29/07/2024 21:24 GMT+7

Hơn 1.000 người tham gia bộ phim ca nhạc đặc biệt về Trường Sa

Trong bộ phim ca nhạc 'Trường Sa - Bến bờ trong nhau', lần đầu tiên một dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trên tàu lớn giữa biển. Hơn 1.000 người đã tham gia vào bộ phim ca nhạc này.

Hơn 1.000 người tham gia bộ phim ca nhạc đặc biệt về Trường Sa- Ảnh 1.

Hình ảnh ca sĩ Khánh Hòa hát trước đảo Trường Sa trong phim - Ảnh: ĐPCC

Bộ phim ca nhạc do ban văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam phối hợp cùng Quân chủng Hải quân, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long thực hiện.

Phim ra mắt chiều 29-7 tại Hà Nội, phát sóng vào 14h10 ngày 4-8 trên VTV1, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc (ngày 2 và 5-8-1964 - ngày 2 và 5-8-2024), 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024).

8 lần ra Trường Sa và hai bộ phim ca nhạc về Trường Sa

Phim do đạo diễn Phú Trần đạo diễn chính. 

Không chỉ giữ vai trò chính là nghệ sĩ biểu diễn hát tất cả các ca khúc trong phim, ca sĩ Khánh Hòa còn là người khởi lên ý tưởng về phim, viết kịch bản văn học cùng nhạc sĩ Lê Tâm, tham gia đóng một vai chính, hỗ trợ sản xuất cho bộ phim…

Trường Sa - Bến bờ trong nhau là phim ca nhạc thứ hai về Trường Sa của ca sĩ Khánh Hòa. 

Bén duyên với Trường Sa lần đầu vào năm 2009, năm 2012 chị đã thực hiện phim ca nhạc đầu tiên mang tên Gần lắm Trường Sa và tới nay đã tám lần ra Trường Sa.

Nội dung phim kể về người lính hải quân với truyền thống gia đình gồm bốn thế hệ tiếp nối là bộ đội hải quân.

Câu chuyện phim được dẫn dắt bằng tám ca khúc về Trường Sa và người lính, về biển đảo quê hương, do Khánh Hòa hát.

Đó là những ca khúc quen thuộc được phối khí mới như Gửi cánh chim biển (Võ Thiên Lan), Tình anh (Đình Dũng), Mẹ kể con nghe (Xuân Bình).

Nơi ấy là Trường Sa (Xuân Nghĩa), Ngọn nến tri ân (An Hiếu), Đảo xa Tổ quốc (Quỳnh Hợp), Bâng khuâng Trường Sa (thơ: Nguyễn Thế Kỷ, nhạc: Lê Đức Hùng), và liên khúc Tình biển - Chào Trường Sa (Trần Quang Huy và Lưu Hà An).

Phim có những cảnh hoành tráng lần đầu tiên một dàn nhạc giao hưởng trình diễn trên tàu - Anh: ĐPCC

Phim có những cảnh hoành tráng lần đầu tiên một dàn nhạc giao hưởng trình diễn trên tàu - Anh: ĐPCC

Lần đầu tiên Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn trên tàu giữa biển

Phim có nhiều cảnh quay ở nhiều không gian khác nhau như đất liền, trong vùng quân sự, trong vịnh, trên đại dương và nhiều đảo tại quần đảo Trường Sa

Đặc biệt, bộ phim có được những cảnh quay hùng tráng nhờ sự hậu thuẫn đặc biệt to lớn của Quân chủng Hải quân.

Đơn vị này đã hỗ trợ đoàn làm phim hai máy bay trực thăng thuộc Lữ đoàn 954, hai tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Quang Trung, tàu Yết Kiêu... và rất nhiều quân trang phục vụ trong quá trình ghi hình.

Nhờ đó, lần đầu khán giả được thấy hình ảnh choáng ngợp: giữa biển khơi, toàn bộ dàn nhạc giao hưởng và ca sĩ Khánh Hòa trình diễn ca khúc Nơi ấy là Trường Sa trên chiếc tàu Yết Kiêu ở vịnh Cam Ranh, hai bên có hai chiếc tàu hộ vệ tên lửa.

Hơn 1.000 người tham gia bộ phim ca nhạc đặc biệt về Trường Sa- Ảnh 6.

Ca sĩ Khánh Hòa hát bên những người lính hải quân - Ảnh: ĐPCC

Phim có những hình ảnh xúc động như lễ tưởng niệm Gạc Ma; cuộc sống của chiến sĩ hải quân thời hiện đại, trẻ trung, lạc quan nhưng cũng đầy trách nhiệm; chuyến tàu đưa người vợ đến Trường Sa thăm chồng; cha - con hội ngộ.

Ngoài Khánh Hòa, phim có sự tham gia diễn xuất của nhiều diễn viên chuyên và không chuyên như NSND Mạnh Cường, NSƯT Minh Phương, diễn viên Tiến Lộc, Bình An, Huyền Thạch, các "diễn viên" là các chiến sĩ hải quân.

Phát biểu tại buổi ra mắt phim, chuẩn đô đốc Phạm Văn Luyện - phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân - khẳng định đây là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc về bộ đội hải quân.

Phim mang giá trị nhân văn sâu sắc, ngợi ca tình yêu đất nước, tình yêu biển, đảo quê hương.

Ông tin tưởng bộ phim sẽ khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc; bồi đắp thêm tinh thần chiến đấu anh dũng cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam; xây dựng ý chí, củng cố niềm tin cho quân dân ta quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Tuổi đôi mươi giữa biển trời Trường Sa: Cuộc gặp thế hệ ở Cô LinTuổi đôi mươi giữa biển trời Trường Sa: Cuộc gặp thế hệ ở Cô Lin

Giữa chuyến hải trình của đoàn đại biểu TP.HCM ra thăm Trường Sa năm nay, cuộc gặp thế hệ khá đặc biệt khi nhân chứng sống của "pháo đài" HQ-505 bảo vệ đảo 36 năm trước hiện diện giữa những người lính trẻ đang canh giữ vùng biển trời Tổ quốc hôm nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên