Tư vấn nhóm ngành khoa học kỹ thuật - công nghệ - y dược - nông lâmTư vấn nhóm ngành Xã hội nhân văn - báo chí - sư phạm - quân đội - công anTư vấn nhóm ngành kinh tế
Phóng to |
Các học sinh, phụ huynh tham dự buổi tư vấn tuyển sinh tại Bến Tre - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Chương trình này được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài phát thanh và truyền hình Bến Tre, kênh 23UHF.
Ban tư vấn chương trình gồm các thầy cô, chuyên gia tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp đến từ các trường ĐH công lập ở TP.HCM và Trường ĐH Tiền Giang.
Tại đây chương trình tư vấn cũng chia thành hai phần: tư vấn chung (bắt đầu từ 8g-9g30) cung cấp cho thí sinh những thông tin chung nhất về tuyển sinh năm 2011, và tư vấn chuyên sâu theo ba nhóm ngành: khoa học kỹ thuật - công nghệ - dược - nông lâm; kinh tế; xã hội nhân văn - báo chí - sư phạm - quân đội - công an.
6g30 sáng, nhiều học sinh đã đạp xe đến địa điểm tổ chức chương trình tư vấn. Nhiều học sinh cũng được phụ huynh đưa đến chương trình từ sáng sớm. Một số học sinh cách xa địa điểm tổ chức cũng bắt xe đò đi từ 5g sáng để kịp dự chương trình khai mạc.
Có mặt sớm nhất tại chương trình tư vấn, nhóm học sinh của trường THPT chuyên Bến Tre đã nhanh chóng phối hợp các đoàn viên thanh niên chuẩn bị hàng ngàn phần quà dành tặng cho học sinh, phụ huynh tham gia chương trình. Phần quà gồm có tờ trắc nghiệm ngành nghề, đĩa CD luyện thi trắc nghiệm, bút…
Đạp xe từ 5g sáng, bạn Ngô Hoàng Kiểm, Trường THPT Võ Trường Toản phải vượt 25 km để đến tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Kiểm cho biết: “Em đã chuẩn bị rất nhiều cậu hỏi để nhờ các thầy cô trong ban tư vấn giải đáp. Hy vọng các thầy cô sẽ truyền đạt đầy đủ các kiến thức về tuyển sinh, hướng nghiệp cho các bạn”.
Tương tự, bạn Nguyễn Thành Đạt, THPT Lạc Long Quân chia sẻ: “Được thầy cô trong trường khuyến khích tham gia chương trình cả tuần nay, em và các bạn trong trường đang rất hồi hộp để tham dự. Các bạn ở các lớp đang chuẩn bị rất nhiều nhóm câu hỏi về tất cả ngành nghề, nhu cầu việc làm và các chương trình học bổng tại các trường”.
Phóng to |
Phụ trách đưa học sinh đến tham dự, cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP.Bến Tre) cho biết trường cô tham dự có tất cả 12 khối lớp trong toàn trường, mỗi khối lớp từ 40-50 học sinh. Cô Hà cho biết thêm, học sinh ở trường chủ yếu được biết thông tin qua kinh nghiệm của giáo viên chủ nhiệm, chứ chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận những nguồn thông tin chính thống. “Chương trình sẽ giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về thông tin tuyển sinh, hướng nghiệp để định hướng tương lai tốt hơn” - cô Hà nói.
Gần sát giờ khai mạc, hàng trăm học sinh tập trung tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre làm không khí nóng lên. Các tiết mục văn nghệ do đoàn viên thanh niên thuộc tỉnh đoàn Bến Tre góp phần làm cho không khí của chương trình thêm sôi nổi.
Có mặt sớm nhất tại chương trình, bác Hồ Văn Mỹ - thị trấn Châu Thành, Bến Tre mang hàng chục câu hỏi của con gái gởi đến ban tư vấn. Bác cho biết: “Cháu bị sốt ba ngày nay dù đã cố gắng uống thuốc và ăn uống đầy đủ nhưng bệnh tình vẫn không giảm. Nên con gái nhờ bác đến nhờ các thầy cô trong ban hướng dẫn về cách chọn trường, chọn ngành. Bác không hiểu gì về chương trình tư vấn, mong các thầy cô ở đây sẽ giúp bác trong việc hướng dẫn cho con mình trước kì thi tuyển sinh đại học sắp tới.
Đúng 8g, chương trình tư vấn bắt đầu
Phóng to |
Mở đầu chương trình, ông Lâm Kiến Thiết - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bến Tre, phát biểu khai mạc: “Các em học sinh thân mến, chương trình tư vấn tuyển sinh của báo Tuổi Trẻ đã tổ chức nhiều năm qua tại tỉnh Bến Tre. Chương trình có ý nghĩa to lớn, giúp học sinh có định hướng đúng đắn bước vào kì thi. Tôi xin chân thành cám ơn ban tổ chức, ban tư vấn đã dành chương trình tư vấn cho học sinh tỉnh nhà. Các em học sinh cần mạnh dạn đặt ra những câu hỏi đến ban tư vấn để đi đến có lựa chọn đúng đắn cho tương lai của mình”.
Bắt đầu phần tư vấn chung, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - giới thiệu những nét chung về kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011.
Về cơ bản tuyển sinh năm nay không có khác biệt lớn so với kỳ thi những năm trước. Tuy nhiên có hai điểm mới trong kỳ thi năm nay liên quan đến thí sinh: mốc thời gian nộp hồ sơ dự thi năm nay lùi bốn ngày vào ngày 14-3 đến 14-4-2011. Các thí sinh tự do nộp tại các địa điểm sở GD-ĐT qui định. Từ 15-4 đến 21-4 nộp hồ sơ đăng ký dự thi; thí sinh trúng tuyển không cần làm hồ sơ nhập học và chỉ làm một số thủ tục đơn giản theo qui định của mỗi trường.
Phóng to |
Năm nay kỳ thi tiếp tục thực hiện theo phương thức “3 chung”: thi chung đợt, làm chung đề, sử dụng chung kết quả. Thi chung đợt giống như mọi năm cũng thi 3 đợt: 4 và 5 -7 (khối A), 9 và 10-7 (khối B,C), 15 và 16-7 (thi Cao đẳng); làm chung đề thi: nếu thi tự luận làm bài trong 180 phút, nếu thi trắc nghiệm 90 phút; sử dụng chung kết quả: trong hồ sơ dự thi mỗi thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng duy nhất, điều kiện để có nguyện vọng 2, 3 là thí sinh phải rớt nguyện vọng 1. Không phải tất cả thí sinh dự thi đều được xét nguyện 2, 3 mà thí sinh phải có kết quả dự thi trên điểm sàn qui định của Bộ GD-ĐT mới được trường thí sinh dự thi cấp phiếu số 1 và số 2 để đăng ký xét tuyển.
Thí sinh phải theo dõi thông tin các trường trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của các trường để biết chỉ tiêu xét tuyển và những thông tin liên quan để nộp hồ sơ xét tuyển.
* Thưa các thầy cô, em muốn biết về cách chọn trường, cách chọn NV2,3? (Bạn Tâm An)
- Th.S Lâm Tường Thoại: Thầy Hùng đã nói về NV2,3. Tôi xin nhắc lại những điểm chính mà em hỏi. Để có NV2,3 các em phải rớt NV1. Nếu các em trượt NV1, sau đó tìm thêm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các trường. Các em lưu ý vì đây chỉ là điểm để nộp đơn chứ chưa chắc chắn đã đậu. Cũng nên lưu ý là ngành xét NV2 không phải là ngành em đã dự thi ban đầu.
Em có thể đăng kí ngành khác nhưng cùng khối thi.Các em đừng vội vàng thấy trường nào có NV2 là lập tức nộp đơn. Theo kinh nghiệm của tôi, các em nên coi xem có điểm vừa sức với điểm của em hay không. Nếu em đang xin phúc khảo thì đừng chờ đến kết quả phúc khảo mà lấy điểm đó xét tuyển luôn để không muộn.
* Xu hướng tuyển dụng giai đoạn 2010-2015 ngành kinh tế như thế nào?
- Th.S Trần Thế Hoàng: Chúng tôi vui mừng khi nhận thấy khối ngành kinh tế luôn luôn được các bạn chú ý. Không chỉ riêng học sinh Bến Tre mà học sinh những tỉnh thành khác. Dự báo của các chuyên gia, chúng ta tin rằng sắp tới ngành này sẽ giữ một vị thế quan trọng bên cạnh những ngành xã hội, tự nhiên, y dược… Đặc biệt, trong xu thế hội nhập thì ngành này rất quan trọng. Các bạn cứ yên tâm khi lựa chọn ngành này.
* Nguyện vọng 1B là gì, có phải trường nào cũng có nguyện vọng 1B? (Nhiều thí sinh đặt câu hỏi)
- TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên: Đây là vấn đề mới đang được các thí sinh quan tâm. Trong kỳ thi do một số trường tuyển theo ngành thi do đó điểm chuẩn trúng tuyển vào một số ngành rất cao, do đó có những trường hợp thí sinh điểm cao nhưng vẫn rớt… Năm nay, các trường thành viên ĐHQG TP.HCM sẽ xét tuyển NV1B. Theo đó, trong hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh có thể đăng ký thêm 1 nguyện vọng ngoài ngành dự thi chính của mình gọi là NV1B. Nếu sau khi dự thi, thí sinh không trúng tuyển ngành đăng ký dự thi ban đầu, các trường sẽ xét các em vào những ngành còn lại của trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu. NV1B nếu trúng tuyển hoàn toàn như thí sinh trúng tuyển NV1, mức học phí cũng như nhau.
Phóng to |
* Trường CĐ khác với CĐ nghề thế nào? (Một thí sinh đặt câu hỏi)
- PGS TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM: Hiện nay có hai dạng CĐ: CĐ chuyên nghiệp trực thuộc Sở GD-ĐT, còn CĐ nghề trực thuộc Sở Lao động thương binh xã hội. Trường CĐ nghề chủ yếu học nghề, còn CĐ chuyên nghiệp học lý thuyết nhiều hơn. Tuy nhiên, cả hai hệ CĐ này hiện nay đều được học liên thông lên ĐH.
* Ngành công nghệ thông tin điểm chuẩn hàng năm khoảng bao nhiêu và cơ hội việc làm như thế nào? (Một câu hỏi trực tiếp tại hội trường)
- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành công nghệ thông tin là một trong những ngành công nghệ kĩ thuật mũi nhọn hiện nay. Ngành này cung cấp đội ngũ lao động chất lượng cao cho ngành kinh tế. Do đó, có nhiều trường đào tạo ngành này và có nhiều mức điểm chuẩn khác nhau. Có thể nói ngành này có điểm chuẩn khá cao so với điểm chuẩn các ngành khác. Đơn cử khoảng 18-21 điểm khối A. Một số trường trên điểm sàn 1-2 điểm tức khoảng 14-15 điểm. Do đó, các em yêu thích ngành công nghệ thông tin hãy tham khảo điểm chuẩn của các trường.
Nhóm ngành này có cơ hội việc làm cao. Trong đó, kĩ thuật phần mềm, mạng thông tin…có cơ hội việc làm cao. Tuy nhiên, điều đó tùy thuộc vào bản thân học sinh, sinh viên có chứng minh được năng lực của mình hay không. Tôi xin nói thêm rằng các bạn yêu thích CNTT cũng nên lưu ý các trường CĐ có đào tạo về CNTT. Sau khi tốt nghiệp, các bạn liên thông lên đại học và nhận bằng tốt nghiệp ĐH ngành công nghệ thông tin.
* Năm nay chúng em thi ĐH nhưng 3,4 năm sau chúng em mới đi làm. Nhu cầu nhân lực của ngành nào dự kiến sẽ có nhiều việc làm trong vài năm tới? (Một học sinh đặt câu hỏi)
- ThS Nguyễn Thế Hùng - trưởng phòng đào tạo ĐH Tiền Giang: Các em đang phải chuẩn bị vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Các em cần tập trung học tập để thi cho thật tốt. Còn vấn đề cơ hội việc làm sau này thì thầy có một số thông tin cơ bản đến các em như sau:
Tại ĐH Tiền Giang, mỗi năm chúng tôi đón tiếp gần cả 100 doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp đến đăng tuyển dụng SV năm cuối… Các ngành SV tốt nghiệp tại ĐH Tiền Giang có nhiều việc làm: kế toán, công nghệ thực phẩm, công nghệ sau thu hoạch, nuôi trồng thủy sản… SV ra trường có việc làm ngay. Bên cạnh đó SV các ngành du lịch, quản trị dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội việc làm.
*Mình được thi hai trường ĐH và một ngành CĐ. Nếu không đủ điểm có được xét vào ngành của trường đó hay không? (Một học sinh đặt câu hỏi trực tiếp)
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Trong các trường ĐH có đào tạo hệ CĐ, nhiều trường chỉ tổ chức thi ĐH và xét nguyện vọng vào CĐ. Thông thường, các trường CĐ xét tuyển NV2. Nếu em đủ điều kiện thì nộp đơn xét chứ trường không tự xét cho em. Các em chú ý, tôi cung cấp thêm thông tin liên quan đến tỉnh Bến Tre: Năm 2010, tỉnh Bến Tre có 11.525 thí sinh dự thi tuyển sinh vào ĐH. Điểm trung bình 10,9 so với 11,3 tỷ lệ trúng tuyển của cả nước. Tỷ lệ trúng tuyển của học sinh tỉnh Bến Tre chỉ khoảng 10%.
Nếu chúng ta không đủ sức thì có thể học CĐ và sau đó liên thông lên ĐH. Ai cũng muốn vào ĐH nhưng tỉnh chúng ta số học sinh đậu chỉ có 10% thôi nên các em cân nhắc. Bằng liên thông từ CĐ lên ĐH là bằng chính qui. Đi đường thẳng không được nên đi đường vòng để đạt được mục đích của mình. Xin cám ơn các em.
* Thưa các thầy cô, em băn khoăn chọn trường tư hay trường công, em nên chọn trường nào?
- TS Phạm Tấn Hạ: Giữa trường công và trường tư khác nhau cơ bản là học phí giữa hai trường này. Còn về chương trình đào tạo, bằng cấp đều có giá trị pháp lí như nhau. Khi các bạn đi xin việc nhà tuyển dụng không phân biệt điều này. Chương trình đào tạo giống nhau 70% trong cả nước, còn 30% còn lại là các trường. Trường công hay trường tư, các bạn nên theo dõi và phụ thuộc vào năng lực của chính các bạn. Chọn trường có năng lực phù hợp với mình nhất, đó là điều tôi muốn chia sẻ với các bạn.
* Thưa thầy, hiện em chưa định hướng được ngành nghề để thi? Em thích học khối A. Ngành nào là ngành “hot” trong năm 2011?
- TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Theo thống kê có tới 70% ngành nghề thi tuyển khối A, trong đó 70% các ngành kỹ thuật và các ngành kinh tế. Các em phải tự xác định để biết mình yêu thích ngành nghề nào. Một kinh nghiệm chọn ngành nghề là các em cần tham khảo thêm cha mẹ, anh chị để có lời khuyên tốt nhất. Các em nên chọn những ngành phù hợp với khả năng, điều kiện gia đình và sở thích của mình…
* Sau khi học hệ CĐ cần điều kiện gì để tiếp tục lên ĐH? Các em phải thi gì nữa không ạ? (Một thí sinh đặt câu hỏi trực tiếp)
- TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Theo qui định các em tốt nghiệp CĐ loại khá trở lên thì các em được học tiếp tục ngay lên ĐH, còn các em tốt nghiệp loại trung bình thì các em cần phải có 2 năm kinh nghiệm trong ngành học của mình. Các em phải trải qua kỳ thi tuyển với các môn thi: cơ sở ngành và môn chuyên ngành. Các em có thể theo dõi những thông tin này trên website của các trường…
Nhu cầu nhân lực của ngành luật như thế nào? để trở thành luật sư nên học những gì?
- Th.s Lê Văn Hiển: Về nhu cầu việc làm ngành luật, hiện nay, theo thống kê của Bộ Tư pháp, các ngành thuộc tư pháp đang rất thiếu nhân lực nên nhu cầu rất lớn. Hiện cả nước có 2 cơ sở đào tạo ngành luật ở phía Bắc và phía Nam. Tổng chỉ tiêu đào tạo hàng năm khoảng 6000-7000 chỉ tiêu. Do đó, nhân lực ngành luật hiện nay rất thiếu. Để làm luật sư, trước hết, các bạn phải tốt nghiệp cử nhân luật. Sau đó, các bạn học nghiệp vụ luật sư 6 tháng, trải qua một kì thi nữa để được chứng nhận làm luật sư.
* Học ngành luật sau khi tốt nghiệp không làm luật sư mà có thể làm công an? Ngoài ra, em còn có thể làm gì sau khi tốt nghiệp ĐH luật?
- ThS Lê Văn Hiển - phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM: Tại trường ĐH Luật TP.HCM đào tạo 5 lĩnh vực chuyên sâu. Các bạn được trang bị đầy đủ các kiến thức chuyên môn chung về ngành luật. Ngoài ra, các bạn còn được trang bị những kiến thức cơ bản khác hoàn toàn có thể công tác trong ngành công an.
Tuy nhiên, còn phụ thuộc các địa phương có nhu cầu tuyển dụng các bạn hay không. Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp ĐH Luật các em có thể công tác ở nhiều ngành khác tại các cơ quan nhà nước hoặc tại các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực pháp lý.
* Thưa thầy, ĐH Y có xét NV 2 hay không? Có xét hệ CĐ hay không?
- Th.s BS Trương Tấn Trung: ĐH Y Dược TP.HCM không tổ chức kì thi CĐ, chỉ tổ chức thi ĐH. Qua kì thi này, nếu các bạn không đủ điểm vào ĐH thì nhà trường sẽ xét tuyển vào hệ trung cấp căn cứ nhu cầu chỉ tiêu của trường. ĐH Y dược TP.HCM không cho các bạn đăng kí NV2 vì các ngành của ĐH Y dược các bạn thi rất đông. Hơn nữa, điểm thi của các bạn rất cao nên chỉ tiêu đã đủ.
Do đó, không thể nào xét tuyển NV2. Sau khi các bạn đến dự thi ĐH, trường sẽ thông báo những môn xét tuyển vào trung học cho các bạn. Thông thường là môn toán, sinh. Sau khi tốt nghiệp hệ này, về địa phương làm việc các bạn có thể học thêm lên bác sĩ để đạt được nguyện vọng của mình.
* Những ngành nghề nào vừa có thể học, vừa có thể làm?
- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Hiện nay, ở Việt Nam có hệ ĐH vừa làm vừa học hay là ĐH tại chức. Nếu các bạn không đậu hệ chính qui, các bạn có thể học trung cấp nghề, cao đẳng và ra đi làm. Trong quá trình đi làm, các bạn hoàn toàn có thể đăng kí vào học hệ vừa học vừa làm. Trong điều kiện kinh tế khó khăn các bạn vừa làm vừa học, sau một thời gian phấn đấu có thể học tiếp. Tôi xin thông tin thêm các bạn, nhiều người đã lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ từ hệ này. Các em nên cân nhắc điều kiện kinh tế gia đình để lựa chọn. Chúc em thành công.
* Trường ĐH Y Dược có trung cấp y học cổ truyền hay không? (Một câu hỏi trực tiếp)
- Th.S BS Trương Tấn Trung: Hiện ngành y học cổ truyền ở ĐH Y Dược TP.HCM đã tổ chức đào tạo được 6,7 năm nay theo nhu cầu xã hội. Hệ trung cấp ngành này không thi tuyển. Em phải thi đầu vào đại học ở trường, sau đó sẽ lấy một điểm sàn nhất định của hai môn toán, sinh để tham dự khóa học này. Sau khi tốt nghiệp, các bạn về địa phương làm việc. Các bạn có thể học lên bác sĩ y học cổ truyền. Chúc em thành công.
* Khi thấy tỷ lệ chọi của một trường quá cao có đáng ngại không và có nên đăng ký dự thi vào trường này không?
- TS Nguyễn Kim Quang - trưởng phòng đào tạo ĐH Khoa học tự nhiên: Nhiều em lo lắng tỷ lệ chọi cao khó trúng tuyển nhưng thực tế nhiều năm qua, một số ngành tỷ lệ không cao nhưng điểm chuẩn rất cao như Trường ĐH Y dược TP.HCM, một số ngành của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM… Kết quả cuối cùng đáng quan tâm là điểm chuẩn của mỗi ngành. Các em cần tham khảo những thông tin về điểm chuẩn để chọn ngành phù hợp với khả năng của mình mà đăng ký dự thi.
* Có thông tin về cấu trúc đề thi năm nay khó hơn. Trường ĐH kinh tế TP.HCM năm nay có dạy hệ CĐ?
- ThS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM: Theo qui định của Bộ GD-ĐT, cấu trúc đề thi về nguyên tắc bám sát chương trình học của các em, chủ yếu là kiến thức lớp 12. Đề thi thường không quá khó hay quá dễ. Đề thi khó thì các học sinh vùng sâu, vùng xa sẽ có lợi hơn so với các học sinh thành phố vì các em được cộng điểm. Đề thi đảm bảo hai tiêu chí: có các câu kiến thức cơ bản và một số câu hỏi khó.
Trường kinh tế TP.HCM năm nay tổ chức thi tuyển ĐH khối A, ngày 4 và 5-7-2011. Trường không đào tạo CĐ mà chỉ đào tạo liên thông từ CĐ lên ĐH.
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM: Đề thì không mang tính đánh đố thí sinh nhưng có tính phân loại thí sinh giỏi. Đề khó hay dễ không quan trọng, khó là khó chung cho mọi người. Các em không nên quan tâm tới chuyện đề dễ hay khó, cần phải cố gắng học thật tốt để có kết quả cao.
* Sự khác nhau giữa học viện quan hệ quốc tế và khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM?
- TS Phạm Tấn Hạ - phó phòng đào tạo ĐH KHXH&NV: Học viện quan hệ quốc tế chuyên đào tạo những người làm công tác quan hệ đối ngoại trong các cơ quan công quyền. Còn trường ĐH KHXH&NV TP.HCM người làm công tác quan hệ đối ngoại trong các cơ quan công quyền và các đơn vị kinh tế xã hội.
Ngành học này của Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM còn non trẻ hơn so với Học viện quan hệ quốc tế nhưng nhìn chung hai trường đều đào tạo 70% kiến thức giống nhau của ngành này, 30% còn lại là thế mạnh của mỗi trường. Tuy nhiên, ngành học này nhiều năm nay có điểm chuẩn rất cao và ngành này đòi hỏi kiến thức về ngoại ngữ rất cao. Vì vậy các em phải hết sức cân nhắc khi đăng ký dự thi vào ngành học này.
* Thưa thầy, cho em hỏi điểm cộng ưu tiên cho tỉnh Bến Tre?
- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Có điểm ưu tiên cho đối tượng (con thương binh, gia đình liệt sĩ…), ưu tiên khu vực: Khu vực 1 được ưu tiên 1,5 điểm, khu vực 2NT được 1 điểm, khu vực 2 được 0,5 điểm.
- Th.S Trần Thế Hoàng: Các bạn nên tham khảo trong cuốn Những điều cần biết năm 2011. Tuy nhiên, cuốn này hiện nay chưa có nên tôi xin cung cấp cho các em tham khảo về ưu tiên của các ban trong năm 2010:
KV 1: Gồm các huyện: Bình Đại, Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam (trừ thị trấn Mỏ Cày thuộc KV2-NT), Giồng Trôm (trừ thị trấn Giồng Trôm thuộc KV2-NT), Châu Thành (trừ thị trấn Châu Thành thuộc KV2-NT), Ba Tri (trừ thị trấn Ba Tri thuộc KV2-NT), Chợ Lách (trừ thị trấn Chợ Lách thuộc KV2-NT).
KV2-NT: Gồm các thị trấn: Mỏ Cày, Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Chợ Lách. KV2: Gồm các xã, phường của thành phố Bến Tre.
* Thưa các thầy cô, chỉ tiêu ngoài ngân sách là thế nào, chỉ tiêu ra sao?
- TS Nguyễn Văn Thư - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM: Chỉ tiêu ngoài ngân sách chỉ áp dụng với một số ngành ở một số trường có điểm chuẩn cao. Các trường phải làm văn bản xin Bộ GD-ĐT mở hệ ngoài ngân sách. Khi tuyển hệ ngân sách, thường các trường sẽ lấy điểm chuẩn của ngành đó thấp hơn từ 1 – 1,5 điểm so với hệ chính qui trong ngân sách. SV học hệ ngoài ngân sách phải đóng học phí cao hơn.
* Trình độ Anh văn của em không cao, em cần phải làm gì để học tốt ở đại học?
- Th.S Trần Thế Hoàng: Khi thí sinh trúng tuyển vào trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chúng tôi kiểm tra tiếng Anh đầu vào để biết được trình độ tiếng Anh của các em. Sau đó, sẽ chia sinh viên ra thành các nhóm: Rất giỏi, trung bình, và hơi yếu. Các em học tập theo các kiến thức để phù hợp với chuẩn đầu ra của trường, thông thường khoảng 450 TOIEC.
* Thưa thầy cô làm sao để xác định khả năng của mình phù hợp với ngành nghề nào?
- TS Phạm Tấn Hạ - phó phòng đào tạo ĐH KHXH&NV: Các bạn đang có trong tay tờ trắc nghiệm năng lực thí sinh của báo Tuổi Trẻ tặng. Các em thử làm trắc nghiệm này vài lần xem mình phù hợp với ngành nào. Ngoài ra, các bạn cần tham khảo thêm ý kiến của phụ huynh để được tư vấn, lựa chọn ngành nghề phù hợp với mình. Tuy nhiên, sở thích chỉ là một phần, quan trọng là các bạn phải chọn ngành học phù hợp với năng lực của mình.
Đúng 11g, chương trình tư vấn kết thúc nhưng tại các khu vực tư vấn theo nhóm ngành, một số bạn chưa tự tin đặt câu hỏi vẫn tranh thủ "tâm sự" với nhiều thành viên ban kinh tế. Ngoài ra, nhiều bạn ở xa vẫn nán lại kiên trì chờ đợi đặt câu hỏi và nhờ ban tư vấn "gỡ rối".
Danh sách ban tư vấn tại Bến Tre: Nhóm ngành khoa học kỹ thuật - công nghệ - y dược - nông lâm 1. PGS TS ĐỖ VĂN DŨNG -phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM 2. TS NGUYỄN VĂN THƯ - phó hiệu trưởng ĐH Giao thông vận tải TP.HCM 3. TS NGUYỄN KIM QUANG - trưởng phòng đào tạo ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) 4. PGS TS HUỲNH THANH HÙNG - phó hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM 5. Th.s BS TRƯƠNG TẤN TRUNG - ĐH Y dược TP.HCM 6. Th.S NGUYỄN THANH BÌNH - trưởng phòng hành chính tổ chức ĐH Tiền Giang. Nhóm ngành kinh tế 1. Th.S TRẦN THẾ HOÀNG - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM 2. Th.S HỨA MINH TUẤN - trưởng phòng đào tạo ĐH Tài chính marketing 3.Th.S LÂM TƯỜNG THOẠI - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) 4.Th.S NGUYỄN THẾ HÙNG - trưởng phòng đào tạo ĐH Tiền Giang Nhóm Xã hội nhân văn - báo chí - sư phạm - quân đội - công an 1. TS PHẠM TẤN HẠ - phó phòng đào tạo ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) 2. Th.S LÊ VĂN HIỂN - phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM |
Đơn vị tài trợ:
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận