Hướng nhìn từ đất liền ra biển - Ảnh: NGỌC QUANG
"Hòn non bộ" thực tế là một ngọn núi nhỏ, "điểm nhấn" của khu đô thị Ao Tiên (huyện Vân Đồn), đã được UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho Công ty TNHH MTV du lịch Mai Quyền triển khai xây dựng từ cuối năm 2004. Đến nay, hạ tầng tại khu đô thị này cơ bản hoàn thành và bắt đầu giao cho người dân, nhà đầu tư thứ cấp triển khai xây dựng.
Video: Flycam toàn cảnh 'hòn non bộ' trong khu đô thị Ao Tiên ở Quảng Ninh
"Hòn non bộ" từng ở dưới biển hay trên bờ?
Tấm hình đầu tiên chúng tôi chụp theo hướng từ đất liền ra biển thì có cảm giác là "hòn non bộ" nằm ở khu vực nhạy cảm, khá gần biển. Tuy vậy, thực tế "hòn non bộ" nằm ở khu vực gần trung tâm của dự án khu đô thị Ao Tiên, cách khu vực dự án bến cảng Ao Tiên (giáp biển) khoảng 500m và ngay đối diện với dự án khu tái định cư xã Hạ Long, huyện Vân Đồn.
Hiện trạng hiện nay, dự án khu đô thị Ao Tiên giáp vịnh Bái Tử Long ở phía nam; phía bắc giáp khu tái định cư xã Hạ Long; phía đông giáp khu quy hoạch xây dựng sân golf 18 lỗ (chưa triển khai) và phía tây giáp với dự án Hải Đăng.
Để quan sát kỹ hơn và tránh tình trạng "thầy bói xem voi", chúng tôi đã bay flycam và chụp các góc khác nhau:
Chụp cận, nhìn chếch về phía núi cao - Ảnh: NGỌC QUANG
Hướng nhìn từ phía biển, phía xa là bản làng của cư dân bản địa, bên phải là những ngọn núi nhỏ "ngự" trên đất sình lầy, bán ngập - Ảnh: NGỌC QUANG
Hướng nhìn từ khu đường vào cầu cảng Ao Tiên (đang được xây dựng), thì "hòn non bộ" cách khá xa khu vực cảng - Ảnh: LÊ KIÊN
"'Hòn non bộ' trước khi thực hiện dự án có hiện trạng như thế nào? Có phải các ông đã lấp biển để đưa 'hòn non bộ' này lên bờ không?". Phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đặt câu hỏi này với ông Tạ Đức Quyết - giám đốc Công ty TNHH MTV du lịch Mai Quyền, chủ dự án Ao Tiên.
Không trả lời ngay, ông Quyết đi tìm lại một tấm hình cũ: "Các anh xem tấm hình này, đây là thời điểm năm 2004, khi chúng tôi được địa phương giao dự án Ao Tiên. Đến nay đã 18 năm, tôi nhận dự án từ khi tóc còn xanh, nay tóc đã bạc. Tôi và các cộng sự đứng cạnh núi Dê, chính là tên mà trên mạng xã hội họ gọi là 'hòn non bộ' mấy hôm nay đấy".
Không đợi chúng tôi hỏi tiếp, ông Quyết lý giải: "Sở dĩ có tên là núi Dê bởi trước đây người dân trong làng thường thả dê ở khu vực này. Khi nhận dự án, chúng tôi quy hoạch ngọn núi là điểm nhấn giữa hồ điều hòa của công viên rộng 18 ha, phải đào đắp thì mới có được hiện trạng như bây giờ".
"Sau khi nhận đất, tôi cùng với người thân trong gia đình dành nhiều năm cải tạo bãi biển, thuê thêm công nhân san gạt đất để đầu tư dần các hạng mục cơ sở hạ tầng, từ đường điện, vỉa hè và cây xanh, thoát nước. Cứ thế, khu đô thị mới Ao Tiên được hình thành như ngày hôm nay với diện tích khoảng 115 ha và đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án" - ông Quyết nói.
Ông Tạ Đức Quyết cung cấp cho Tuổi Trẻ Online tấm hình cũ, khẳng định là ông (bìa trái) và các cộng sự đứng trước núi Dê năm 2004, khi mới nhận dự án - Ảnh: TIẾN THẮNG chụp lại
Vân Đồn có bao nhiêu "hòn non bộ"?
Làm việc với đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, chúng tôi đặt vấn đề về chuyện xôn xao dư luận vừa qua, đồng thời đề nghị cung cấp thêm thông tin dự án cũng như công tác quản lý quy hoạch.
Vị đại diện dẫn lại nội dung đã được tỉnh Quảng Ninh thông tin chính thức đến dư luận: quy hoạch khu vực Ao Tiên được UBND tỉnh phê duyệt phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2020. Vị trí này không thuộc vùng di sản.
"Dự án khu đô thị mới Ao Tiên được UBND tỉnh Quảng Ninh giao nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2004. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất", vị đại diện khẳng định.
Ngoài dự án khu đô thị Ao Tiên đã được chủ đầu tư hoàn thành, tỉnh Quảng Ninh cũng phê duyệt dự án bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn từ năm 2020 với quy mô diện tích 29,21 ha. Hiện nay, dự án này đang triển khai thi công và cũng cơ bản hoàn thành để thay thế cho cảng Cái Rồng đã xuống cấp và quá tải.
Từ dự án Ao Tiên, chúng tôi đi ngược lại về phía cảng Cái Rồng, nơi tập trung dân cư đông đúc nhất đảo Cái Bầu. Vân Đồn là huyện đảo có diện tích hơn 500 km2 với khoảng 600 đảo lớn nhỏ với nhiều thắng cảnh. Cái Bầu là đảo lớn nhất, nơi đặt trung tâm huyện lỵ và nơi có nhiều dự án quan trọng đã được cấp phép.
Người dân nơi đây cho biết địa hình huyện đảo Vân Đồn chủ yếu là núi non bị chia cắt, khu vực bằng phẳng có thể làm khu đô thị, khu dân cư rất ít, bờ biển có những khu vực sình lầy, bán ngập theo chế độ thủy triều, nên trong quá khứ người dân từng lấn biển. Nhiều khu vực dân cư có "hòn non bộ" như dự án Ao Tiên được coi như đặc thù không chỉ ở Vân Đồn mà ở nhiều khu vực ven biển của tỉnh Quảng Ninh.
Ví dụ như nhìn tấm hình dưới đây, có tới hai "hòn non bộ" ngay giữa khu vực đông dân cư nhất huyện đảo, cạnh cảng Cái Rồng. Khu cảng này đã được quy hoạch di dời bởi nó không đáp ứng được nhu cầu phát triển của một thành phố biển đảo trong tương lai.
Thị trấn Cái Rồng nhìn từ hướng cảng vào bờ, nơi tập trung đông dân cư nhất huyện đảo Vân Đồn - Ảnh: NGỌC QUANG
Nói thêm về kế hoạch phát triển nhà ở, khu đô thị tại huyện Vân Đồn, đại diện ban quản lý cho biết từ nay đến năm 2025 sẽ có khoảng 14 dự án.
Điển hình như: khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn tại xã Vạn Yên quy mô 390,61 ha; khu đô thị Hải Đăng Vân Đồn xã Hạ Long 147,838 ha; các khu dân cư thôn Đông Tiến, Đông Thành, xã Đông Xá 9,992 ha; tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp, sân golf và khu dân cư Monbay Vân Đồn, khu vực Ao Tiên, xã Hạ Long 299,64 ha...
Phối cảnh dự án khu đô thị Ao Tiên và bến cảng quốc tế do Công ty Mai Quyền xây dựng - Ảnh: TIẾN THẮNG chụp lại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận