Bên trong nhà máy sản xuất tàu của CSR Sifang ở Thanh Đảo, Sơn Đông - Ảnh: THX |
Straits Times ngày 7-7 dẫn lời người đứng đầu cơ quan vận tải Hong Kong Anthony Cheung cho biết đã chỉ đạo Công ty tàu điện ngầm MTR (MTRC) và nhiều cơ quan chính quyền thu thập thêm thông tin về đơn hàng 93 đoàn tàu mà Hong Kong đặt hàng từ Công ty TNHH đường sắt miền nam Sifang (CSR Sifang, có trụ sở tại TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).
“Trước những gì chúng tôi biết về tình huống ở Singapore, chúng tôi phải tìm hiểu thêm điều gì đang diễn ra” - ông Cheung nói.
Chính quyền đã biết từ năm ngoái
MTRC đã đặt 93 đoàn tàu loại tám toa với CSR Sifang hồi tháng 7-2015 trị giá 8 tỉ đôla Hong Kong (hơn 1 tỉ USD). Đơn hàng dự kiến sẽ được giao từ năm 2018 đến 2023.
Trước đó, công ty này cũng mua chín đoàn tàu tám toa của CSR Sifang vào năm 2012. Số tàu này sẽ thay thế những đoàn tàu thế hệ đầu tiên của Hong Kong do Anh sản xuất.
“Người Hong Kong chắc chắn sẽ buộc MTRC và cơ quan vận tải xác nhận chất lượng của những toa tàu - chuyên gia vận tải Hung Wing Tat của Đại học Bách khoa Hong Kong nói - Một số có thể yêu cầu MTRC hủy đơn hàng”.
MTRC không nói liệu họ có xem xét lại đơn hàng hay không nhưng cho biết họ sẽ chỉ định các chuyên gia kiểm định an toàn độc lập và tiến hành phân tích các kim loại được sử dụng để chế tạo tàu. Các nhân viên của MTRC tại Thanh Đảo cũng sẽ kiểm tra quy trình lắp ráp và sản xuất của nhà máy.
Tuy nhiên, trang mạng FactWire ngày 7-7 tiết lộ những nguồn tin trong chính quyền cho biết cơ quan vận tải Hong Kong đã được cảnh báo từ năm ngoái.
Cụ thể vào ngày 30-1-2015, cơ quan vận tải Hong Kong nhận được một email gửi đến cho ông Cheung báo cáo về những “sai phạm” trong quá trình đấu thầu tàu mới cho hệ thống tàu MTR đang diễn ra vào thời điểm đó.
Trong phần tài liệu gửi kèm có đề cập đến thông tin tham khảo là vấn đề tàu C151A của Singapore bị nứt. Email này cũng cảnh báo những mờ ám trong hợp đồng mua tàu của MTRC và CSR Sifang.
Tác giả email đề xuất cơ quan giao thông Hong Kong can thiệp và yêu cầu MTRC kiểm tra hồ sơ của các nhà thầu tham gia đấu giá.
Tháng 5-2015, sau khi MTRC tuyên bố họ đang cân nhắc bốn nhà thầu, cơ quan vận tải Hong Kong lại nhận được một email vào tháng 6-2015 cảnh báo phải ngừng dự án khẩn cấp.
Tuy nhiên, vào tháng 7-2015, MTRC vẫn tuyên bố trao hợp đồng đóng tàu cho CSR Sifang.
Hôm 6-7, khi bị chất vấn về những email trên, ông Cheung nói rằng ông không biết chuyện xảy ra vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ông nói rằng quá trình đấu thầu phù hợp với các quy trình của MTRC.
Singapore nói tàu vẫn an toàn
Cơ quan giao thông đường bộ Singapore (LTA) hôm 6-7 cũng đưa phản hồi chi tiết về vụ việc 26 đoàn tàu kém chất lượng được trả về Trung Quốc.
Straits Times dẫn lời LTA cho biết các vết nứt phát hiện vào năm 2013 trên các đoàn tàu của CSR Sifang là do “tạp chất” trong vật liệu nhôm dùng để đóng thân tàu.
LTA nói rằng họ chỉ gửi trả mỗi lần một đoàn tàu để giảm thiệt hại cho các hoạt động của hệ thống tàu và do những tàu bị lỗi vẫn đủ an toàn để chở khách.
Theo giáo sư Park Byung Joon thuộc Đại học SIM của Singapore, trách nhiệm thử nghiệm tàu phải thuộc về nhà sản xuất.
“Giống như mua xe hơi vậy. Khi có vấn đề thì nhà sản xuất sẽ sửa nó - ông nói - Nhưng bởi vì trường hợp này họ đã không công bố nó sớm và câu chuyện lại bị báo chí Hong Kong phanh phui trước, nó có vẻ nghiêm trọng hơn”.
Tuy nhiên theo FactWire, các vết nứt xuất hiện trên sàn lót của tàu, nơi đặt các hộp dụng cụ và dây điện, và các phần nối toa tàu với giá chuyển hướng có thể gây ra nguy cơ lớn.
Kỹ sư Lo Kok Keung - Đại học Bách khoa Hong Kong - nhận định các vết nứt trên phần nâng đỡ tàu lâu ngày có thể khiến giá chuyển hướng bị tách rời khỏi thân tàu và khiến toàn bộ đoàn tàu sụp đổ.
Sau khi vụ tàu điện kém chất lượng bị vỡ lở, CSR Sifang ra tuyên bố nói rằng họ đã thu hồi các tàu bị lỗi ở Singapore và những đoàn tàu đang được sửa chữa.
China Daily ngày 7-7 dẫn lời CSR Sifang giải thích rằng họ “phát hiện vài lỗi trên các thân toa tàu trong đợt bảo dưỡng định kỳ ở Singapore vào tháng 6-2013 và thu hồi 26 tàu về nhà máy để sửa chữa. Vấn đề gây ra do lỗi hợp kim nhôm, qua phân tích không ảnh hưởng tới độ an toàn”.
Dù các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng mở rộng hoạt động trên toàn cầu, họ lại gây ra nhiều lo ngại về vấn đề an toàn. Nhiều đoàn tàu do Trung Quốc sản xuất ở New Zealand và Úc đã bị phát hiện nhiễm amiăng bất chấp các quy định nghiêm ngặt cấm sử dụng các vật liệu gây ung thư hiện nay. Tuy nhiên tàu Trung Quốc có ưu điểm khó từ chối là... giá rẻ. Số tàu được bán cho Hong Kong có giá 8 triệu đôla Hong Kong, khoảng 1 triệu USD mỗi toa, trong khi tàu do Kawasaki sản xuất cho Washington có giá đến 2,8 triệu USD mỗi toa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận