Tuyến đường ĐT 609 qua huyện Đại Lộc nằm ven sông Vu Gia, ở đây có những ngôi chợ chiều đã đi vào tiềm thức và lối sống của người dân từ bao đời.
Gần gũi, thân thương, bởi ở đó không chỉ đơn thuần là mua bán, mà là những giao tình được trao gửi, nơi để người dân quê gửi trao những câu chuyện, hỏi thăm nhau.
Chợ Hòa Mỹ, xã Đại Nghĩa chỉ họp chợ vào buổi chiều. Ngôi chợ nhỏ nằm ven sông Vu Gia với những bãi bồi xanh ngắt hoa màu, rau củ quả.
Ở đây, những sản vật quê quen thuộc được người dân thu hoạch và bày bán ở chợ, ngoài thịt, cá, áo quần...
Những ngày cận Tết, chợ càng đông vui, tấp nập hơn, người ta đổ xô đến mua nhiều mặt hàng ngày Tết như hoa quả, trầu cau, bánh trái.
Chợ Phú Hương, xã Đại Quang chiều 28 tháng chạp chật kín người.
Hai bên vỉa hè bày bán đủ loại mặt hàng ngày Tết như hoa, trái cây, trầu cau, chuối xanh, các loại bánh truyền thống như bánh tổ, hạt sen.
Các bà, các mẹ ngồi trước chợ với gian hàng chỉ đơn giản là những loại quả cho mâm ngũ quả như dừa, đu đủ, mãng cầu. Mặt hàng có lẽ bán chạy nhất là trầu cau, những cụ già tay thoăn thoắt têm trầu để bán cho khách. Người ra vào tấp nập, vội mua để kịp về nhà trước khi trời tối.
Bà Hai (70 tuổi), một tiểu thương lâu đời ở chợ, kể rằng mình bán trầu cau ở đây đã từ rất lâu, đặc biệt là những ngày cận Tết khách mua nhiều đem về nhà thờ cúng. "Ráng bán thêm ngày mai nữa là nghỉ, ăn Tết", bà Hai tâm sự.
Cô Lai, một tiểu thương ở chợ Hà Nha, xã Đại Đồng, với gian hàng chỉ là những loại quả của mâm ngũ quả như dừa, đu đủ, hay những giỏ hoa bằng nhựa. Cô kể thường ngày chợ chỉ họp vào buổi sáng, nhưng vào dịp Tết thì có bán cả buổi chiều để phục vụ nhu cầu của khách. Những mặc hàng bày bán buổi chiều thường là hoa quả, vàng mã ngày Tết.
Tôi mua một quả dừa non để làm mâm ngũ quả ở bàn thờ tổ tiên với giá 25.000 đồng, được cô tặng thêm một trái đu đủ. "Kệ, Tết đến nơi rồi, bán cho vui", cô nói. Chợ quê là vậy đó, có những chân tình, ấm lòng và rất giản dị.
Chợ quê, một nét độc đáo của vùng đất, con người và văn hóa những nơi ấy. Có những ngôi chợ tuổi hàng chục, hàng trăm năm không chỉ là nơi buôn bán những đặc sản dân dã, bình dị của thôn quê mà là nơi "nương náu" của các bà, các mẹ, các chị, có người gắn cả đời mình ở chợ, như một ngôi nhà thứ hai của họ.
Ở đó còn là niềm nhớ da diết của bao lớp người xa quê, nhất là những người không có điều kiện về quê khi Tết cận kề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận