Phóng to |
Phóng to |
Miếng đất được bán cho hai người và hai bản hợp đồng công chứng giống nhau, chỉ khác tên người mua và người được ủy quyền bán - Ảnh: M.Hoa - T.Tr. |
Tháng 3-2013, chị Nguyễn Thị T. được giới thiệu mua miếng đất hơn 80m² tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) giá 413 triệu đồng.
Đó là thửa đất số 423, thuộc tờ bản đồ số 9 (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), có diện tích hơn 80m² do bà Hồng Tô Huệ Châu đứng tên, ủy quyền cho ông Hồ Chánh Nghĩa đứng ra giao dịch. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập tại Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa ngày 18-3-2013, do công chứng viên Trần Trọng Thư thực hiện.
Chủ đất giao cho chị T. bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ) để làm thủ tục đăng bộ, sang tên. Chị T. chưa kịp nộp hồ sơ đăng bộ thì ông Nguyễn Tuấn N. đến báo miếng đất trên đã được ông mua từ hai năm trước.
Bán đất, giữ lại giấy tờ gốc
Ông Nguyễn Tuấn N. cho biết năm 2011 ông mua lô đất trên với giá 200 triệu đồng. Lần này, người được bà Huệ Châu ủy quyền là ông Hồ Chánh Nhân, em trai của ông Hồ Chánh Nghĩa. Nhưng theo ông N., ông Nghĩa đứng ra giao dịch trên thực tế còn ông Nhân chỉ có mặt vào thời điểm công chứng và ký tên vào hợp đồng. Do bên bán nhận “bao sang tên” nên sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, ông N. giao hết giấy tờ bản chính để ông Nghĩa làm thủ tục đăng bộ, sang tên. Thấy ông Nghĩa làm thủ tục sang tên lâu quá, không giao lại giấy tờ nhà cho mình, ông N. nhiều lần gọi điện thoại giục nhưng ông Nghĩa cứ khất lần. Đến năm 2013, ông N. muốn bán miếng đất trên, định gửi cho những người môi giới nhà đất trong khu vực. Nhờ những người này, ông N. mới biết chuyện miếng đất đã được bán cho chị T..
Trao đổi với chúng tôi, bà Hồng Tô Huệ Châu xác nhận có ký hai hợp đồng ủy quyền, một lần cho ông Nhân, một lần cho ông Nghĩa. “Mảnh đất này của mợ chồng tôi mua cho. Năm 2011, vợ chồng tôi ly dị, mợ chồng kêu tôi ủy quyền cho anh Nhân là anh chồng tôi đem bán. Nhưng hơn một năm sau anh Nhân vẫn chưa làm xong thủ tục sang tên cho người ta, bà mợ lại kêu tôi ủy quyền cho anh Nghĩa để đi làm thủ tục sang tên cho thuận tiện” - bà Châu cho biết. Bà Châu nói bà không biết hai người anh chồng dựa vào việc có hai giấy ủy quyền khác nhau để bán miếng đất trên hai lần. Hiện bà đã báo sự việc trên với UBND xã Tân Xuân.
Ông N. làm đơn tố giác các ông bà Hồ Chánh Nhân, Hồ Chánh Nghĩa, Hồng Tô Huệ Châu gửi Công an huyện Hóc Môn. Chị T. cũng làm đơn khiếu nại Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa gửi Sở Tư pháp TP.HCM.
Phòng công chứng từ chối trách nhiệm!
Chị T. đang rất lo lắng bởi số tiền chị bỏ ra mua đất không phải nhỏ. Còn ông N. cũng bối rối không kém vì 200 triệu đồng đã bỏ ra.
Bà Lý Thị Như Hòa, trưởng Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa, thừa nhận công chứng viên của văn phòng có thiếu sót do không kiểm tra kỹ dữ liệu trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của bà Châu cho bà T. vào năm 2013. “Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã kiểm điểm công chứng viên. Công chứng viên cho biết không tra cứu trong hệ thống của Sở Tư pháp mà chỉ tra trong sổ lưu của văn phòng nhưng không thấy. Đến khi được anh N. báo tin, cũng phải tra cứu sổ mấy lần mới ra, có thể do cách nhập liệu có vấn đề” - bà Hòa thừa nhận.
Bà Hòa còn cho rằng do giấy ủy quyền lần 2 (của bà Châu cho ông Hồ Chánh Nghĩa) được ký tại văn phòng công chứng khác nên công chứng viên đã chủ quan “nghĩ rằng tài sản này chưa có giao dịch và cứ đinh ninh việc ủy quyền này là hợp pháp rồi” (?!). Vì vậy, khi ông Nghĩa và chị T. mang giấy đỏ bản chính và giấy ủy quyền lên, công chứng viên đã công chứng hợp đồng mua bán mà không biết rằng mảnh đất đó đã được bán từ hai năm trước.
Bà Hòa cũng cho rằng quy định không buộc công chứng viên phải tra cứu thông tin về tài sản chuyển nhượng: “Theo Luật công chứng, người yêu cầu công chứng phải đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của các tài liệu, giấy tờ, còn văn phòng công chứng chỉ làm chứng các giấy tờ đó là có thật, các bên tự nguyện xác lập hợp đồng công chứng mà thôi”. Bà Hòa còn nói đây là một tai nạn nghề nghiệp, công chứng viên của văn phòng này bị lừa. Việc xác định thửa đất trên đã bán hay chưa nằm ngoài khả năng của công chứng viên. “Nói đến cùng, chúng tôi không phải bồi thường cho dù xét trách nhiệm liên đới. Hậu quả do hai bên tự thỏa thuận lừa dối nhau. Ở đây, các ông Hồ Chánh Nghĩa, Hồ Chánh Nhân, bà Huệ Châu phải chịu trách nhiệm bồi thường chứ không phải văn phòng công chứng” - bà Hòa khẳng định.
Sở Tư pháp: văn phòng công chứng phải có trách nhiệm Bà Ung Thị Xuân Hương, giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, khẳng định trong trường hợp này, văn phòng công chứng phải có trách nhiệm phát hiện việc miếng đất trên đã được chuyển nhượng cho người khác. Nếu như hợp đồng chuyển nhượng lần đầu do nơi khác công chứng thì văn phòng có thể không biết do chưa có mạng thông tin giao dịch trên toàn TP. Nhưng ở đây, hai hợp đồng này cùng thực hiện tại một văn phòng thì công chứng viên phải biết. Việc bồi thường thiệt hại cho các đương sự ra sao phải đợi cơ quan chức năng xác định lỗi của các bên. Sở Tư pháp sẽ yêu cầu Văn phòng công chứng Lý Thị Như Hòa báo cáo sự việc trên để có cơ sở xử lý. Cả bà Châu lẫn phòng công chứng phải bồi thường “Cần làm rõ trách nhiệm của bà Hồng Tô Huệ Châu trong lần ủy quyền thứ hai, lẽ ra bà Châu chỉ ủy quyền trong phạm vi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Tuấn N. mà thôi. Nhưng ở đây bà lại ủy quyền cho ông Nghĩa “toàn quyền cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, tặng cho...”. Hợp đồng chuyển nhượng cho chị T. là vô hiệu, chị T. đã bị thiệt hại. Như vậy, bà Châu phải có trách nhiệm bồi thường cho chị T.. Một miếng đất chỉ có một người đứng tên sử dụng không thể đồng thời chuyển nhượng cho hai người khác nhau bằng hai hợp đồng riêng biệt. Trước khi công chứng hợp đồng, văn phòng công chứng phải kiểm tra tính hợp pháp của giấy tờ về quyền sử dụng đất. Chỉ khi nào hợp đồng chuyển nhượng lần đầu đã bị hủy thì công chứng viên mới được công chứng hợp đồng chuyển nhượng lần 2. Công chứng viên không tra cứu dữ liệu nên đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất lần thứ 2 gây thiệt hại cho chị T. nên văn phòng công chứng phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường”. Luật sư NGUYỄN VĂN KHA (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận