Tư vấn nhóm ngành kinh tế
Phóng to |
Thí sinh đang đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại Bến Tre - Ảnh: Như Hùng |
* Ngành quản trị kinh doanh xin việc làm phải có kinh nghiệm từ 2-3 năm có phải không ạ? Vậy SV mới ra trường phải làm sao mới đủ điều kiện tuyển dụng?
- Th.S Trần Thế Hoàng: Hiện nay các doanh nghiệp ít đặt vấn đề phải có kinh nghiệm bao nhiêu năm mới tuyển dụng. Ngành quản trị kinh doanh người ta cũng có lưu ý đến kinh nghiệm nhưng không đặt nặng vấn đề này.
Trong thời gian làm sinh viên, các bạn có thể thu thập thêm kinh nghiệm làm việc bằng cách: tham gia vào các hoạt động nhà trường, đội nhóm, câu lạc bộ học thuật, tìm hiểu chứng khoán, tham gia các cuộc thi như cuộc thi “Nhà doanh nghiệp tương lai” do ĐH Kinh tế TPHCM tổ chức. Qua đó các bạn có thể tự tích lũy kinh nghiệm cho mình. Ngoài ra bạn đăng ký làm thêm hoặc tận dụng thời gian thực tập thì sẽ có thêm những kinh nghiệm quý giá để thuyết phục nhà tuyển dụng.
* Trường ĐH Kinh tế TPHCM và ĐH kinh tế - luật chất lượng giảng dạy và bằng cấp khi ra trường có như nhau không?
- Th.S Trần Thế Hoàng: về cơ bản, chương trình đào tạo, mục tiêu đào tạo các trường kinh tế tương đối giống nhau. Cái khác biệt chính là người cầm trên tay cái bằng cấp đó. Nếu bạn tốt nghiệp với bảng điểm tốt thì tất nhiên cơ hội tuyển dụng cao hơn những bạn có bảng điểm thấp, thi lại, học lại nhiều.
* Em thi ĐH kinh tế luật vào một ngành nào đó nhưng không đậu thì có được chuyển điểm qua một ngành khác trong trường không?
- Th.S Lâm Tường Thoại: Nếu em thi vào ngành kế toán, lấy 19 điểm nhưng em chỉ được 18 điểm, trường sẽ mời em chuyển qua những ngành khác với điều kiện ngành đó tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Em chỉ được gọi khi trong trường còn một số ngành thiếu một số chỉ tiêu nhất định. Nếu em đồng ý thì em sẽ được vào học ngay, nếu em không thích thì có thể gửi giấy báo điểm qua trường khác để xét nguyện vọng.
* Em muốn hỏi ngành kinh tế học học gì và tỷ lệ có việc làm sau khi tốt nghiệp?
- Th.S Trần Thế Hoàng: Cơ hội việc làm, vị trí công tác chủ yếu là làm nghiên cứu giảng dạy, công tác ở các viện nghiên cứu chính sách, hoạch định chiến lược tầm vĩ mô, hoặc làm ở các ban dự án, ngoài ra các bạn có thể tham gia giảng dạy ở các trường CĐ, ĐH.
* Nếu sau này em muốn quản lý một công ty xuất nhập khẩu thì nên học ngành gì?
- Th.S Lâm Tường Thoại: Bạn muốn làm công tác xuất nhập khẩu thì có hai hướng, một hướng là quản lý. Hướng thứ hai là làm xuất nhập khẩu. Nếu muốn làm quản lý, em học ngành quản trị kinh doanh quốc tế, học tất cả những kiến thức về kinh doanh buôn bán nước ngoài, các nghiệp vụ thanh toán quốc tế, vận tải, bảo hiểm…
Hướng thứ hai các em học nghiệp vụ nhiều hơn, các chính sách đầu tư nước ngoài vào VN và ngược lại. Cần lưu ý, ngành này có hai khối thi là A và D. Thông thường, dù các em chọn ngành này ở trường nào thì thường ngành này thuộc loại “top” của trường đó, điểm rất cao và cần cố gắng vấn đề ngoại ngữ để có thể theo được ngành này.
* Có ngành toán kinh tế, ngành đó học ra để làm gì?
- Th.S Trần Thế Hoàng: Ngành này là ngành tương đối đặc thù của trường kinh tế, hiện có tên gọi mới là Toán tài chính. Ngành này được mở từ những năm 1978. Muốn học ngành này đòi hỏi bạn phải có tư duy togic, có kiến thức toán, thống kê. Ngành này tương đối khó học nhưng cơ hội việc làm khá tốt. Bạn có thể phân tích, tư vấn đầu tư tài chính, trang bị kiến thức về tài chính hiện đại, dự báo tài chính, rủi ro tài chính. Cơ hội việc làm tại các cơ quan nhà nước trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán và bảo hiềm cũng như các doanh nghiệp…
* Ở ĐH Kinh tế TP.HCM sau 1,5 năm đầu sẽ được chọn chuyên ngành, vậy tiêu chí nào để chọn ngành?
- Th.S Trần Thế Hoàng: ĐH kinh tế tuyển bằng một điểm chuẩn. Sau 3 học kỳ, bạn sẽ đề xuất nguyện vọng của mình và nhà trường sẽ căn cứ thêm kết quả học tập. Kết quả học tập tốt thì nguyện vọng của bạn được đáp ứng ngay. Nếu kết quả hơi thấp thì bạn sẽ chỉ được chuyển qua các ngành còn chỉ tiêu trong trường. Qua một năm rưỡi bạn có thể chọn chính xác ngành nghề phù hợp với mình.
Phóng to |
Th.S Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) đang tư vấn cho thí sinh - Ảnh: Như Hùng |
* Em muốn làm ở Sở tài chính, em phải thi trường nào? Ngành nào? Điểm chuẩn bao nhiêu?
- Th.S Lâm Tường Thoại: Em muốn làm ở Sở tài chính hoặc công việc liên quan đến tài chính là hoàn toàn khác nhau. Bởi trong Sở tài chính có nhiều công việc, bộ phận khác nhau, em có thể học nhiều ngành nghề để vào làm ở Sở tài chính. Trường hợp em muốn học tài chính ngân hàng, tài chính tín dụng, tài chính công, kế toán kiểm toán…
Ở các trường địa phương hiện đều có đào tạo các ngành tài chính, kế toán. Khối thi là A hoặc D1. Điểm chuẩn ở các trường dân lập khoảng bằng điểm sàn của bộ. Các trường công lập lấy cao hơn, từ 15 đến 21 điểm. Em xác định mình nằm trong giới hạn điểm nào để chọn đúng trường thi.
* Ngành kinh tế đối ngoại có trường nào ngoài trường ĐH ngoại thương đào tạo và lấy điểm ít hơn ĐH ngoại thương không?
- Th.S Trần Thế Hoàng: Các em có thể xem thêm trong cuốn “Những điều cần biết”. các em chọn ngành, chọn trường rồi xem điểm chuẩn. Các em còn có thể tham khảo trên website tuoitre.vn để nắm tình hình điểm chuẩn các trường có cùng ngành. Có những trường chúng ta quá thích nhưng không thi nổi vì điểm chuẩn quá cao. Các bạn nên chọn những trường có điểm chuẩn vừa sức. Ngoài ra các bạn cần chú ý vùng tuyển và học phí của các trường.
Danh sách ban tư vấn 1. Th.S TRẦN THẾ HOÀNG - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế TP.HCM 2.Th.S LÂM TƯỜNG THOẠI - trưởng phòng đào tạo ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) 3. Th.S NGUYỄN THẾ HÙNG - trưởng phòng đào tạo ĐH Tiền Giang |
Đơn vị tài trợ:
Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận