23/06/2024 10:40 GMT+7

Tuổi đôi mươi giữa biển trời Trường Sa: Cuộc gặp thế hệ ở Cô Lin

Giữa chuyến hải trình của đoàn đại biểu TP.HCM ra thăm Trường Sa năm nay, cuộc gặp thế hệ khá đặc biệt khi nhân chứng sống của "pháo đài" HQ-505 bảo vệ đảo 36 năm trước hiện diện giữa những người lính trẻ đang canh giữ vùng biển trời Tổ quốc hôm nay.

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc (thứ hai, từ trái qua) và Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường (thứ hai, từ phải qua) cùng nhân chứng tàu HQ-505 trao niềm tin đến thế hệ trẻ ở Cô Lin - Ảnh: HÀ THANH

Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc (thứ hai, từ trái qua) và Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường (thứ hai, từ phải qua) cùng nhân chứng tàu HQ-505 trao niềm tin đến thế hệ trẻ ở Cô Lin - Ảnh: HÀ THANH

Trên đảo Cô Lin hôm ấy có thượng tá Phạm Văn Hưng - nguyên phó phòng hậu cần (Bộ tham mưu Hải quân), nguyên trưởng ngành hỏa lực tàu HQ-505 và hai đồng đội cùng tàu năm đó: Phạm Văn Cương và Lê Tiến Dũng. Trở lại nơi từng chiến đấu giữa lằn ranh sinh tử, họ không khỏi bồi hồi khi nhắc lại sự kiện tàu HQ-505 đã từng là cột mốc chủ quyền Tổ quốc trên đảo Cô Lin.

Tôi thấy tuổi trẻ của mình đáng giá lắm, không gì sánh được. Thế hệ cha ông đi trước đã chiến đấu, bảo vệ biển đảo, đến lượt chúng tôi nối tiếp nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nghĩ như thế thôi là thấy quá đỗi tự hào.

Trung sĩ ĐẬU VĂN HIẾU (19 tuổi, quê Nghệ An)

Giữ đảo bằng mọi giá

Ký ức Cô Lin 36 năm về trước như ùa về. Những người lính tuổi đôi mươi ngày ấy đã vượt bao sóng gió, kiên cường, anh dũng chiến đấu để giữ đảo bằng mọi giá. Câu chuyện được kể cho thế hệ lính trẻ hôm nay dẫu qua hơn 30 năm mà như mới đây cùng quà tặng đặc biệt là tấm ảnh tàu HQ-505.

Đặc biệt bởi theo thượng tá Hưng, mỗi lần nhìn tấm ảnh lịch sử này, các bạn trẻ hôm nay như được nhớ về những năm tháng chiến đấu anh dũng của thế hệ cha anh. "Để luôn nhắc chúng ta phải giữ gìn biển đảo quê hương, giữ gìn Cô Lin bằng mọi giá" - thượng tá Hưng nói.

Phải 36 năm kể từ sự kiện lịch sử 1988, ông Phạm Văn Cương mới có dịp trở lại Cô Lin. Người lính tàu HQ-505 năm xưa được các bạn lính trẻ hôm nay dẫn đi thăm một vòng quanh đảo. Ông bảo mình và đồng đội vui lắm khi thấy đảo vững chãi, đặc biệt là những mảng xanh vươn mình dưới nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa góp phần bảo đảm rau xanh cho cán bộ, chiến sĩ.

Ông Cương nói điều ấn tượng nhất là gặp những lính tuổi mười tám, đôi mươi sẵn sàng nhận nhiệm vụ giữ bình yên cho đảo hôm nay.

"Các đồng chí đúng bằng tuổi chúng tôi năm đó nhưng trông cứng cáp, trưởng thành hơn, phát huy được truyền thống bộ đội hải quân góp phần bảo vệ, dựng xây đất nước mãi trường tồn" - ông Cương bày tỏ.

Cùng tâm trạng, thượng tá Hưng nói thế hệ đi trước luôn đánh giá cao và bày tỏ niềm yêu mến với các bạn đã chọn ra Trường Sa bởi "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?".

Ông thấy vui với sự tiếp bước thế hệ ấy và tin những người lính trẻ ở Cô Lin hôm nay chắc chắn "sẽ không chọn việc nhẹ nhàng".

Thượng tá Phạm Văn Hưng (thứ hai, từ phải qua) cùng đồng đội tàu HQ-505 trò chuyện với bạn lính trẻ trên đảo Cô Lin - Ảnh: HÀ THANH

Thượng tá Phạm Văn Hưng (thứ hai, từ phải qua) cùng đồng đội tàu HQ-505 trò chuyện với bạn lính trẻ trên đảo Cô Lin - Ảnh: HÀ THANH

Thế hệ tiếp bước

"Chúng cháu cảm ơn các bác, các chú đã dành tuổi trẻ để bảo vệ, xây dựng đảo. Chúng cháu quá tự hào khi nghe câu chuyện lịch sử và biết mình phải cố gắng nhiều hơn để xứng đáng là thế hệ tiếp nối" - trung sĩ Nguyễn Thành Tâm (19 tuổi, quê TP.HCM) chia sẻ.

Gần sáu tháng trên đảo Cô Lin, nắng gió như trui rèn người lính trẻ thêm bản lĩnh, rắn rỏi, nhất là tính kiên trì, bền vỉ vượt mọi khó khăn.

Cũng như Tâm, tuổi 20 với anh lính trẻ Trần Ngọc Thảo (quê Quảng Ngãi) ghi dấu ấn đáng nhớ khi chọn cống hiến ở nơi xa xôi nhất của Tổ quốc, thỏa ước nguyện được vươn khơi với nắng gió Trường Sa.

Thảo nói những người lính ở Cô Lin luôn gắn kết với nhau hơn cả một gia đình. Các anh cán bộ chỉ huy luôn đồng hành, giúp đỡ và động viên những người lính trẻ trong công việc cũng như trong cuộc sống, giúp các bạn trẻ học sự nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó để vượt thắng mọi hoàn cảnh.

"Trong mỗi lần sinh hoạt, những người lính trẻ tụi mình được nghe kể về truyền thống anh hùng của đảo Cô Lin làm ai nấy đều nhân lên niềm yêu mến và tự hào vì đang được tiếp bước cha ông để giữ bình yên cho đảo" - Thảo nói.

Trong khi đó, trung sĩ Đậu Văn Hiếu (19 tuổi, quê Nghệ An) kể chưa thể quên lúc viết đơn tình nguyện ra đảo đã rất phấn khích khi nghĩ đến ngày mình được trở thành người lính hải quân. Hiếu nói được ra Trường Sa công tác đã là đặc biệt. Nên được gắn bó với đảo Cô Lin anh hùng lại càng đặc biệt hơn chứ không chỉ là được góp chút sức mọn của mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

"Chúng tôi rất yên tâm"

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đại tá Phạm Văn Thọ - chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) - nhận xét cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là sĩ quan trẻ, đoàn viên, thanh niên công tác trên các đảo, điểm đảo ở quần đảo Trường Sa rất năng động, nhiệt tình, trách nhiệm.

Trước khi ra đảo, họ đều đã được huấn luyện cụ thể các nội dung, kiến thức liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ huy, quá trình thực hiện nhiệm vụ trên đảo. Các cấp ủy Đảng, đơn vị thường xuyên quan tâm, động viên cả vật chất lẫn tinh thần, đặc biệt tạo môi trường, điều kiện để cán bộ, chiến sĩ, sĩ quan trẻ được thể hiện tình cảm, trách nhiệm và năng lực của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên các đảo.

"Chúng tôi rất yên tâm, tin tưởng vào đội ngũ sĩ quan trẻ và lực lượng đoàn viên, thanh niên. Các bạn luôn phát huy tốt tinh thần, trách nhiệm, vai trò xung kích, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao ở nơi đầu sóng ngọn gió vốn đầy khó khăn gian khổ" - đại tá Thọ nói.

Khi Tổ quốc cần, thanh niên tiến lên

Có mặt trong hải trình này, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Phước Lộc chia sẻ khi đọc thông tin về các cựu chiến binh tàu HQ-505 mới biết ở thời điểm năm 1988, ông Phạm Văn Hưng chỉ 25 tuổi, còn hai đồng đội Phạm Văn Cương và Lê Tiến Dũng chỉ mới 23 tuổi. Như vậy là cả một thời tuổi trẻ, các người lính ấy đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, chiến đấu ngoan cường, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

"Các anh đã là nhân chứng sống cho ý chí quật khởi, kiên cường của Hải quân Việt Nam, của Quân đội nhân dân Việt Nam và của tuổi trẻ Việt Nam. Hình ảnh này phải được lưu truyền, tiếp nối truyền thống đến thế hệ trẻ Việt Nam để khi Tổ quốc cần, thanh niên tiến lên" - ông Nguyễn Phước Lộc trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ ngay tại đảo Cô Lin.

Tuổi đôi mươi giữa biển trời Trường Sa: Được ôm ba mẹ ngay tại đảoTuổi đôi mươi giữa biển trời Trường Sa: Được ôm ba mẹ ngay tại đảo

Gặp ba mẹ trên hòn đảo mình công tác, chuyện ngỡ như khó tin nhưng lại có thật với những bạn lính trẻ đang làm nhiệm vụ canh giữ bình yên vùng biển trời chủ quyền đất nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên