Câu trả lời còn là dấu hỏi.
Rào chắn ngăn nhóm biểu tình ủng hộ và nhóm chống đối dự luật cải cách bầu cử ở Hong Kong ngày 17-6 - Ảnh: Reuters |
Theo BBC, ngày 17-6 hàng trăm nhà hoạt động chính trị thuộc các phe phái đã tụ tập bên ngoài tòa nhà Hội đồng lập pháp của Hong Kong. Họ giơ cao biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu. Joshua Wong, thủ lĩnh sinh viên 17 tuổi trong phong trào Chiếm trung tâm năm ngoái, cũng có mặt trong nhóm những người biểu tình chống dự luật.
Tình thế gay go
Đợt điều tra thăm dò dư luận cuối cùng trước ngày bỏ phiếu của các đại học ở Hong Kong cho thấy 47% người được hỏi ủng hộ, 38% phản đối, còn 15% chưa quyết định.
Cô Fion Wong, một người biểu tình, cho biết: “Việc thông qua dự luật là phản bội những người đã tham gia phong trào Chiếm trung tâm”. Một người khác là Brandy Yau nói: “Sẽ chẳng bao giờ chúng tôi có cơ hội được bầu ra người chúng tôi thật sự mong muốn làm lãnh đạo cao nhất, và đó là lý do vì sao chúng tôi phải phản đối dự luật”.
Tuy nhiên, một người dân ủng hộ lập luận: “Dự luật cần được thông qua. Chúng tôi phải ủng hộ sự ổn định của Hong Kong. Chúng tôi không thể cứ tiếp tục như thế này mãi”.
Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết đã có ít nhất 200 cảnh sát được điều động đảm bảo an ninh bên trong tòa nhà và khoảng 1.000 người làm nhiệm vụ bên ngoài. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát cho biết còn có thêm lực lượng dự phòng khoảng 5.000 cảnh sát đặc nhiệm khác. Một số tuyến đường dẫn tới các tòa nhà công quyền cũng đã được chặn lại.
Trong khi đó bên trong tòa nhà, các nghị sĩ bắt đầu tranh luận về những nội dung liên quan tới dự luật cải cách bầu cử sẽ quyết định tương lai nền dân chủ tại Hong Kong. Dự luật đã có những chỉnh sửa sau những cuộc biểu tình mạnh của người dân trước đây, nhưng phe phản đối vẫn cho rằng những quy định đó chưa đảm bảo dân chủ để các ứng viên đại diện cho họ có thể tranh cử.
Khó thông qua
Hiện đã có 27 nghị sĩ ủng hộ dân chủ cho biết sẽ bỏ phiếu chống, chiếm 1/3 số ghế trong Hội đồng lập pháp (gồm 70 ghế). Để có được 47 phiếu ủng hộ, đủ điều kiện thông qua dự luật, chính quyền Hong Kong cần thuyết phục được một số nghị sĩ trong nhóm phản đối “quay mũi giáo”, ủng hộ dự luật.
Trong lúc này, một số cơ quan truyền thông ở Hong Kong cáo buộc những người có quan hệ mật thiết với Trung Quốc đút lót các nghị sĩ phản đối hòng mua chuộc lá phiếu.
Tuy nhiên trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh cuối tuần trước, người phát ngôn bộ này đã bác bỏ các cáo buộc, cho rằng chúng “không có căn cứ”.
Trong nhiều ngày gần đây, trước công chúng, quan chức quan trọng thứ hai tại Hong Kong là Cục trưởng hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã thừa nhận rất ít khả năng dự luật cải cách bầu cử được thông qua. Bà Nga cũng nói Ủy ban chống tham nhũng độc lập của thành phố đang điều tra những tố cáo hối lộ liên quan.
Chính quyền Hong Kong cho biết nếu dự luật cải cách bầu cử lần này không được thông qua, việc bầu ra trưởng đặc khu hành chính Hong Kong năm 2017 vẫn sẽ do ủy ban gồm 1.200 thành viên của chính quyền Bắc Kinh thực hiện, như thông lệ trước nay.
Như để trấn an dư luận, trong các nội dung phỏng vấn quan chức Trung Quốc đăng trên trang nhất hai tờ báo thân Bắc Kinh tại Hong Kong ngày 16-6, giới lãnh đạo từ đại lục đã nêu bật thông điệp những cải cách bầu cử lần này sẽ không bất di bất dịch và còn tiếp tục được điều chỉnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận