Trong buổi tưởng nhớ một năm tác giả Lê Duy Hạnh ra đi tại Hội Sân khấu TP.HCM mới đây, ban tổ chức cũng giới thiệu bài ca cổ do anh Long sáng tác mà Hồng Vân và nhiều người tham gia xúc động khi anh trải lòng về nhọc nhằn của những người cầm bút như ba anh và biết bao tác giả khác.
Hồng Vân: Anh Ba Hạnh muốn Long có thêm động lực viết
Vốn rất yếu mên cố tác giả Lê Duy Hạnh và xem ông như người thầy, người anh đã tận tình dìu dắt mình vào nghề nên Hồng Vân cho biết chị có thâm tình với gia đình tác giả Lê Duy Hạnh.
Chị bảo đã quen biết anh em Long, Hải từ thuở nhỏ, đã từng thấy Long say mê ôm cánh gà xem hát từ bé nhưng khi tác giả Lê Duy Hạnh đưa cho chị kịch bản Đứt dây tơ chùng do Lê Hoàng Long viết chị vẫn rất bất ngờ vì không nghĩ Long âm thầm theo nghiệp viết của ba.
"Anh Ba đưa kịch bản cho tôi từ trước dịch bệnh. Sau đó, do tình hình sân khấu biến động, thêm nữa e viết của Long ảnh hưởng anh Hạnh nên có tính ước lệ cao.
Kịch bản này ý tứ sâu, phù hợp kiểu thể nghiệm nên không dễ dựng, cần thời gian nghiên cứu, suy nghĩ, chứ không thể dựng một cách cập rập" - Hồng Vân chia sẻ.
Hồng Vân xúc động tâm sự khi đưa kịch bản cho chị, ông Hạnh muốn tác phẩm được hiện thực hóa trên sàn diễn, để con trai ông có thêm động lực tiếp tục ước mơ của mình.
Chị rất tiếc vì không thể làm vở diễn trước khi ông Hạnh ra đi.
Từ bản dựng cho học trò tốt nghiệp, Hồng Vân lên kế hoạch sẽ nâng cao vở diễn thành nhạc kịch. Âm nhạc vẫn tiếp tục do nhạc sĩ Minh Vy đảm trách.
Thành phần nghệ sĩ được tăng cường gồm những diễn viên tên tuổi có thể đáp ứng được ca diễn. Đứt dây tơ chùng bản nhạc kịch dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào tháng 9. Sau đó, vở tham gia Liên hoan sân khấu TP.HCM cuối năm nay.
Đi vòng lớn rồi trở lại với đam mê
Anh Lê Hoàng Long hiện là tiến sĩ, đang dạy toán ở một trường đại học tại Mỹ.
Anh vui vẻ cho Tuổi Trẻ Online biết hồi nhỏ anh thường theo ba xem các đoàn biểu diễn. Xem riết rồi mê lúc nào không hay.
Năm 13, 14 tuổi anh từng tham nhóm hát của Hội Sân khấu TP.HCM do đạo diễn Hồng Dung (con gái nghệ sĩ Năm Châu) phụ trách.
Lúc đó, nghệ sĩ kỳ cựu Kim Cúc (mẹ bà Hồng Dung) là người dạy cho nhóm.
Long đã từng diễn vài vai trong các vở cải lương như Cho rừng lại xanh, Lục Vân Tiên, Men rượu hương tình…
Lớn lên, Long học giỏi nhận học bổng du học nước ngoài. Giấc mơ nghệ thuật tưởng gói lại, ai dè khoảng năm 2015 anh lại tập tành viết.
Đã có một số kịch bản Long đưa cho ba Hạnh. Ông khen anh có ý nhưng kịch bản của anh toàn ngôn ngữ tự sự, ngôn ngữ hành động còn ít quá. Từ đó ông trò chuyện, gợi mở nhiều hơn cho con trai về cách viết.
Đứt dây tơ chùng là kịch bản đầu tiên của Long được dựng. Trước đó anh đã chuyển thể cải lương kịch bản Hồn thơ ngọc, có một đạo diễn đang muốn dàn dựng.
Sắp tới, Lê Hoàng Long dự định chuyển thể tiếp Đứt dây tơ chùng sang kịch bản cải lương.
Anh Long thận trọng nói: "Thật ra tôi rất ngại khi mọi người giới thiệu kịch bản của tôi, là con của tác giả Lê Duy Hạnh.
Vì ba là tên tuổi lớn, có nhiều tác phẩm hay, giá trị được mọi người công nhận, yêu quý.
Vì vậy bản thân tôi thấy rất áp lực. Nhưng viết hay làm những gì liên quan đến nghệ thuật là đam mê của tôi. Giống như mình đi một vòng lớn giờ trở lại với tình yêu ban đầu.
Viết không phải là công việc chính của tôi, vì mình yêu rồi tập tành trải lòng bằng ngòi bút. Tôi chỉ cố gắng học hỏi những gì hay từ ba cùng với suy nghĩ bản thân để thể hiện trong các bài ca cổ, những kịch bản sân khấu".
Khi thực hiện kịch bản Đứt dây tơ chùng, tác giả Lê Hoàng Long đã trăn trở viết: "Lịch sử Nam Bộ đã xảy ra bao biến cuộc, cải lương cũng thay đổi thăng trầm theo dòng chảy của thời gian.
Bao bậc tiền nhân đã khai phá cải lương cho ra dáng ra hình, đã đổ nước mắt, mồ hôi và cả máu để nuôi lớn cải lương cho nên cành nên cội.
Đứng trước di sản mà tiền nhân để lại, thế hệ sau phải nghĩ gì, làm gì để không làm mất đi một góc văn hóa Việt Nam?".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận