hiểu rõ nội dung ghi trong hợp đồng và đã ký, điểm chỉ vào hợp đồng trước sự có mặt của tôi (công chứng viên - PV)”. Tuy nhiên, hồ sơ xuất nhập cảnh thể hiện ông Linh xuất cảnh khỏi Việt Nam từ ngày 10-6-2013, tới ngày 10-7-2013 mới nhập cảnh trở lại, vậy nhưng công chứng viên vẫn chứng thực ngày 8-7, ông Linh ký tên, điểm chỉ trước mặt công chứng viên tại văn phòng công chứng ở H.Hóc Môn.

Ông Phan Thanh Tùng, phó chánh thanh tra Sở Tư pháp TP, cho biết: Thanh tra Sở Tư pháp TP đã tổ chức thanh tra vụ việc, tới nay chưa có kết luận nhưng có thể khẳng định có dấu hiệu lừa đảo, có dấu hiệu sai sót của công chứng viên, vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Q.3 thụ lý.

* Ngoài ra, cũng tại văn phòng công chứng này từng diễn ra việc một tài sản được chứng thực bán cho hai người khác nhau (bài “Công chứng một thửa đất bán cho hai người”, Tuổi Trẻ ngày 26-9-2013).

GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên